Thính giả Đỗ Băng Si hỏi như sau:
“Chào Bác sĩ,
Tôi 57 tuổi. Tôi hiện đang sống tại Đức, và cũng thường xuyên sinh sống ở Việt Nam.
Không hiểu tại sao trong vòng 2 năm trở lại đây, 2 bên tai của tôi ra rất nhiều ráy và rất ngứa. Tôi đã đi bệnh viện, bác sĩ chuyên khoa tai-mũi-họng khám. Các bác sĩ ở Việt Nam nói là do “cơ địa” và lấy ráy tai. Lần mới đây nhất, bác sĩ nói là “viêm và mọc nhiều nấm.” Tai tôi hiện giờ vẫn rất ngứa và khó nghe.
Kính mong được Bác sĩ tư vấn, giải thích giúp.
Chân thành cảm ơn Bác sĩ."
Bác sĩ Hồ Văn Hiền trả lời:
Your browser doesn’t support HTML5
Tai ngoài là phần tai phía ngoài màng nhĩ, gồm vành tai và ống tai. Ráy tai (earwax, cerumen) là một chất giống sáp gồm chất tiết của các tuyến trong tai ngoài, cộng với tế bào chết và một số lông. Ráy tai chặn bụi bặm, các ngoại vật từ ngoài vào, các vi khuẩn. Ráy tai có tính cách sát trùng và che chở da để đừng quá khô hay quá ẩm ướt. Ráy tai, giống như mồ hôi nách, có thành phần khác nhau tuỳ theo người, tình trạng sức khoẻ, và giống dân. Người Đông Á (East Asians) có ráy tai khô, trắng, ít có mùi vì có ít chất bay hơi (volatile compounds), so với ráy tai các sắc dân khác thường ướt, nâu và lỏng hơn, có mùi hơn.
Ráy tai tự đào thải ra ngoài, không cần móc tai. Tuy nhiên, một số ngưới sản xuất quá nhiều ráy tai, làm nghẹt ống tai ngoài (impacted cerumen), và có thể làm bệnh nhân điếc, chóng mặt, hay gây nhiễm trùng. Những người nghe bằng earphone nhiều, hay mang máy điếc (khuếch đại âm thanh) dễ bị nghẽn tai do ráy tai bị tắc nghẽn.
Lúc bị nhiễm trùng, do vi trùng (bacteria) hoặc nấm (fungal infection), lớp da lót ống tai cũng như mặt ngoài của màng nhĩ bị sưng và đỏ, có thể kèm theo mủ. Nếu thấy được màng nhĩ, bác sĩ sẽ ghi nhận là màng nhĩ còn nguyên vẹn, hoặc dày lên nhưng không bị lủng (thủng). Ở đây, bác sĩ tai mũi họng đã khám và định bệnh, chúng ta sẽ loại bỏ trường hợp chảy mủ do viêm tai giữa (otitis media), căng mủ nên làm lủng màng nhĩ (perforation of the tympanic membrane).
Những yếu tố làm da ống tai yếu đi có thể làm viêm tai ngoài xảy ra hoặc tái đi tái lại:
● Viêm da dị ứng (atopic dermatitis, eczema) làm da trong tai dễ viêm, bệnh nhân gãi ngứa, hoặc lấy đồ móc tai thường xuyên làm da trầy trụa dễ nhiễm trùng.
● Bệnh nhân tắm hồ, tắm biển thường xuyên có thể làm da lỗ tai bị ướt át, mất tác dụng che chở của ráy tai (cerumen, ear wax), nên vi trùng, nấm dễ mọc trong đó, gây nhiễm trùng.
● Ở người có sức đề kháng yếu (immunodeficient), người tiểu đường, viêm tai ngoài có thể lan ra gây viêm xương sàn sọ (osteomyelitis of the skull base) gọi là viêm tai ngoài ác tính (malignant external otitis).
Chữa trị:
Tránh gãi, móc lỗ tai, giữ da trong lỗ tai khô (chậm bằng Q tip, đừng ngoáy, hoặc dùng chéo khăn để chậm khô sau khi tắm). Nên để ý nếu bị lủng màng nhĩ, trước khi lặn xuống nước phải dùng dụng cụ bít ống tai lại [ear plugs] để cho nước đừng vào tai giữa).
Bác sĩ dùng thuốc nhỏ vào tai loại có acid nhẹ (acetic acid, làm pH của ống tai thấp hơn, chống nấm và vi khuẩn) hay trụ sinh loại aminoglycoside hay fluoroquinolone, có thể kèm theo chất corticoid (ví dụ thuốc hydrocortisone and acetic acid ear drops (VoSol HC) ; neomycin sulfate, polymyxin B sulfate and hydrocortisone; Tobradex, Ciprodex). Để ý cần nhỏ thuốc khá nhiều (mỗi lần 5 giọt, 3-4 lần mỗi ngày, nghiêng đầu qua một bên, kéo vành tai lên để thuốc ngấm vào trong, nếu cần bs phải lấy bớt các chất debris làm tắc nghẽn ống tai, không cho thuốc ngấm vào).
Các trường hợp nặng bs có thể cho trụ sinh mạnh như Cipro uống trong một tuần.
Đề nghị bệnh nhân:
1) Tránh móc tai, gãi tai, tránh ống tai ẩm ướt, nếu bơi lội, nên chặm cho khô sau khi bơi.
2) Nếu bạn chắc chắn là màng nhĩ còn nguyên vẹn không bị lủng, nếu hay bơi lội làm ống tai ẩm ướt,và ngừa viêm tai ngoài có thể dùng ½ dấm (white vinegar)+ ½ cồn thoa da (rubbing alcohol), nhỏ 10 giọt vào lỗ tai, giữ yên vài phút, xong nghiêng đầu qua một bên cho nước chảy ra ; hay nếu muốn ít acid hơn dùng dung dịch ½ rubbing alcohol, ¼ white vinegar+ ¼ distilled water.
Ở các tiệm thuốc có bán thuốc nhỏ vào tai để ráy tai lỏng ra (wax remover ear drop); sau đó nếu cần, dùng bơm cao su (bulb syringe) xịt nước ấm vào để kéo các chất bẩn ra ngoài.
3) Nếu, nặng hơn hoặc dai dẳng, có thể đi đến bs tai mũi họng khám lại, theo dõi kỹ lưỡng (không nên nhảy từ bs này qua bs khác), và khám thêm bs da (dermatologist) nếu cần.
Bác sĩ Hồ Văn Hiền
--------------------------------------
Cảm ơn bác sĩ Hồ Văn Hiền. Chúng tôi cũng xin cảm ơn thính giả đã tham gia chương trình Hỏi đáp Y học này.
Quý vị có thể nghe lại các bài giải đáp trên mạng Internet ở địa chỉ voatiengviet.com
Qúy vị muốn được giải đáp các thắc mắc về những vấn đề y học thường thức,
• vào giờ phát thanh trực tiếp từ 10 giờ đến 11 giờ tối thứ Ba, giờ Việt Nam, xin gọi đến số điện thoại ở Mỹ là (202) 619-3774;
• ngoài giờ phát thanh ngày thứ Ba, xin gọi đến số (202) 205-7890, hoặc E-mail đến địa chỉ <vietnamese@voanews.com> để sắp xếp hẹn trả lời cho buổi phát thanh kế tiếp.
Các bác sĩ của chuyên mục Hỏi đáp Y học Trực tiếp của đài VOA sẽ cố gắng giải đáp các thắc mắc về y học của qúy vị.