Đường dẫn truy cập

Cuộc vận động đầy tai tiếng ở Hong Kong trước ngày Chủ nhật bầu cử


Các ứng cử viên ứng cử chức hành chánh trưởng quan Hong Kong (từ trái): ông Lương chấn Anh, Đường Anh Niên và Hà Tuấn Nhân sau cuộc tranh luận đươc chiếu trực tiếp trên đài truyền hình Hong Kong hôm 16/3/2012
Các ứng cử viên ứng cử chức hành chánh trưởng quan Hong Kong (từ trái): ông Lương chấn Anh, Đường Anh Niên và Hà Tuấn Nhân sau cuộc tranh luận đươc chiếu trực tiếp trên đài truyền hình Hong Kong hôm 16/3/2012

Một ủy ban các nhà tài phiệt kinh doanh thân Bắc Kinh và các nhóm đặc quyền đặc lợi sẽ bổ nhiệm người kế tiếp lãnh đạo chính quyền Hong Kong vào chủ nhật này. Với một hệ thống bầu cử nhằm bảo đảm chỉ có những người ủng hộ Bắc Kinh mới thắng được, Trung Quốc không phải quan ngại về kết quả bầu cử. Tuy nhiên, thanh danh của cả hai người của Bắc Kinh ra tranh cử đã bị tổn hại sau một chiến dịch tranh cử đầy tai tiếng đã đem lại sức mạnh cho các nhóm đối lập.

Cách đây 6 tháng, việc bổ nhiệm hành chánh trưởng quan sắp tới của Hong Kong dường như chỉ có tính cách hình thức. Các thành viên của ủy ban được gọi là ủy ban bầu cử “nhóm nhỏ” gồm 1193 người thân Bắc Kinh được chỉ định, có một chọn lựa rất đơn giản.

Một ứng cử viên là cựu hành chánh trưởng quan Hong Kong Đường Anh Niên – một công chức và hậu duệ của một gia đình giàu có trong ngành dệt may ở Thượng Hải, được sự tín cẩn của cả Bắc Kinh lẫn giới thượng lưu kinh doanh đầy thế lực ở lãnh địa Hông Kong.

Chọn lựa kia là ông Lương Chấn Anh, cựu chủ tịch Hội đồng Hành pháp và là đảng viên trung thành của đảng cộng sản. Nhưng cả hai ông này đã gặp rắc rối chính trị trong những tháng gần đây.

Chuyên gia phân tích chính trị Willy Lam thuộc trường Đại học Trung Quốc ở Hong Kong nhận định như sau:

“Bắc Kinh trông đợi một cuộc tranh đua lịch sự giữa hai ứng cử viên thân chính quyền. Nhưng cuộc tranh cử đã thoái hóa thành một chiến dịch bôi nhọ lẫn nhau. Cơ bản là Bắc Kinh đã mất quyền kiểm soát tình hình.”

Bên này tố cáo bên kia về những vi phạm nghiêm trọng. Ông Lương thì bị tố cáo là về hùa với các nhóm băng đảng tội phạm địa phương, và còn bị điều tra vì bị nghi là thủ lợi từ các hợp đồng xây dựng của chính phủ.

Chuyên gia Lam nói điều mà công chúng không thể tha thứ được là việc phát hiện ông Đường đã xây dựng một cách bất hợp pháp một nhà hát, một khu tập thể dục bên dưới hồ bơi của căn nhà sang trọng của ông ta.

Riêng căn phòng đó có kích thước gấp đôi so với kích thước của đa số các căn hộ ở Hong Kong. Thay vì nhận trách nhiệm về việc vi phạm luật về quy hoạch, ông Đường lại đổ lỗi cho vợ.

Chuyên gia Lam nói:

“Cơ bản là dân chúng đã mất tin tưởng vào đức độ cá nhân cũng như các khả năng hành chánh của hai ứng cử viên.”

Mặc dầu ông Đường mất đi sự ủng hộ của quần chúng, người ta cho rằng giới thượng lưu kinh doanh đầy thế lực vẫn nghi ngờ về các thành tích xã hội chủ nghĩa và cá tính thiếu thiện cảm của ông Lương.

Cuộc bầu cử có thể tiến sang vòng thứ nhì vào tháng 5 nếu không ai hội đủ hơn 600 phiếu. Nhưng ông Hùng Hòa Phong của trường đại học Johns Hopkins nói điều này khó có thể xảy ra:

“Nếu Bắc Kinh quyết định để vòng đầu không đi đến chỗ quyết định và tiến sang vòng thứ nhì, thì sẽ rất mất mặt. Điều rõ ràng có thể được chọn hơn là có được thế đa số rõ ràng trong vòng đầu, và thế là xong mọi chuyện.”

Chính quyền trung ương Trung Quốc đã tránh đưa ra phát biểu thiên về bên nào cho đến tuần trước. Khi đó, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã nêu nhận định rằng ứng viên nào được công chúng ủng hộ nhất sẽ thắng.

Vào lúc sự ủng hộ dành cho ông Đường sụt giảm, các nhà lãnh đạo đảng vội vã tiếp xúc với các thành viên của ủy ban bầu cử để huy động sự ủng hộ cho ông Lương.

Trong khi đó, có một ứng cử viên thứ ba trong cuộc chạy đua là ông Hà Tuấn Nhân, chủ tịch đảng Dân chủ. Ông nói:

“Hệ thống đã được thiết kế theo cách để bảo đảm là những người như tôi, không được Bắc Kinh chấp nhận, không thể nào đắc cử được. Tôi nghĩ dân chúng phải tán dương vai trò của tôi trong cuộc chạy đua này. Chúng ta phải đoàn kết với nhau. Chúng ta phải tranh đấu mãnh liệt để bảo về quyền tự do là đưa Hong Kong tiến lên.”

Cuộc bầu cử đầy tai tiếng đã nêu bật những gì có thể xảy ra nếu Bắc Kinh hoàn tất mục tiêu đã cam kết lâu nay là phổ thông đầu phiếu cho cuộc bầu cử hành chánh trưởng quan kế tiếp vào năm 2017.

Ký giả Hong Kong Philip Bowring nói ngày càng có nhiều lời hô hào đòi bầu cử trực tiếp:

“Chúng tôi đã hứa rằng tất cả mọi người đều có thể đi bầu trong 5 năm nữa. Bắc Kinh sẽ phải suy ngẫm kỹ về cách thức các ứng cử viên đi đến chỗ được bỏ phiếu. Các giới chức đảng Cộng sản không quen với việc nhận lãnh trách nhiệm, nhưng một điều có thể đạt được qua sự kiện này là có thêm tính trách nhiệm và minh bạch trong chính quyền.”

Năm vừa qua tại Hong Kong đã được đánh dấu bởi những vụ dân chúng biểu tình phản đối luồng người đổ vào từ lục địa Trung Hoa và ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với thành phố.

Trong tình hình một hay cả hai ứng cử viên thân Bắc Kinh có phần chắc sẽ đắc cử vào chủ nhật này, các nhóm đối lập nói họ đang dự định biểu tình vào ngày bầu cử.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG