Dân Hồng Kông phản đối mua bán vi cá

  • Ivan Broadhead

Các nhà hoạt động gửi thư kêu gọi chính phủ Hong Kong cấm buôn bán tiêu thụ vi cá mập hôm 13/5/12

Vi cá mập được đưa vào bộ môn ẩm thực Trung Quốc từ thời nhà Minh cách nay hơn 400 năm. Hiện nay cách đánh bắt cá mập dã man và thiếu kế hoạch để lấy vi đem bán đang làm giống này có thể tuyệt chủng.

Cấm ăn vi cá

Hơn 150 người bất chấp cái nóng như thiêu hôm Chủ nhật ở Hồng Kông đã biểu tình để đòi lãnh đạo cấm nấu món vi cá tại các bữa tiệc của chính quyền.

Theo lời bà Rachel Vickerstaff thuộc hội bảo vệ cá mập, Hồng Kông là điểm đến của hơn phân nửa số vi cá được mua bán trên toàn cầu, một thị trường lên đến nửa tỉ đôla một năm.

“Mục tiêu của chúng tôi là nâng cao cảnh giác của quần chúng về những gì chúng tôi đang làm, và báo cho nhà lãnh đạo Hồng Kông biết tại sao cần phải cứu các con cá mập.”

70 triệu cá mập bị giết mỗi năm

Cá mập nằm trong danh sách được Công ước Quốc tế Bảo Vệ các Giống có Nguy cơ Tuyệt chủng. Tuy nhiên, theo tính toán của bà Vickerstaff, mỗi năm có đến 70 triệu cá mập bị giết để thỏa mãn khẩu vị của người Trung Quốc đang có mức thu nhập ngày càng tăng.

“Chính quyền Hồng Kông tìm cách tránh trách nhiệm đối với Công ước này, họ bảo công ước chỉ cấm đánh bắt có 3 loại cá mập, do đó, công ước này không có hiệu quả đối với Hồng Kông.”

Tô xúp 100 đôla

Hiện nay vi cá mập được dọn ra bằng các tô xúp trong các bữa tiệc của các doanh nhân hoặc các đám cưới nào muốn chứng tỏ đẳng cấp của mình.

Tùy theo loại cá, một tô xúp vi cá có thể trên 100 đôla , trong lúc nguyên một vi lưng của cá voi được đánh giá cao có thể bán lẻ đến 20.000 đôla.

Các nhà bảo vệ động vật nói hành vi đánh bắt quá mức của những người tham lam đã tác động tiêu cực lên hệ sinh thái. Nhưng trái lại họ nói cũng có tin vui: thế hệ trẻ tuổi Trung Quốc ngày nay không mấy ủng hộ chuyện ăn vi cá.

Cô Nina Whittaker, sinh viên trường đại học Lí Bảo Xuân nói không phải chỉ vì lý do bảo tồn, mà còn vì các người đánh bắt cá quá dã man:

“Họ đem cá lên sàn tàu, lặt lấy vi rồi thả cá xuống biển trở lại. Cá không thể bơi nếu không có vi, do đó đây là một cái chết đau đớn, không đẹp mắt chút nào. Rút cục chúng ta có hàng núi vi cá và hàng núi xác cá ngoài biển. Thật là lãng phí. Một lý do khác, vi cá ăn chả ngon lành gì.”

Ông Gary Stokes, thuộc tổ chức bảo vệ cá Sea Shepherd, nói giá trị của vi cá mập có thể được xếp cùng loại với buôn bán ma túy hoặc vũ khí. Mới đây, ông quay được một đoạn phim về các nhà buôn Hồng Kông phơi vi cá trên mặt đường:

“Mỗi khi có chuyến hàng về, ho phải tìm cách đưa vào nội địa Trung Quốc một cách nhanh chóng. Do đó, thay vì làm một cách lén lút, họ ngang nhiên đem phơi vi cá dọc theo các xa lộ. Lần đó tôi ước tính có khoảng 41.000 vi cá.”

Trong những tuần tới các nhóm bảo vệ môi trường có kế hoạch trình lên lãnh đạo Hồng Kông bản tuyên cáo của 40 nhà khoa học hàng đầu của thế giới, tái xác nhận lý do cần phải chấm dứt chuyện mua bán vi cá mập.