Ca tử vong của tài xế xe đò Trần Pháp Vũ ở Thẩm Quyến trong tuần này là ca tử vong đầu tiên vì cúm gia cầm ở Trung Quốc trong 18 tháng qua. Mặc dù giờ là cao điểm của mùa cúm, Bác sĩ Lao Vĩnh Nhạc – một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm và nhà cựu lập pháp của Hong Kong vẫn lạc quan cho rằng trường hợp tử vong ở Thẩm Quyến vẫn có thể là trường hợp cá biệt.
Bác sĩ Lao cho biết: “Mặc dù người ta đã nói về sự biến thể, nhưng tình hình vẫn như vậy. Bệnh dịch này vẫn là bệnh lây từ gia cầm sang gia cầm; đôi khi từ gia cầm qua người, nhưng vẫn còn lâu mới là căn bệnh lây từ người qua người.”
Tuy nhiên, bác sĩ Lao cũng hoài nghi về việc giới hữu trách ở Thẩm Quyến cho rằng dịch cúm gia cầm không phổ biến trong các đàn gia cầm ở địa phương, và rằng ông Trần có phần chắc đã tiếp xúc với vi rút H5N1 từ các loài chim hoang.
Bác sĩ Lao nói: “Đây là vi rút gia cầm, không phải vi rút chim hoang. Đổ lỗi sự lây nhiễm ở người cho chim hoang là không mang lại lợi ích cho việc kiểm soát dịch bệnh vì người dân có thể trở nên chủ quan về gia cầm, về việc giết mổ gia cầm bệnh. Kết quả là sẽ có nhiều trường hợp người bị nhiễm vi rút hơn.
Cư dân ở Hong Kong và tỉnh Quảng Đông gần đó của Trung Quốc, nơi có thành phố Thẩm Quyến, có lý do để lo lắng về cái chết của ông Trần.
Dân số với mật độ đông đúc sống cùng với gia súc được chăn nuôi để làm thức ăn. Điều kiện này đã khiến cho khu vực đó trở thành nơi tập trung những bệnh dịch từ động vật truyền sang người.
Vào năm 1996, Hong Kong đã ghi nhận các trường hợp lây truyền vi rút cúm gia cầm từ gia cầm sang người, dẫn đến nhiều ca tử vong. Năm 2003, bệnh dịch SARS đã bắt nguồn từ chợ bán gia súc sống ở tỉnh Quảng Đông. Khoảng 40% tổng số ca tử vong vì bệnh SARS trên thế giới đã xảy ra ở Hong Kong.
Trung tâm Kiểm soát bệnh dịch Thẩm Quyến ngày hôm nay xác nhận rằng ông Trần đã không chống chọi lại được với một chủng vi rút H5N1 không thể lây nhiễm được từ người qua người. Hãng thông tấn Tân Hoa Xã của chính phủ Trung Quốc hối thúc dân chúng “chớ nên hoang mang”. Các giới chức đang hành động để trấn an và trao đổi cởi mở với dân chúng đang lo lắng. Ông Thomas Abraham là giám đốc Dự án Truyền thông Y tế Công tại Đại học Hong Kong.
Ông Abraham nói: “Có một sự thay đổi vô cùng to lớn kể từ lúc nạn dịch SARS xảy ra khi chính phủ Trung Quốc che giấu dịch bệnh đã bộc phát ở Quảng Đông vào cuối năm 2002, và thế giới bên ngoài chỉ được biết về nạn dịch đó sau khi các ca bệnh được phát hiện ở Hong Kong hồi tháng 2 năm 2003. Đã có một sự thay đổi rất lớn về mặt báo cáo.”
Tại Hong Kong, giới hữu trách đã thực hiện các biện pháp ngăn ngừa sự lây lan của dịch cúm gia cầm, gồm có việc tiêu hủy 19.000 con gà tại các chợ địa phương và cấm nhập khẩu gà từ Thâm Quyến.
Tuy nhiên, Trung tâm Bảo vệ Sức khỏe Hong Kong ngày hôm nay xác nhận rằng chủng vi rút đã gây tử vong cho ông Trần giống như chủng vi rút được phát hiện trong những con gia cầm bị chết ở Hong Kong hồi tháng trước.
Ông Abraham nói tiếp: “H5N1 hiện giờ là một đại dịch. Cho dù có phản ứng thái quá hay không, điều đó phụ thuộc vào việc quí vị nói chuyện với phương tiện truyền thông nào. Nếu quí vị hỏi tôi là đợt bộc phát này có bất thường không? Tôi sẽ nói là: Không. Bởi vì những đợt bộc phát này vẫn thường xảy ra.”
Chỉ còn vài tuần nữa là tới Tết Nguyên Đán và nhiều người dự kiến sẽ tiếp xúc với gia cầm sống, và có thể cả vi rút H5N1, khi gà, vịt bị giết mổ để đón mừng một trong những dịp lễ thường niên lớn nhất ở Trung Quốc.
Liên quan
Đường dẫn liên quan
Đọc nhiều nhất
VOA có ứng dụng mới
Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.
Tải ứng dụng VOA trên App Store và Google Play!