Dân chúng Hồng Kông lâu nay vẫn hãnh diện về việc duy trì được một căn cước độc đáo về xã hội và văn hóa, cả khi còn là thuộc địa Anh cũng như từ khi tái thống nhất với Hoa Lục vào năm 1997.
Căn cước này tiếp tục được duy trì, một phần vì Bắc Kinh đồng ý để cho Hồng Kông được tự trị một cách tương đối dựa trên nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ.”
Tuy nhiên, nhà lập pháp Leung Yiu Chung không tin rằng người dân Hồng Kông tán đồng khái niệm một quốc gia.
Ông Leung nói: "Khi chúng ta nói tới căn cước, tôi nghĩ rằng dân chúng ở Hồng Kông hiếm khi tự nhận là người Trung Quốc, đến từ Trung Quốc. Chúng tôi không muốn chính phủ Trung Quốc hay người dân Trung Quốc đến từ Trung Quốc cai trị Hồng Kông."
Bên cạnh mối lo ngại về ảnh hưởng trực tiếp của chính trị, ngày càng có nhiều người Hồng Kông lo ngại là căn cước của phần đất này sẽ bị phai nhạt bởi số phụ nữ ngày càng đông từ Hoa Lục sang đây sinh con.
Cục trưởng Cục Y tế Hồng Kông, ông York Chow, cho biết trong năm 2005 số trẻ em Hoa Lục chào đời ở Hồng Kông chỉ ở con số vài trăm. Nhưng năm ngoái, con số này lên tới hơn 40,000, chiếm khoảng phân nửa tổng số trẻ em sinh ra ở Hồng Kông mỗi năm.
Ông Benny Tai, giáo sư luật hiến pháp của Đại học Hồng Kông, nói rằng nếu tỉ lệ này tiếp tục thì trong vòng 10 năm hay 15 năm nữa người Hoa Lục sẽ chiếm một bộ phận đáng kể trong dân số Hồng Kông.
Ông Tai nói: "Dân chúng ở đây lo ngại là điều này sẽ làm thay đổi văn hóa của xã hội Hồng Kông, những giá trị cốt lõi của chúng tôi sẽ bị “ô nhiễm.” Đó chính là lý do vì sao điều này đã trở thành một vấn đề gây nhiều tranh cãi."
Các giới chức di trú Hồng Kông năm ngoái đã ngăn không cho 3,560 thai phụ người Hoa Lục nhập cảnh.
Nhưng số thai phụ Hoa Lục đến Hồng Kông mội ngày một đông; một số người cứ đánh liều băng qua cửa khẩu biên giới, trong khi một số người khác nhờ các băng đảng đưa lậu vào Hồng Kông bằng xe tải hoặc thậm chí bằng xuồng cao tốc.
Cục Y tế Hồng Kông cho biết họ không có đủ khả năng để ứng phó. Nhân viên phòng cấp cứu đã lâm vào tình cảnh trở tay không kịp bởi số sản phụ người Hoa Lục -- khoảng 1,650 người trong năm 2011 so với con số chỉ có 500 người vào năm 2010.
Để làm cho những sản phụ Hoa Lục chùn bước, các bệnh viện Hồng Kông đòi những phụ nữ này trả khoảng 6,000 đô la để sinh con. Tuy nhiên, Tòa Chung thẩm Hồng Kông năm 2001 đưa ra phán quyết cho rằng Bộ Luật Cơ bản của Hồng Kông dành quyền cư trú cho bất kỳ đứa trẻ nào có cha mẹ là người Hoa Lục nhưng sinh ra ở Hồng Kông.
Quyền cư trú khiến cho các em đó được quyền tiếp cận các dịch vụ công cộng, như chăm sóc sức khỏe, giáo dục và hỗ trợ gia cư. Những người chỉ trích nói rằng số tiền 6,000 đô la bỏ ra để sinh con thật là xứng đáng để trả cho các dịch vụ mà Trung Quốc không có.
Những hoạt động chống đối công khai đang gia tăng, trong đó có những thai phụ Hồng Kông nói rằng việc sinh nở của họ bị đe dọa bởi những nguồn lực y tế bị căng thẳng.
Vấn đề tranh cãi về căn cước hay bản sắc đã gia tăng hồi cuối tháng 12, khi cuộc thăm dò hàng năm của Đại học Hồng Kông cho thấy hơn 70% những người được hỏi ý kiến nói rằng họ tự nhận là người Hồng Kông, chứ không phải là người Trung Quốc. Đây là tỉ lệ cao nhất trong vòng 10 năm.
Vài ngày sau đó, người đứng đầu cuộc thăm dò đã bị ông Hách Thiết Xuyên, đặc sứ cao cấp của Trung Quốc, công khai đả kích. Báo chí trích lời ông Hách nói rằng Hồng Kông không phải là một thực thể chính trị độc lập.
Trong lúc chỉ còn vài tuần là sang năm Thìn, là năm mà nhiều người Trung Quốc tin là năm tốt để sinh con, những ứng cử viên trong cuộc bầu cử sắp tới ở Hồng Kông đã đề cập tới cuộc tranh luận về những em bé Hoa Lục.
Chủ nhật vừa qua, ông Albert Ho đã được liên minh dân chủ ở Hồng Kông chọn làm ứng viên để tranh chức vụ hành chánh trưởng quan với hai nhân vật thân Bắc Kinh. Hôm qua, ông Ho đã lên tiếng trên đài phát thanh, hô hào cho việc sửa đổi Bộ Luật Cơ bản để đạt mục tiêu mà ông gọi “đóng lại cái cửa xả lũ”.
Giáo sư Benny Tai cho rằng đó là một mục tiêu có thể đạt được, nhưng không phải là một việc dễ dàng.
Ông Tai cho biết: "Việc sửa đổi Bộ Luật Cơ bản hay giải thích lại Bộ Luật Cơ bản tạo ra thêm các vấn đề. Và điều đó đòi hỏi phải có sự trợ giúp của chính phủ trung ương."
Có một điều chắc chắn là bất kỳ một sự can thiệp nào của Bắc Kinh cũng tạo ra sự lo ngại ở Hồng Kông, là thành phố vốn đã quen với việc tự giải quyết các vấn đề của mình, mà không có sự can dự từ Hoa Lục.
Nhiều người Hồng Kông đã tỏ ý bất mãn đối với áp lực đè nặng lên các dịch vụ công ích của thành phố này bởi hàng vạn thai phụ từ Hoa Lục. Một số người tin rằng những phụ nữ mang thai đó đã âm thầm tới đặc khu hành chánh này để sinh con và nhờ đó mà con cái họ được quyền cư trú ở đây và cả đời sẽ có quyền tiếp cận với hệ thống giáo dục và chăm sóc sức khỏe với tiêu chuẩn cao hơn so với Hoa Lục. Từ Hồng Kông, thông tín viên VOA Ivan Broadhead gởi về bài tường thuật sau đây.