Ông Obasanjo đã họp với cả hai tổng thống đương quyền là ông Laurent Gbagbo và cựu thủ tướng Alassane Ouattara trong một tiến trình thăm dò. Ông nói với báo chí tại Abidjan rằng ông lạc quan về tiến trình này nhưng sẽ không loại bỏ đề nghị sử dụng vũ lực để buộc ông Gbagbo phải rời bỏ ghế tổng thống.
Ông nói: "Khi có một vấn đề cần giải quyết, quí vị phải xét đến tất cả mọi giải pháp có thể áp dụng, và phải chấp nhận những giải pháp thực tế nhất, hữu hiệu nhất, và ít tốn kém nhất."
Sự hiện diện tại đây của ông Obasanjo là một phần của nỗ lực trung gian của các nhà lãnh đạo Tây Phi đang xét đến giải pháp quân sự nhắm vào ông Gbagbo nếu ông ta không chịu trao quyền lại cho ông Ouattara, là người được quốc tế công nhận đã thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 11 năm ngoái.
Nhưng sự nhất trí trong đường lối giải quyết cấp vùng này đã bị tổng thống Ghana John Atta Mills phá hỏng. Ông John Atta Mills, đang từ chối không chịu đứng về phe nào trong cuộc khủng hoảng, nói rằng ông sẽ không đóng góp binh sỹ cho lực lượng cấp vùng vì ông không nghĩ là giải pháp quân sự sẽ mang lại hiệu quả.
Ông cho biết: "Chọn một nhà lãnh đạo cho Côte d'Ivoire không phải chuyện của Ghana, nhưng Ghana cần phải ủng hộ cho những lý tưởng dân chủ mà tất cả chúng ta đều quí trọng."
Tổng thống Ghana nói rằng các lực lượng của nước ông đã bị trải mỏng và nếu tham gia vào một lực lượng cấp vùng nữa thì điều này có thể gây nguy hại cho sinh mạng của hàng ngàn thường dân Ghana sinh sống tại Côte d'Ivoire. Ông cho biết tiếp:
"Cá nhân tôi không nghĩ là giải pháp quân sự có thể mang lại hòa bình cho Côte d'Ivoire, và quả thực, lời thề nguyền cuả tôi trước nhân dân Ghana là bảo vệ sự vẹn toàn lãnh thổ và an toàn cho nhân dân Ghana."
Các dân quân của ông Gbagbo vẫn đang đe dọa tấn công thường dân từ bất cứ quốc gia nào đóng góp quân số cho một lực lượng cấp vùng. Chính phủ Gbagbo đã cho phép tổ chức một cuộc biểu tình nhỏ vào Chủ nhật của một nhóm những kiều dân sống tại Nigeria đến từ những quốc gia trong khu vực để chống lại biện pháp can thiệp bằng quân sự.
Với ông Ouattara phải ẩn mình trong môt khách sạn nghỉ mát được nhân viên gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc bảo vệ, ông Gbagbo dường như quyết tâm kéo dài cuộc khủng hoảng này càng lâu càng tốt trong hy vọng rằng sự ủng hộ gần như nhất trí của quốc tế cho đối thủ của ông sẽ yếu đi. Việc Tổng thống Ghana tuyên bố không đồng tình tham gia lời đe dọa sử dụng lực lượng cấp vùng để giải quyết vấn đề cho thấy dường như sách lược này của ông Gbagbo có thể có hiệu quả.
Bộ trưởng Ngoại giao của ông Ouattara Jean-Marie Kacou Gervais nói rằng ông không lo ngại về lập trường của Tổng thống Ghana vì Ghana đã là một thành phần của phái bộ Liên Hiệp Quốc tại đây rồi.
Ông nói: "Tổng thống Ghana đã nói như vậy vì ông đã đóng góp nhân lực cho phái bộ Liên Hiệp Quốc tại Côte d'Ivoire, vì vậy rất khó cho ông tăng cường thêm quân số. Ông đã có đóng góp rồi."
Theo ông Gervais, sự lưỡng lự của Ghana không ảnh hưởng gì đến việc lập kế hoạch cho hành động quân sự, một thúc đẩy hiện đang do tổng thống Nigeria Jonathan Goodluck dẫn đầu.
Ông nói: "Chẳng bao lâu nữa Ecowas sẽ hoàn toàn can dự và tôi chắc chắn Tổng thống Jonathan Goodluck đang nỗ lực làm việc trong vấn đề này. Chúng tôi biết rằng rất nhiều nguyên thủ trong khối ECOWAS đang cứu xét vấn đề và chúng tôi hoàn toàn tin tưởng. Không có gì thay đổi trong quyết tâm đó cả."
Các giới chức của ông Ouattara nói rằng ông Obansanjo đã nêu rõ lập trường của ECOWAS rằng ông Gbagbo phải rời bỏ quyền bính bằng không sẽ phải đối đầu với nguy cơ bị các nước châu Phi sử dụng vũ lực buộc ông ta phải ra đi.
Cựu tổng thống Nigeria Olusegun Obasanjo nói rằng ông lạc quan rằng cuộc khủng hoảng chính trị của Côte d'Ivoire có thể được giải quyết một cách êm thắm. Nhưng ông nêu lên nguy cơ có những đe dọa trong khu vực để phải dùng đến vũ lực nếu tổng thống đang bám víu lấy quyền hành của Côte d'Ivoire không chịu rời bỏ chức vụ.