Các luật gia và những người hoạt động xã hội nói rằng, tình trạng xuống cấp trong lãnh vực nhân quyền tại Trung Quốc không phải chỉ hạn chế quyền tự do phát biểu và siết chặt Internet, mà còn xuống cấp trong các quyền của công nhân và phụ nữ, sự phân biệt đối xử về chủng tộc, và quyền tự do tôn giáo.
Tại buổi công bố phúc trình ở trụ sở Quốc hội, Dân biểu Chris Smith của Đảng Cộng Hòa, tiểu bang New Jersey, chủ tịch Ủy Ban Quốc Hội về Trung Quốc nói phúc trình thường niên thứ 10 của ủy ban này cho thấy một hình ảnh đáng sợ của tình trạng nhân quyền hiện tại ở Trung Quốc:
“Lãnh đạo Trung Quốc đã vi phạm nhân quyền trắng trợn hơn, bất chấp những luật lệ và tiêu chuẩn quốc tế mà họ đã tuyên bố tôn trọng, do đó, họ đã siết chặt kềm kẹp xã hội Trung Quốc. Lãnh đạo Trung Quốc không còn trả lời những chỉ trích về tình trạng nhân quyền và ngày càng sử dụng thêm luật pháp quốc tế để bênh vực cho hành động của họ.”
Dân biểu Cộng hòa Ilena Ros-Letinen, tiểu bang Florida, nói hơn một chục năm sau khi Trung Quốc gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới, giải phóng kinh tế đã không đem lại cải tổ:
“Làm thế nào mà một nhóm cai trị đã từng thủ tiêu các luật sư nhân quyền, hành quyết và tra tấn các thành viên Pháp Luân Công, đẩy các tăng sĩ Phật Giáo Tây Tạng tới chỗ tuyệt vọng đến mức phải tự thiêu, và săn lùng, tiêu diệt dân tị nạn Bắc Triều Tiên ở biên giới phía bắc có thể được coi như thứ gì khác hơn là một chế độ man rợ, không xứng đáng với danh hiệu là một thành viên có trách nhiệm.”
Các nhà hoạt động nhân quyền trong buổi điều trần này đã nêu lên mức độ xuống cấp mới trong nhiều lĩnh vực.
Ông Bob Fu, người sáng lập và chủ tịch của ChinaAid, một tổ chức bênh vực nhân quyền của người Ky-tô Giáo nói rằng, lập trường của chính phủ Trung Quốc đối với tôn giáo ngày càng cứng rắn:
“Trong 10 tháng đầu tiên năm 2011, điều kiện tôn giáo tiếp tục tệ hại. Thật vậy, điều kiện tự do tôn giáo xuống tới mức thấp nhất từ năm 1982, là năm Đặng Tiểu Bình chính thức chấm dứt chính sách tiêu diệt tôn giáo.”
Hồi đầu năm nay, mấy chục thành viên giáo hội tại gia Thủ Vọng, một trong những tổ chức Tin Lành không chính thức tương đối lớn ở Bắc Kinh, đã bị bắt khi định tổ chức Lễ Phục Sinh.
Nhưng người Ky-tô Giáo không phải là mục tiêu duy nhất bị ngược đãi. Tình hình này đã trở nên nghiêm trọng khó tin khi có cả chục tu sĩ Phật Giáo Tây Tạng tự thiêu.
Ông Bhuchung Tsering thuộc một tổ chức bênh vực Tây Tạng nói:
“Không còn nghi ngờ là tất cả những vụ tự thiêu xảy ra vì chính sách áp bức của chính phủ Trung Quốc tại tất cả các khu vực của người Tây Tạng. Điều này đặc biệt cho đến độ trong những năm gần đây chính sách của Trung Quốc là hạn chế hơn nữa quyền tự do ít ỏi, hạn chế phạm vi bày tỏ ý kiến mà người Tây Tạng đã có trước đây.”
Chính phủ Trung Quốc cũng siết chặt thêm các quyền tự do khác, để ngăn ngừa Mùa Xuân Ả Rập lan đến Trung Quốc.
Nhà hoạt động nhân quyền John Kamm, đứng đầu tổ chức Đối Thoại, nói theo những thống kê của chính phủ Trung Quốc, năm ngoái có hơn 1.000 người bị bắt và bị truy tố vì làm nguy hại đến an ninh quốc gia, một cáo buộc thường được sử dụng để chống lại những nhà bất đồng chính kiến. Ông Kamm nói đây là năm thứ ba con số này vượt quá 1.000:
“Trong bối cảnh như vậy, mức bắt giữ cao, và hầu như thiếu vắng những hành động khoan dung đối với những tù nhân bị kết tội vì đã phát biểu, hiện nay có thể nói là có nhiều tù chính trị hơn bất cứ thời điểm nào khác kể từ năm 1989.”
Ông Kamm nói thêm là theo các giới chức chính phủ Trung Quốc, hơn một nửa những vụ án trong năm 2010 là tội xảy ra tại Tân Cương:
“Từ 75% cho đến 80% các tội phạm làm nguy hại đến an ninh quốc gia liên quan đến những lời phát biểu, người phát biểu đã lãnh những bản án tù dài hạn và chuyện tha bổng không bao giờ được nghe đến trong những vụ này.”
Những ý kiến bất đồng trên mạng cũng gia tăng trong năm qua, và những trang mạng truyền thông xã hội như Weibo đóng một vai trò ngày càng tăng trong việc vạch rõ bất công và làm áp lực lên chính phủ.
Tuy nhiên, theo như phúc trình, việc thắt chặt kiểm soát Internet vẫn tiếp tục.
Vào tháng 5 năm nay, Trung Quốc thành lập một Cục Thông tin Internet Quốc gia để tăng cường việc kiểm soát nội dung của những bài viết trên mạng. Trung Quốc cũng vừa loan báo kế hoạch gia tăng kiểm soát Internet và những trang mạng truyền thông xã hội.
Theo một phúc trình của Hàn Lâm Viện Trung Quốc về Khoa học Xã hội, tổng số những trang mạng của Trung Quốc giảm 41% vào năm ngoái, xuống còn 1,91 triệu.
Phúc trình nói việc giảm sút này không phải do những nỗ lực kiểm soát ngôn luận, mà là một chiến dịch của chính phủ nhắm vào những trang mạng khiêu dâm, và một số trang mạng đóng cửa vì tình trạng kinh tế khó khăn.
Trong khi chuẩn bị thay thế lãnh đạo trong năm 2012, Trung Quốc đang đối diện với tình trạng bất ổn xã hội, những lời chỉ trích siết chặt Internet, các blogger, các luật sư, và các nhà hoạt động xã hội. Một phúc trình thường niên của quốc hội Hoa Kỳ mới được công bố cho thấy tình trạng xuống cấp rộng khắp về nhân quyền đang diễn ra mặc dầu có những tiến bộ đáng kể về kinh tế, thăng tiến địa vị trên thế giới.