Bang Florida của Hoa Kỳ với nắng ấm và các bãi biển nằm ở phía bờ bên kia hành tinh của trung tâm thương mại Quảng Châu ở Trung Quốc. Khoảng cách đó không ngăn trở một cư dân Quảng Châu với nhiều tham vọng đang trong tiến trình xin một thị thực di dân dành cho người đầu tư ở Hoa Kỳ.
Phụ nữ này cho biết bà sẵn sàng ra đi bởi vì bà nghĩ rằng hai đứa con của bà sẽ có cơ hội học vấn tốt hơn. Bà nói mang hộ chiếu Hoa Kỳ cũng sẽ tạo điều kiện dễ dàng hơn để xin cấp thị thực đi các nước khác.
Nhiều người Trung Quốc giàu có không công khai nói về ý muốn đi ra nước ngoài bởi vì hành động đó có thể bị coi là bất trung đối với tổ quốc. Người đang nộp đơn xin di trú này đã đồng ý nói chuyện với đài VOA với điều kiện không tiết lộ danh tính.
Để hội đủ điều kiện xin thị thực, hai vợ chồng người phụ nữ này dự định đầu tư vào một nông trại dùng sức gió ở tiểu bang South Dakota. Bà cho biết họ đã có quyết định đó sau một chuyến đi thăm Hoa Kỳ vào năm 2009.
Bà Mou nói bạn bè của bà ở Hoa Kỳ đã giới thiệu bà với các luật sư, và khi trở về Trung Quốc, bà nói bà đã nhận được vô số quảng cáo về việc di trú ra nước ngoài.
Bà cho biết gia đình bà đang tính chuyện dời cư qua hai thành phố của Hoa Kỳ là Chicago hoặc Tampa bởi vì đó là những nơi mà bạn bè của họ đang sinh sống.
Bà nói bà đã quyết định rằng Chicago quá lạnh và vì xuất thân ở một vùng khí hậu ấm áp nên họ đã chọn Tampa.
Từ hơn 20 năm, Hoa Kỳ đã có một chương trình di trú theo đó một người nước ngoài có thể hội đủ điều kiện xin quốc tịch Mỹ nếu người đó đầu tư 1 triệu đôla vào một công cuộc kinh doanh có thể tạo công ăn việc làm cho ít nhất 10 người Mỹ.
Ông Charles Bennett, người đứng đầu lãnh sự vụ tại sứ quán Hoa Kỳ ở Bắc Kinh nói rằng ở Trung Quốc, cho đến giờ này phần lớn sự quan tâm đến chương trình xuất phát từ những công ty Mỹ đang cố gắng đi tìm những người đầu tư Trung Quốc. Nhưng ông nêu ra rằng chỉ mới gần đây mới có nhiều người Trung Quốc hội đủ được các điều kiện cao về tài chính mà chương trình vừa kể đòi hỏi.
Ông Bennett nói: “Sự quan tâm gia tăng kể từ lúc có chương trình bởi vì 20 năm trước, không có được con số người đông như vậy hội đủ điều kiện để xin cấp thị thực thuộc loại này. Mới đây mới có nhiều người chú ý hơn.”
Nền kinh tế của Trung Quốc đã ghi nhận các tỷ lệ tăng trưởng cao nhất thế giới từ hơn 1 thập niên, và chiều hướng dự kiến vẫn tiếp tục trong năm nay.
Điều dường như nghịch lý của hiện tượng gia tăng thịnh vượng là cũng có một con số ngày càng tăng những người mới giàu tìm cách xin di trú.
Ông Charles Qi là chủ tịch công ty tham vấn East J&P Star ở Bắc Kinh, một công ty giúp người Trung Quốc xin thực thực đi các nước khác. Khi ông khởi sự công ty cách đây 16 năm, phần lớn ông giúp các công nhân có kỹ năng xin quy chế đi làm việc. Nay ông cho biết ông giúp các khách hàng có phương tiện xin nhập tịch với tư cách nhà đầu tư nước ngoài – nhiều nhất là xin đi Canada, châu Âu, Hong Kong, Singapore và Hoa Kỳ.
Ông Qi nói trước năm 2000, mỗi năm ông chỉ nhận được từ 20 đến 30 đơn xin đi kinh doanh. Bây giờ, 10 năm sau, ông cho biết số đơn đã tăng gấp 10 lần, lên đến mấy trăm đơn xin đi đầu tư mỗi năm.
Ông Qi nói ông nghĩ rằng tuy các khách hàng của ông có thể bỏ lại quốc tịch Trung Quốc khi họ đi di trú, nhiều người vẫn là người Trung Hoa trong hành động và tình cảm.
Ông nêu ra rằng đối với phần lớn các khách hàng của ông, thiết bị và công cuộc làm ăn vẫn còn ở Trung Quốc. Oâng nghĩ loại di trú này sẽ giúp Trung Quốc cởi mở hơn trong tương lai và sẽ có tác động tốt cho sự phát triển kinh tế của Trung Quốc.
Kinh tế Mỹ đã không tăng trưởng mạnh như ở Trung Quốc trong những năm vừa qua, nhưng ông William Zarit, một nhân viên phụ trách về thương mại tại Đại sứ quán Hoa kỳ ở Bắc Kinh, nói rằng ông tin nhiều người Trung Quốc vẫn coi Hoa Kỳ là một nơi đầu tư an toàn hơn.
Ông Zarit nói: “Chúng ta không biết điều gì sẽ xảy ra ở đây trong khoảng từ 3 đến 5 năm sắp tới về mặt kinh tế, và tương lai sẽ ra sao. Vì thế tôi cho rằng những người đầu tư ở Trung Quốc cũng nghĩ đến điều đó, họ lập luận rằng có thể họ không kiếm được mức lời giống như ở Trung Quốc trong bất cứ ngành công nghiệp nào, nhưng họ nghĩ họ vẫn muốn đi Mỹ, để thủ thân sau này.”
Mặc dù những người Trung Quốc đang tính chuyện di trú ra nước ngoài thường không công khai bàn về quyết định của mình, đề tài này đang được tranh luận sôi nổi trong các phòng “chat” trên mạng.
Trong các cuộc thảo luận trên mạng ấy, những người bình luận gới ý rằng quyết định rời Trung Quốc không phải chỉ là một quyết định đơn thuần về kinh tế.
Một nhà tài phiệt về địa ốc vừa cho đăng một lời bình trên mạng than van rằng Trung Quốc thiếu một cảm giác toàn diện về an ninh cơ bản cho những thứ như tài sản, thực phẩm, không khí, giáo dục và các quyền cơ bản. Ông này nói đây không những là lý do chính thúc đẩy mọi người bỏ nước ra đi, mà còn là điều chính đe dọa đến toàn bộ sự ổn định của Trung Quốc.
Trong khi Trung Quốc ngày càng thịnh vượng, thì con số những người Trung Quốc khá giả tìm cách đi ra nước ngoài cũng gia tăng. Mặc dầu nhiều người trong số này cho biết họ muốn đổi quốc tịch để cải thiện các cơ hội học vấn cho con em, có những người khác tìm cách “thủ thế” trước một tương lai kinh tế bất định trong tương lai. Từ Bắc Kinh, thông tín viên VOA Stephanie Ho ghi nhận chi tiết trong bài tường trình sau đây.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1