Israel trả đũa Iran, liệu chiến tranh có bùng nổ?

Bảng cổ động bài Israel với hình ảnh tên lửa Iran trên đường phố Tehran.

Bảng cổ động bài Israel với hình ảnh tên lửa Iran trên đường phố Tehran.

Israel dường như đã đáp trả Israel vào hôm 19/4 – gần một tuần sau khi Iran bắn hơn 300 tên lửa và máy bay không người lái vào lãnh thổ Israel vào tối ngày 13/4 trong một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp đầu tiên giữa Cộng hòa Hồi giáo Iran và Nhà nước Do Thái, theo Reuters.

Hãng tin này cho biết các vụ nổ đã vang lên ở thành phố Isfahan của Iran mà các nguồn của họ cho là ‘hành động tấn công của Israel’. Truyền thông và các quan chức Iran cũng cho biết có một vài vụ nổ, mà họ nói đó là do hệ thống phòng không của họ đã bắn trúng ba máy bay không người lái trên thành phố Isfahan.

Dư luận khắp nơi tin rằng đây là hành động Israel đáp trả cuộc tấn công của Iran nhưng sự đáp trả này chỉ ‘ở mức giới hạn’ để không leo thang xung đột trong khu vực trong bối cảnh Israel đang chịu sức ép của Mỹ và các nước phương Tây trong khi Iran cũng không muốn chiến tranh lan rộng, một nhà nghiên cứu nói với VOA.

Quy mô hạn chế của cuộc tấn công và phản ứng lặng lẽ của Iran dường như cho thấy nỗ lực các nhà ngoại giao vốn đã làm việc suốt ngày đêm để ngăn chặn chiến tranh bùng phát toàn diện, đã ‘thành công’, Reuters nhận định.

Đáng chú ý, chính quyền Iran đã gọi vụ việc này là cuộc tấn công của ‘những kẻ xâm nhập’ chứ không nêu đích danh Israel. Do đó, Iran đã loại bỏ sự cần thiết phải trả đũa.

Cuộc tấn công của Iran hôm 13/4 đã đặt chính quyền Israel vào tình thế tiến thoái lưỡng nan là phải cân bằng giữa áp lực quốc tế kêu gọi kiềm chế và áp lực từ trong nước đòi phải có phản ứng thích hợp.

Nội các chiến tranh của Israel đã họp liên tục kể từ đó đến nay. Ngay sau cuộc họp kéo dài gần ba giờ đồng hồ hôm 15/4, nội các chiến tranh của Israel quyết tâm sẽ đáp trả Iran nhưng không cho biết thời gian và quy mô đáp trả, theo CNN.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu phải cân nhắc lời kêu gọi của liên minh cánh hữu cầm quyền là cần phản ứng mạnh mẽ với Iran bất chấp nguy cơ bị quốc tế cô lập khi mở rộng cuộc chiến mà không có sự ủng hộ quốc tế.

Áp lực từ đồng minh

Tuy nhiên, phản ứng của Israel bị giới hạn bởi vì họ đang hành động trong một liên minh không chính thức, ông Tamir Hayman, cựu giám đốc tình báo quân sự của Israel, viết trên X. Không chỉ mình Israel đánh chặn các tên lửa Iran mà họ còn có sự giúp đỡ của Mỹ, Anh, Pháp và cả Jordan.

“Đồng minh hỗ trợ là hiệu quả và quan trọng, nhưng nó sẽ hạn chế tự do đáp trả,” ông Hayman, lãnh đạo Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia (INSS) ở Tel Aviv, nói với CNN.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden và đội ngũ an ninh quốc gia của ông đã nói với những người đồng cấp Israel rằng Mỹ sẽ không tham gia vào bất kỳ hành động tấn công nào chống Iran, các quan chức Mỹ nắm rõ vấn đề nói với CNN. Ông Biden đã tìm cách thuyết phục Israel rằng thành tích đánh chặn là chiến thắng lớn cho nên không cần phải phản ứng nữa. Thay vào đó, ông Biden muốn Tel Aviv dùng giải pháp ngoại giao.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi Israel nhắm vào cô lập Iran thay vì leo thang tình hình, còn Thủ tướng Đức Olaf Scholz cảnh báo Iran không nên tiến hành thêm các cuộc tấn công và cho biết Israel cũng phải góp phần làm giảm leo thang.

Trong cuộc gặp với ông Netanyahu ở Tel Aviv hôm 17/4, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock và người đồng cấp Anh David Cameron đã kêu gọi Israel kiềm chế.

Tuyên bố chung của nhóm G7 do Ý, nước chủ tịch luân phiên của khối, đưa ra hôm 14/4 cũng cảnh báo là ‘cần phải tránh gây ra leo thang không thể kiểm soát ở khu vực’.

Chính trị trong nước

Thủ tướng Benjamin Netanyahu lãnh đạo liên minh cầm quyền cánh hữu nhất trong lịch sử Israel, và giữ cho chính phủ không sụp đổ đòi hỏi ông phải xoa dịu những người theo đường lối cứng rắn.

Alon Pinkas, một nhà ngoại giao Israel kỳ cựu, được CNN dẫn lời nói rằng quyết định trả đũa nào của Israel cũng bị chi phối mạnh mẽ bởi chính phủ cực hữu của Thủ tướng Netanyahu và nhu cầu giữ vững ghế của chính ông Netanyahu.

Tuy nhiên, ông Pinkas cũng nói thêm rằng công chúng Israel không muốn mở thêm một mặt trận nữa khi mà quân đội Israel vẫn đang chiến đấu với Hamas ở Gaza.

“Mọi người vẫn còn tan nát và sốc về những gì đã xảy ra vào hôm 7/10 (ngày mà Hamas tấn công), do đó tôi không nghĩ công chúng mong muốn leo thang và mở ra một cuộc xung đột hoàn toàn trực tiếp với Iran,” nhà ngoại giao Israel nói.

Trả đũa giới hạn

Do đó, các nhà phân tích cho rằng Israel có rất ít lựa chọn, và mỗi lựa chọn đều đi kèm với một cái giá, nhất là khi họ đang dính vào một cuộc chiến tàn khốc kéo dài đã sáu tháng với Hamas ở Dải Gaza và đang đối đầu với các nhóm phiến quân được Iran hậu thuẫn trong khu vực

Israel chưa bao giờ tiến hành tấn công quân sự trực tiếp vào lãnh thổ Iran. Tổng thống Iran Ebrahim Raisi hôm 15/4 đã cảnh báo rằng ‘những hành động làm tổn hại lợi ích của Iran dù là nhỏ nhất cũng sẽ hứng chịu phản ứng ‘nghiêm trọng, bao quát và đau đớn’.

“Ưu tiên của Israel là tiếp tục và tập trung đạt được các mục tiêu chính ở Gaza, chứ không phải mở một mặt trận mới,” ông Raz Zimmt, chuyên gia về Iran tại Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia (INSS) ở Tel Aviv, nói với CNN.

Tiến sỹ Nguyễn Hồng Hải, chuyên giảng dạy ngành Quan hệ Quốc tế tại Đại học VinUni ở Hà Nội, nhận định với VOA rằng nội các chiến tranh Israel đã đạt được đồng thuận cao về việc phải có hành động trả đũa của Iran.

“Tôi nghĩ rằng họ (Israel) không dễ dàng chấp nhận bỏ qua cuộc tấn công vừa rồi của Iran bởi vì mối quan hệ xung khắc giữa Iran và Israel nó đã âm ỉ từ lâu rồi. Trước đây Iran thậm chí còn tuyên bố sẽ xóa sổ Israel ra khỏi bản đồ thế giới. Ngược lại Israel luôn coi sự phát triển hạt nhân của Iran là mối đe dọa đối với Nhà nước Do Thái,” Tiến sỹ Hải phân tích.

Tuy nhiên, nếu việc đáp trả của Israel diễn ra ở quy mô lớn và gây ra thiệt hại hại nặng nề cho Iran thì Iran ‘chắc chắn sẽ đáp trả mạnh mẽ trở lại. “Lúc đó cuộc chiến sẽ có nguy cơ lan rộng ra toàn khu vực và thu hút sự can dự của các nước bên ngoài,” ông cảnh báo.

“Nếu như họ (Tel Aviv) thật sự phớt lờ tất cả các lời cảnh báo mà tấn công Iran thì đó sẽ là điều tồi tệ đối với cả khu vực và thế giới.”

Ông cho rằng Israel chỉ tấn công Iran ‘ở mức độ chấp nhận được’ đối với Mỹ ngay cả khi Washington không đồng tình về bất kỳ hành động trả đũa nào.

Mỹ không muốn leo thang

Tiến sỹ Hải giải thích Mỹ và các nước phương Tây không muốn xung đột Iran-Israel leo thang vì cuộc chiến Nga-Ukraine đang diễn ra và Mỹ cũng đang bận tâm về tình hình khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

“Tôi nghĩ Mỹ đã làm hết khả năng để ngăn cản Israel leo thang hơn nữa hoặc là tấn công Iran ở quy mô lớn,” ông nói.

“Phương Tây muốn dồn lực để hỗ trợ Ukraine giành chiến thắng trước Nga và để duy trì vị thế trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương,” ông nói thêm.

Ngoài ra, nếu căng thẳng Iran-Israel lan rộng thành khủng hoảng lớn thì ‘sẽ có tác động tiêu cực đến chiến dịch tái tranh cử của ông Biden’, Tiến sỹ Hải nhận định và cho rằng nếu ông Biden thành công trong việc giữ cho lò lửa chiến tranh Trung Đông không lan rộng thì ông sẽ ghi điểm về đối ngoại.

‘Như vậy là đã đủ’

Về phần Tehran, Tiến sỹ Hải cho rằng họ ở trong thế bắt buộc phải hành động sau khi sứ quán của họ ở Syria bị tấn công mà họ buộc tội Israel đứng đằng sau. Cuộc tấn công này làm 7 thành viên Vệ binh Cộng hòa, trong đó có các tướng lĩnh cấp cao của Iran, thiệt mạng. “Họ phải hành động để giữ được sự ủng hộ của người dân và duy trì chủ nghĩa dân tộc,” ông giải thích.

“Vừa rồi họ cũng gửi một thông điệp rõ ràng đến Israel là đã tấn công có giới hạn như vậy thôi bởi vì họ phải giữ thể diện cả ở trong nước lẫn đối ngoại.”

Theo lời ông thì Tehran biết rõ khả năng phòng thủ tên lửa của Israel được sự hỗ trợ của Mỹ và các đồng minh nên hành động tấn công của họ ‘là có tính toán kỹ’, ‘tấn công có giới hạn’ và ‘rõ ràng là không muốn leo thang’.

“Họ cũng thừa hiểu rằng nếu họ đi quá xa, gây thiệt hại lớn cho Israel thì khả năng can dự của Mỹ là rất lớn. Cho nên họ có tính toán và tấn công có giới hạn là vì vậy,” ông nói thêm.

Sau vụ phóng tên lửa và drone vào Israel, Tehran đã nói rằng họ không muốn leo thang xung đột và ‘như vậy là đã đủ’. Họ cũng đã báo trước cho chính quyền các nước trong khu vực, kể cả Mỹ, 72 giờ trước khi tấn công xảy ra, mặc dù điều này đã bị Mỹ bác bỏ, trong một động thái được các nhà phân tích cho là nhằm giảm thiểu tác động của cuộc tấn công.