Hệ thống phòng thủ tên lửa nhiều lớp của Israel cùng với sự hỗ trợ của các đồng minh đã giúp nước này bắn hạ gần như toàn bộ các tên lửa và máy bay không người lái mà Iran đã bắn vào Israel vào tối ngày 13/4, một chuyên gia nhận định với VOA.
Tổng cộng, Iran đã phóng khoảng 170 máy bay không người lái, hơn 30 tên lửa hành trình và hơn 120 tên lửa đạn đạo vào lãnh thổ Israel trong cuộc tấn công trực tiếp chưa từng thấy nhằm trả đũa vụ ném bom vào Đại sứ quán Iran ở Syria mà Tehran cáo buộc Tel Aviv là thủ phạm hôm 1/4, khiến 7 thành viên Vệ binh Cách mạng Iran thiệt mạng.
Quân đội Israel hôm 14/4 cho biết ‘99% vật thể bay do Iran phóng đã bị Israel và các đồng minh đánh chặn, chỉ có ‘một số ít’ tên lửa đạn đạo đã bắn tới Israel.
Các tên lửa đạn đạo của Iran bắn trúng Israel rơi xuống căn cứ không quân Netavim ở miền nam Israel, phát ngôn nhân quân đội Israel cho biết, nói thêm rằng chúng chỉ gây thiệt hại nhẹ về cấu trúc. Không có thương vong lớn về người được báo cáo.
Trong một cuộc điện đàm ngay sau đó vào hôm 14/4 , Tổng thống Mỹ Joe Biden nói với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu rằng nên coi đây là chiến thắng cho Israel vì không có mục tiêu nào có giá trị bị bắn trúng, một quan chức chính quyền Mỹ nói với CNN.
Hệ thống phòng thủ nhiều lớp
Israel vận hành một loạt các hệ thống để chặn các cuộc tấn công từ mọi loại vũ khí, từ tên lửa đạn đạo có quỹ đạo ở trên bầu khí quyển đến tên lửa hành trình và rocket tầm thấp.
Các lớp phòng thủ này bao gồm ‘Vòm Sắt’, ‘Ná David’ và ‘Mũi tên’ với mục tiêu và khả năng đánh chặn khác nhau, CNN cho biết.Việc 99% vật thể bay của Iran đã bị bắn hạ đã cho thấy hiệu quả của hệ thống phòng thủ tên lửa nhiều lớp này.
Trước hết, Vòm Sắt (Iron Dome) là lớp dưới cùng trong hệ thống phòng thủ tên lửa của Israel, CNN dẫn thông tin từ Tổ chức Phòng thủ Tên lửa (IMDO) của Israel cho biết.
Có ít nhất 10 khẩu đội Vòm Sắt ở Israel, mỗi khẩu đội được trang bị radar để phát hiện tên lửa. Sau khi được phát hiện, hệ thống chỉ huy và kiểm soát nhanh chóng tính toán xem vật thể đang bay tới có là mối đe dọa hay sẽ bắn trúng khu vực không người ở. Nếu có đe dọa, Vòm Sắt sẽ bắn tên lửa từ mặt đất để tiêu diệt nó trên không trung.
Lớp tiếp theo của hệ thống phòng thủ tên lửa là ‘Ná của David’ (David’s Sling). Hệ thống này giúp phòng vệ trước các mối đe dọa tầm ngắn và tầm trung, cũng theo IMDO.
‘Ná của David’ là dự án chung của Hệ thống Phòng thủ Tiên tiến Rafael của Israel và hãng quốc phòng khổng lồ Mỹ Raytheon. Nó sử dụng vũ khí đánh chặn động học Stunner và SkyCeptor để tiêu diệt các mục tiêu cách xa tới 186 dặm, CNN dẫn thông tin từ dự án Đe dọa Tên lửa tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) cho biết.
Bên trên lớp ‘Ná của David’ là các hệ thống Mũi tên 2 (tức Arrow) và Mũi tên 3 mà Israel hợp tác phát triển chung với Mỹ.
‘Mũi tên 2’ sử dụng đầu đạn phân mảnh, tức đạn chùm, để tiêu diệt các tên lửa đạn đạo bay tới trong bầu khí quyển trên, theo CSIS. Mũi tên 2’ có tầm bắn 56 dặm và độ cao tối đa 32 dặm, theo Liên minh Vận động Phòng thủ Tên lửa. Tổ chức này cho biết ‘Mũi tên 2’ là bản nâng cấp của hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot của Mỹ mà Israel từng sử dụng.
Trong khi đó, ‘Mũi tên 3’ sử dụng công nghệ bắn trúng để diệt (hit-to-kill) để đánh chặn các tên lửa đạn đạo đang bay tới trong không gian trước khi chúng đi lại vào bầu khí quyển trên đường bay đến mục tiêu.
Ngoài ra, Israel cũng có các chiến đấu cơ hiện đại, bao gồm máy bay tàng hình F-35I mà họ đã dùng để bắn hạ máy bay không người lái và tên lửa hành trình trước đây.
Trao đổi với VOA, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, chuyên gia vũ khí tại Viện Nghiên cứu đông nam Á ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore, nhận định rằng các hệ thống đánh chặn của Israel ‘rất mạnh’ nên việc đánh chặn được đến 99% ‘cũng hợp lý’.
Ông nói ba hệ thống ‘Vòm Sắt’, ‘Ná của David’ và ‘Mũi tên’ lần lượt là các hệ thống phòng không tầm ngắn, tầm trung và tầm xa bổ sung cho nhau.
“Chúng bổ sung cho nhau. Israel chắc chắn dùng ‘Mũi tên’ để đánh chặn từ xa, còn khi nó đã bay đến nơi rồi mà hệ thống ‘Mũi tên’ không phát hiện được thì bắt buộc phải dùng hệ thống ‘Vòm sắt’ để đánh chặn,” ông giải thích.
Ông cho biết trong hệ thống ‘Vòm sắt’ có thiết bị điều khiển đặc biệt quan trọng là radar có thể tính toán được đường bay của vật thể bay đang bắn tới, sau khi tính toán xong thì nạp vào bộ điều khiển của tên lửa đánh chặn để khi tên lửa này được phóng đi, nó sẽ bay theo quỹ đạo đã định trước.
Trong trường hợp có nhiều mục tiêu bắn tới cùng một lúc thì đầu đạn được bắn lên sẽ là đạn chùm, cũng theo lời Tiến sỹ Hợp. Đạn chùm này sẽ nổ làm văng các mảnh ra xung quanh trong bán kính lớn, tiêu diệt các mục tiêu tới gần.
Cũng có khi một tên lửa đánh chặn bắn lên là để bắn hạ chỉ một tên lửa, drone hay máy bay của đối phương, tùy mục tiêu lớn hay nhỏ, nhiều hay ít, bay nhanh hay chậm, cũng theo lời chuyên gia vũ khí này.
Tuy nhiên, ông cho biết các hệ thống đánh chặn này khá đắt đỏ, nên nếu đối phương, chẳng hạn như Hamas, dùng hàng ngàn những vật thể bay tự chế với giá thành chỉ khoảng 200-300 đô la một chiếc để tấn công Israel thì việc đánh chặn trở nên ‘cực kỳ tốn kém’.
Ông cho rằng không có thông tin Iran dùng loại tên lửa gì để bắn vào Israel, nhưng nếu họ dùng những tên lửa bay rất nhanh, như ở tốc độ Mach 3, tức gấp ba lần tốc độ âm thanh, chẳng hạn thì ‘sẽ rất khó cho Israel đánh chặn’.
“Bởi vì nó có một cái máy đo, tức radar, đo được chính xác quỹ đạo của tên lửa sắp bay đến rồi nó bắn trước để chặn thì sẽ bắn trúng. Nhưng nếu mà tên lửa bay nhanh quá thì nó bắn không kịp,” ông giải thích.
Đồng minh trợ giúp
Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp lưu ý thành tích bắn hạ tên lửa Iran của Israel ‘còn nhờ vào sự giúp đỡ của các đồng minh’ chứ không phải một mình Israel mà làm được.
Ông cho rằng với số lượng trên 300 vật thể bay mà Iran bắn sang đó thì ‘một mình Israel cũng có thể đối phó được’. “Nhưng nếu Iran bắn gấp 10 lần như thế thì không chắc,” ông nói thêm.
Các quan chức Mỹ cho biết các tàu và máy bay quân sự của họ đã đánh chặn hơn 70 máy bay không người lái và ba tên lửa đạn đạo của Iran, nhưng không nói chính xác hệ thống phòng thủ nào họ đã sử dụng.
Hải quân Mỹ đã bắn hạ ít nhất ba tên lửa đạn đạo bằng hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis trên hai tàu khu trục được trang bị tên lửa dẫn đường ở đông Địa Trung Hải, các quan chức Lầu Năm Góc nói với CNN.
Mặc dù địa điểm Mỹ bắn hạ từ đâu không được tiết lộ, nhưng trong khu vực có hàng không mẫu hạm và máy bay đậu trên đất liền của Hải quân Mỹ.
Ông Biden nói trong một tuyên bố rằng Mỹ đã chuẩn bị tốt để giúp Israel phòng vệ trước cuộc tấn công của Iran.
“Để hỗ trợ Israel phòng thủ, quân đội Mỹ đã di chuyển máy bay và tàu khu trục phòng thủ tên lửa đạn đạo đến khu vực trong tuần qua,” Tổng thống Mỹ được CNN dẫn lời nói.
“Nhờ vào sự triển khai này và khả năng phi thường của quân nhân chúng tôi, chúng tôi đã giúp Israel hạ gần như tất cả các máy bay không người lái và tên lửa bắn tới,” ông Biden nói thêm.
Anh cho biết lúc đó họ cũng sẵn sàng can thiệp bằng máy bay của Không quân Hoàng gia có mặt trong khu vực.
“Những chiếc máy bay này của Anh sẽ đánh chặn bất kỳ cuộc không kích nào trong phạm vi có mặt của các đơn vị của chúng tôi,” tuyên bố của Bộ Quốc phòng Anh cho biết.
Phát ngôn nhân quân đội Israel cho biết Pháp cũng tham gia giúp Israel đánh chặn các cuộc tấn công của Iran.
“Chúng tôi đang hợp tác chặt chẽ với Mỹ, Anh và Pháp, những nước đã hành động tối nay. Những mối quan hệ đối tác này luôn chặt chẽ, nhưng tối nay nó thể hiện một cách đặc biệt,” phát ngôn nhân này được CNN dẫn lời nói.
Khi được hỏi các hệ thống phòng thông này có giúp gì được cho Ukraine không khi nước này đang hứng chịu các cuộc không kích của Nga vào cơ sở hạ tầng năng lượng quan trọng, ông Hợp nói ‘chắc chắn sẽ có ích’ và chỉ ra việc Kyiv rất muốn mua hay thuê hệ thống phòng không của Mỹ nhưng ‘đến giờ Mỹ chưa trả lời’.
“Nó rất đắt. Nếu dùng để bảo vệ thành phố thì rất là đáng. Nhưng nếu mà đánh trận với cả chục sư đoàn dàn hàng ngang thì không thể dùng nó để bảo vệ được,” ông lưu ý.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1
Diễn đàn