Indonesia cho biết sẽ tăng cường tuần tra trên các vùng biển xung quanh một nhóm đảo nhỏ để đuổi tàu cá Trung Quốc, một động thái mà theo các nhà phân tích, có nguy cơ phương hại tới quan hệ kinh tế với Trung Quốc, nhưng rốt cuộc có thể giúp cho Jakarta giành được ưu thế trong vụ tranh chấp chủ quyền biển đảo mà không gánh chịu hậu quả nghiêm trọng đáng kể.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo hồi tháng 10 nói rằng chính phủ của ông sẽ không bao giờ thỏa hiệp về vấn đề chủ quyền vùng biển xung quanh quần đảo Natuna, gần nơi tàu bè Trung Quốc qua lại. Ông Widodo đã đến thăm các đảo đá và bãi cạn tại đó trong cuộc tập trận diễn ra trong tháng 9 và tháng 10 vừa qua.
Ông David McRae, một nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Viện châu Á Đại học Melbourne ở Úc nhận định:
"Trong các quan chức Indonesia, có quan điểm mạnh mẽ cho rằng Jakarta có thể vừa khẳng định chủ quyền của mình trên vùng biển mà họ cho là thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia xung quanh quần đảo Natuna, vừa tiếp tục phát triển quan hệ kinh tế với Trung Quốc."
Tổng thống Widodo năm ngoái kêu gọi hai nước tăng kim ngạch thương mại hai chiều lên đến $150 tỷ USD trước năm 2020. Trung Quốc chưa gì đã là nước lớn nhất nhập khẩu hàng hoá từ Indonesia, và cũng là thị trường xuất khẩu lớn thứ nhì của Indonesia về các mặt hàng như khoáng sản và dầu cọ.
Nhưng theo các chuyên gia, nội các Indonesia đã đề xuất một chiến lược có rủi ro thấp để bảo vệ tuyên bố chủ quyền của mình tại vùng đặc quyền kinh tế trong phạm vi 200 hải lý xung quanh quần đảo Natuna. Trung Quốc viện các tài liệu lịch sử và khẳng định rằng tàu bè Trung Quốc đã đánh bắt cá trong các vùng biển này từ rất lâu.
Người dân Indonesia, đặc biệt là các ngư phủ, giận dữ về các vụ đánh bắt cá bất hợp pháp, mà nay đã trở thành một vấn đề do tình trạng lơ là, không thực thi pháp luật để khẳng định tuyên bố chủ quyền xung quanh 13.000 hòn đảo của Indonesia.
Tổng thống Widodo nói Indonesia là nước được quyền đánh bắt cá và khai thác khí đốt thiên nhiên gần Natuna.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên 95% diện tích Biển Đông, trải dài từ Đài Loan đến Singapore và bao gồm một tuyến đường biển gần quần đảo Natuna.
Tuyên bố của Trung Quốc cũng chồng chéo với tuyên bố chủ quyền của các nước khác gồm có Việt Nam, Philippines, Brunei, và Malaysia.
Your browser doesn’t support HTML5
Trong 4 năm qua, Indonesia đã tăng cường tuần tra chống tàu đánh cá Trung Quốc, cũng như các tàu bè của các nước khác, kể cả Việt Nam.
Tháng Ba năm nay, Indonesia nói Trung Quốc đã chính thức bao gồm vùng biển gần quần đảo Natuna trên bản đồ lãnh thổ Trung Quốc, một động thái mà Bộ trưởng đặc trách an ninh của Bộ quốc phòng Indonesia Fahru Zaini cho là đã "ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh" của tuyến hàng hải đó.
Tháng 5 vừa rồi, các lực lượng hải quân Indonesia đã chặn bắt một tàu cá Trung Quốc bất chấp tàu này được tàu tuần duyên Trung Quốc bảo vệ. Một tháng sau đó, lực lượng hải quân Indonesia nhắm bắn một tàu Trung Quốc trước khi chặn bắt tàu này và câu lưu thuỷ thủ đoàn gồm 7 người.
Trung Quốc cho tới nay không mạnh mẽ đả kích Indonesia hoặc đe dọa trả đũa kinh tế như đã làm với các nước khác, như Nhật Bản và Philippines, khi các nước này thách thức tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh.
Đường Hai chiều
Trung Quốc cần đến Indonesia cũng nhiều như Indonesia cần tới Trung Quốc, theo các nhà phân tích.
Năm ngoái Tổng thống Widodo và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ký 8 thỏa thuận trong đó có thoả thuận cho phép Trung Quốc xây dựng cơ sở hạ tầng tại Indonesia.
Các doanh nghiệp Trung Quốc cần có các thị trường mới cho công nghiệp xây dựng trong bối cảnh thị trường nội địa đã bão hòa hoặc có quá nhiều cạnh tranh. Bắc Kinh coi Indonesia là một phần trong dự án "đường tơ lụa trên biển" mà họ muốn xây dựng đểthúc đẩy đầu tư vào các nước châu Á và châu Âu.
Indonesia, một nước xuất khẩu nguyên liệu cho các thị trường thế giới cũng như thị trường trong nước dựa trên dân số tới 250 triệu người, ít phụ thuộc vào những hỗ trợ kinh tế của Trung Quốc hơn so với các khu vực khác của châu Á.
Ông Carl Baker, giám đốc đặc trách các chương trình của viện nghiên cứu chính sách Diễn đàn Thái Bình Dương của CSIS ở Honolulu nhận định:
"Indonesia cảm thấy ít lo ngại hơn về phản ứng của Trung Quốc bởi vì nước này không phụ thuộc nhiều vào đầu tư và các dự án phát triển cơ sở hạ tầng của Trung Quốc, như một số nước tại Đông Nam Á".