Thính giả Cao Văn Huấn hỏi như sau:
“Chào Bác sĩ,
Tôi có câu hỏi về sức khoẻ xin Bác sĩ tư vấn giúp.
Tôi năm nay 63 tuổi đang bị viêm gan C, có dấu hiệu đang chuyển biến không tốt. Tôi thường bị tiêu chảy, chán ăn và hiện nay đang bị suy thận mãn phải lọc thận 1 tuần 3 lần.
Dạo gần đây tôi nghe giới thiệu về thực phẩm chức năng được bào chế từ thảo dược, nhiều người có thể uống và trị được dứt cơn bệnh viêm gan C, và có thể đi tiểu được.
Tôi đã lọc thận từ năm 2009 đến nay. Tôi vẫn còn hoang mang không biết như thế nào. Trong khi các loại thuốc đó thì quá mắc. Nhưng không biết khả năng có thể điều trị đúng như quảng cáo không? Mong Bác Sĩ tư vấn giúp tôi.
Tôi xin cảm ơn."
Bác sĩ Hồ Văn Hiền trả lời:
Tôi không thể trả lời trực tiếp câu hỏi của vị thính giả về sự hiệu nghiệm của các thực phẩm chức năng mà ông nêu. Về bệnh tình của vị thính giả, đây là một trường hợp phức tạp. Vì ông ở Hoa Kỳ, tôi chắc chắn ông đang được nhiều chuyên gia chữa trị. Nếu cần thông tin tốt hơn hết, ông nên hỏi các bác sĩ của mình. Nói chung, chữa trị những trường hợp này đòi hỏi trình độ kỹ thuật rất cao, chỉ có một số nơi trên thế giới, đòi hỏi bệnh nhân cộng tác tuyệt đối, và không phải là một chuyện mà bệnh nhân tự giải quyết được.
Sau đây, tôi xin trình bày một số kiến thức về viêm gan C để chúng ta cùng học hỏi, xem như thông tin tổng quát.
Viêm gan có thể do nhiều nguyên nhân. Nhiễm vi rút là một trong những nguyên nhân thường gặp. Viêm gan C được khám phá sau viêm gan A và B. Sau đó còn bệnh viêm gan D (delta agent, chỉ đi kèm theo viêm gan B), viêm gan E và viêm gan G.
Bệnh do virus viêm gan C gây ra (HCV). HCV là một sợi RNA đơn. (single stranded RNA). Trước đây, người bị viêm gan sau khi truyền máu, hết 90% là do HCV gây ra. Gần đây, với khả năng sàng lọc (screening) máu trước khi truyền cho người nhận, nhiễm HCV rất hiếm ở Mỹ (chừng 2 triệu bịch máu mới có 1 ca). Tuy nhiên, đại đa số người bị viêm gan C hiện nay là do dùng thuốc ma tuý chích (intravenous drug use), hít cocaine qua mũi, xăm mình và ở mức ít hơn, qua đường tính dục (sexual transmission).
Trong số người bị nhiễm HCV cấp tính, chỉ một số ít có triệu chứng; như buồn nôn, vàng da, nước tiểu vàng khè, đau bụng bên phải, phía trên (vùng gan). Triệu chứng kéo dài chừng 2 tuần đến 4 tháng. 86% -50% sẽ tiếp tục trở thành viêm gan C mãn tính (kinh niên)( chronic hepatitis C). Tuỳ theo nhóm người: trẻ em có khả năng dứt HCV chừng 50%; người có triệu chứng có khả năng tự thanh toán HCV (cure) cao hơn người không triệu chứng. Sau 20 năm, 20% bệnh nhân sẽ bị xơ gan (liver cirrhosis), nhất là những bệnh nhân phái nam, uống rượu nhiều và mắc bệnh sau 40 tuổi.
Bác sĩ định bệnh HCV bằng cách phát hiện RNA (ribonucleic acid) của HCV trong máu bệnh nhân (có thể phát hiện được vài ngày cho đến vài tuần sau khi bị nhiễm với phương pháp PCR [Polymerase Chain Reaction]), sau đó nếu phát hiện thêm được kháng thể (antibodies) chống HCV, thì xác lập định bệnh.
Chữa trị:
Vì một số đáng kể bệnh nhân HCV cấp tính sẽ tự mình khắc phục được bệnh, bác sĩ điều trị chỉ chữa bằng thuốc nếu thấy cần, sau khi quan sát một thời gian (ví dụ 12 tuần), xét tình trạng sức khoẻ người bệnh, và xét các yếu tố cơ nguy bệnh trở thành mãn tính.
Thuốc chính là interferon hay pegylated interferon (chích) (peginterferon, “Peg Intron”) trong nhiều tuần. Interferon kích thích các tế bào phòng thủ sản xuất kháng thể nhiều hơn. Thuốc có thể gây những biến chứng quan trọng (mắt, máu, phổi). Chừng 90% bệnh nhân được chữa khỏi HCV.
Mới đây xuất hiện một số thuốc uống được FDA chấp nhận dùng chữa bệnh viêm gan C, nhưng rất đắt tiền: Sovaldi (sofosbuvir, FDA chấp thuận 12-2013), Harvoni (sofosbuvir-ledipasvir); giá 80.000 -90.000 đôla, trong 12 tuần. (Thuốc ức chế men RNA polymerase cần cho virus sinh tồn). Thuốc dùng chung với 1-2 thuốc khác như ribavirin, peginterferon.
Chúc quý vị thính giả may mắn.
Bác sĩ Hồ Văn Hiền
------------------------------------------
Cảm ơn bác sĩ Hồ Văn Hiền. Chúng tôi cũng xin cảm ơn thính giả đã tham gia chương trình Hỏi đáp Y học này.
Quý vị có thể nghe lại các bài giải đáp trên mạng Internet ở địa chỉ voatiengviet.com
Chúng tôi vẫn dành đường dây điện thoại để tiếp nhận các thắc mắc khác của quý thính giả về sức khỏe và y học thường thức. Số điện thoại dành cho mục Hỏi đáp Y học là 202-205-7890, ngày giờ nhận câu hỏi là thứ Ba và thứ Năm mỗi tuần, từ 8 giờ 30 đến 9 giờ 30 tối, giờ Việt Nam. Quý vị cũng có thể gửi câu hỏi cho chúng tôi bằng điện thư đến địa chỉ Vietnamese@voanews.com