Đường dẫn truy cập

'Các trại lao động cải tạo ở Trung Quốc vẫn hoạt động bình thường'


Nhà bếp tại một trại cải tạo lao động trong tỉnh Liêu Ninh, đông bắc Trung Quốc.
Nhà bếp tại một trại cải tạo lao động trong tỉnh Liêu Ninh, đông bắc Trung Quốc.
Giới chức địa phương quản lý các trại lao động cưỡng bức gây nhiều tranh cãi của Trung Quốc nói rằng, họ vẫn đang hoạt động bình thường và chưa nhận được thông báo nào từ Bắc Kinh về việc chấm dứt hệ thống này.

Tờ Hoàn cầu Thời báo của nhà nước hôm nay cho biết giới chức ở ít nhất 6 vùng trên khắp Trung Quốc chưa nhận được thông tin gì về những thay đổi được đề xuất đối với hệ thống gọi là "lao động cải tạo".

Tuần trước, truyền thông nhà nước trích lời Ủy viên Bộ Chính trị Mạnh Kiến Trụ nói rằng vào cuối năm nay Trung Quốc sẽ ngưng sử dụng hệ thống trại lao động đã có từ nhiều thập kỷ.

Tin này sau đó đã được gỡ bỏ mà không kèm lời giải thích. Giới chức sau đó cho biết hệ thống này sẽ được "cải cách".

Nhiều năm qua Bắc Kinh đã bàn thảo về việc có thể sẽ thay đổi hệ thống mà từ lâu đã bị các nhóm nhân quyền chỉ trích là không đáp ứng những tiêu chuẩn quốc tế.

Chính quyền Trung Quốc sử dụng các trại lao động để giam giữ gái mại dâm, người nghiện ma túy và những người phạm tội vặt khác lên đến 4 năm mà không đưa ra xét xử tại tòa án đang bị quá tải.

Những người phản đối hệ thống nói rằng Bắc Kinh cũng sử dụng các trại lao động để bịt miệng những người chỉ trích chính phủ và những người bất đồng chính kiến. Họ nói tra tấn và ngược đãi là những hành vi phổ biến trong trại.

Các nhóm nhân quyền đã hoan nghênh cuộc thảo luận về việc bãi bỏ hệ thống này. Nhưng nhiều người lo ngại nó sẽ được thay thế bằng một hệ thống giam giữ tương tự, trong đó người dân không được phép tự bảo vệ.

Tờ Hoàn cầu Thời báo, tờ báo thường phản ánh quan điểm của chính phủ, trích lời các chuyên gia pháp lý nói rằng hệ thống "cải tạo bằng lao động" có nhiều khả năng sẽ được thay thế bằng một hệ thống "chỉnh huấn thông qua giáo dục".

Bài báo cho hay 4 thành phố ở Trung Quốc đã bắt đầu "thực hiện thí điểm" chương trình chỉnh huấn mới.

Bài báo nói chương trình sẽ "cho phép người phạm tội tự biện hộ với sự trợ giúp của luật sư tại tòa án và được quyền kháng án."

Bài báo cũng trích dẫn lời một luật sư và quan chức Quốc hội nói rằng, người phạm tội sẽ được phép giáo dục tại nhà từ "các tổ chức cộng đồng" thay vì phải đi vào các trại giam.

Bất kỳ cải cách quan trọng nào đối với hệ thống này có thể được xem là dấu hiệu cho thấy nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc Tập Cận Bình muốn thực hiện cải cách có chừng mực về chính trị và pháp lý.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG