Đường dẫn truy cập

Hoạt động tranh đấu có thể là lý do khiến Trung Quốc siết chặt kiểm soát Internet


Dân chúng sử dụng computer tại một quán cà phê internet trong thành phố Hợp Phì, tỉnh Anh Huy, Trung Quốc
Dân chúng sử dụng computer tại một quán cà phê internet trong thành phố Hợp Phì, tỉnh Anh Huy, Trung Quốc

Giới lãnh đạo Trung Quốc vừa loan báo các kế hoạch mới nhằm tăng cường kiểm soát Internet và các phương tiện truyền thông xã hội, tiếp theo một năm trong đó các kỹ thuật vừa kể đã đóng một vai trò chủ chốt trong việc loan truyền sự bất mãn của quần chúng trên khắp thế giới. Nhưng sự tăng trưởng nhanh chóng của Internet ở Trung Quốc và sự kiện giới tranh đấu chính trị mau chóng ứng dụng các kỹ thuật mới đang thách thức các nỗ lực của nhà nước muốn nắm quyền kiểm soát.

Ông Trần Quang Thành là một luật sư khiếm thị đã bị bỏ tù năm 2006 sau khi ông tố cáo các giới chức kế hoạch hóa gia đình ở địa phương là ép buộc phụ nữ phá thai và triệt sản.

Ông được phóng thích năm 2010, nhưng từ đó đã bị đặt trong tình trạng quản thúc tại gia. Tin tức gần đây của giới truyền thông và các tổ chức nhân quyền cho hay ông đã bị đánh đập tàn nhẫn.

Dân chúng khắp Trung Quốc đã chia sẻ thông tin về vụ việc của ông Trần qua các trang microblog trên mạng và đã đến địa phương của ông để bầy tỏ sự ủng hộ.

Luật sư Trần Quang Thành
Luật sư Trần Quang Thành

Một ủng hộ viên, bà Mao Hằng Phương, 50 tuổi ở Thượng Hải. Bà Mao thuộc một nhóm gồm hơn 30 người cho biết họ đã bị đánh đập khi đến nơi ông Trần cư trú trong tuần này.

Bà Mao nói bà không sử dụng Internet vì sức khỏe yếu kém và thậm chí không thể gửi các tin nhắn qua điện thoại di động của bà. Nhưng thừa nhận tầm quan trọng ngày càng lớn của mạng thông tin này, bà nói bà có những người bạn lành nghề giúp bà sử dụng Internet.

Các giới chức Trung Quốc cho hay khoảng 400 triệu người hiện đang sử dụng mạng Internet trong nước, đây là con số cao nhất thế giới.

Mặc dầu các diễn đàn trên mạng giúp thông tin lan truyền rộng rãi hơn nhiều so với trước đây, thậm chí chỉ vài năm trước, các chuyên gia phân tích nói mạng Internet có tác động đến những vấn đề nào được đưa ra thảo luận và tranh cãi bên trong xã hội Trung Quốc.

Ông David Bandurski, thuộc Dự án Truyền thông Trung Quốc của trường Đại học Hong Kong, nêu ra cuộc vận động “Trả tự do cho Trần Quang Thành” như một mốc biến chuyển trong hoạt động tranh đấu của Trung Quốc.

Ông nói: “Mới đây và ngay cả hiện nay vụ Trần Quang Thành, một luật sư khiếm thị ở tỉnh Sơn Đông, đã từng gây tiếng vang quốc tế về vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc từ nhiều năm nay, bây giờ đã trở thành một vấn đề quốc nội. Người dân thường ở Trung Quốc nay rất quan tâm về vụ Trần Quang Thành và các khía cạnh khác nhau của vụ này.”

Ông Bandurski nói điều đã khác trước là các dịch vụ microblog được phân tán và thông tin đăng tải được truyền đi ngay lập tức trên khắp nước, chỉ trong vài giây đồng hồ.

Ông Bandurski nhấn mạnh rằng những người sử dụng có thể thông tin liên lạc và tiếp thêm sức mạnh bằng các hình ảnh hoặc bằng video hoặc bằng ảnh chụp cũng được truyền đi lập tức qua mạng internet.

Ông nhận định: “Internet đã có khả năng đưa một số câu chuyện và lôi cuốn sự chú ý của cả nước, và nhiều lúc thúc đẩy việc tường thuật trên các phương tiện truyền thông chính mạch, nhưng sự kiện này đang diễn ra ở một tiến độ nhanh hơn nhiều, nhờ các phương tiện truyền thông xã hội.”

Giới hữu trách Trung Quốc đã cho thấy họ rất quan tâm đến sự liên hệ giữa thông tin liên lạc tức thời và sự phản kháng đại chúng. Đã có những vụ gián đoạn đáng kể về Internet và điện thoại di động ở Tây Tạng vào năm 2008, và ở Tân Cương năm 2009 tiếp theo những cuộc biểu tình bạo động ở hai khu vực dân thiểu số đầy bất ổn này.

Để bắt kịp với tất cả những người lên mạng, chính phủ Trung Quốc đã tuyển dụng hàng chục ngàn người kiểm duyệt để gỡ bỏ ngay tức khắc các tài liệu xúc phạm đến nhà nước.

Còn có những người được trả tiền để viết lên những quan điểm tích cực trên mạng. Họ được gọi là “binh sĩ trong đội quân 50 xu,” là khoản tiền được cho là được trả cho mỗi người để đăng một lời bình tán dương chính phủ.

Hồi tháng 8, ông Đường Tuấn, bí thư đảng Cộng sản ở thành phố Đại Liên miền đông bắc Trung Quốc, đã đứng trên nóc một chiếc xe van và năn nỉ hàng chục ngàn người biểu tình hãy giải tán.

Họ đến đó để phản đối một nhà máy hóa chất sản xuất chất paraxylene, một hóa chất độc hại được dùng nhiều trong các chai nhựa và quần áo bằng polyester.

Cuộc biểu tình được tổ chức phần lớn qua các trang microblog và mạng lưới truyền thông xã hội. Các hình ảnh chụp bằng điện thoại di động về sự kiện này đã được phổ biến trên mạng, khiến cho các diễn biến ở Đại Liên được cả thế giới biết đến ngay lập tức.

Trước đây trong năm, giới hữu trách Trung Quốc đã phản ứng bằng một cuộc biểu dương lực lượng an ninh hùng hậu tiếp theo những lời kêu gọi trên mạng đề nghị dân chúng ở các thành phố khắp nước biểu tình bầy tỏ thiện cảm với các cuộc biểu tình Hoa nhài ở Trung Đông.

Nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Khương Du, mới đây được chất vấn về việc kiểm duyệt Internet, trong bối cảnh đó cũng là một vấn đề kinh tế bởi vì nhiều doanh nghiệp nước ngoài cũng là nạn nhân của việc ngăn chặn mạng Internet của chính phủ Trung Quốc.

Bà Khương cho biết Trung Quốc quản lý mạng Internet theo đúng luật pháp bởi vì họ muốn bảo vệ quyền lợi của công chúng và quảng bá việc phát triển Internet một cách lành mạnh.

Các nhà lãnh đạo cấp cao nhất của Trung Quốc đang có biện pháp tăng cường kiểm soát các mạng truyền thông xã hội và những công cụ nhắn tin nhanh để quảng bá điều được mô tả là “phổ biến thông tin có trật tự.”

Loan báo về chính sách rộng rãi được đưa ra trong một thông cáo của ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, là cơ quan vừa họp phiên thường niên trong tháng 10.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG