Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol ngày 15/8 đưa ra những đề nghị hỗ trợ kinh tế “táo bạo” cho Triều Tiên nếu nước này chịu từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân, đồng thời tránh chỉ trích gay gắt đối với Triều Tiên vài ngày sau khi Bình Nhưỡng đe dọa trả thù “chết chóc” đối với vụ bùng phát COVID mà họ đổ lỗi cho miền Nam gây ra.
Diễn văn truyền hình của ông Yoon diễn ra vài ngày sau khi Triều Tiên tuyên bố chiến thắng COVID và đổ lỗi cho Hàn Quốc gây bùng phát dịch tại Triều Tiên. Bình Nhưỡng nói các tờ rơi và các vật thể khác do các nhà hoạt động thả bay qua biên giới đã lan truyền virus, một tuyên bố phi khoa học mà Seoul mô tả là “nực cười”.
Triều Tiên có lịch sử dồn áp lực lên Hàn Quốc mỗi khi không đạt được những gì mong muốn từ Hoa Kỳ, và có những lo ngại rằng lời đe dọa của Triều Tiên là một hành động khiêu khích, có thể là một vụ thử hạt nhân hoặc phi đạn hoặc thậm chí là các cuộc giao tranh biên giới. Một số chuyên gia cho rằng Triều Tiên có thể khuấy động căng thẳng xung quanh cuộc tập trận chung của Mỹ và Hàn Quốc bắt đầu vào tuần tới.
Ông Yoon, một người bảo thủ nhậm chức vào tháng 5, nói việc phi hạt nhân hóa Triều Tiên là chìa khóa cho hòa bình trong khu vực và trên thế giới. Ông Yoon nói nếu Triều Tiên ngừng phát triển vũ khí hạt nhân và thực sự cam kết tiến tới một quá trình phi hạt nhân hóa, thì Hàn Quốc sẽ đáp lại bằng những phần thưởng kinh tế khổng lồ sẽ được cung cấp theo từng giai đoạn.
Ông Kim Tae-hyo, phó giám đốc an ninh quốc gia của Tổng thống Yoon, cho biết Seoul sẵn sàng cung cấp phần thưởng kinh tế ở mỗi bước của quá trình phi hạt nhân hóa theo từng giai đoạn nếu Triều Tiên cam kết “lộ trình” phi hạt nhân hóa và tiến hành “đóng băng, tuyên bố, kiểm chứng và dỡ bỏ” chương trình vũ khí hạt nhân của nước này.
Đề nghị của Tổng thống Yoon không khác biệt gì mấy so với những đề nghị trước đây của Hàn Quốc từng bị Triều Tiên từ chối, quốc gia đang đẩy mạnh nỗ lực mở rộng các chương trình vũ khí hạt nhân và phi đạn đạn đạo mà nhà lãnh đạo Kim Jong Un coi là sự đảm bảo sống còn mạnh mẽ nhất.
Ông Yoon cho biết: “Chúng tôi sẽ thực hiện một chương trình quy mô lớn để cung cấp lương thực, hỗ trợ thiết lập cơ sở hạ tầng sản xuất, truyền tải và phân phối năng lượng điện, đồng thời thực hiện các dự án hiện đại hóa cảng và sân bay để tạo thuận lợi cho thương mại.”
Ông nói thêm: “Chúng tôi cũng sẽ giúp cải thiện sản xuất nông nghiệp của Triều Tiên, hỗ trợ hiện đại hóa các bệnh viện và cơ sở hạ tầng y tế, thực hiện các sáng kiến cho phép đầu tư quốc tế và hỗ trợ tài chính.” Ông quả quyết những chương trình như vậy sẽ cải thiện “đáng kể” đời sống người dân Triều Tiên.
Mối quan hệ liên Triều đã xấu đi trong bối cảnh các cuộc đàm phán hạt nhân lớn hơn giữa Triều Tiên và Mỹ gặp bế tắc vào đầu năm 2019 vì những bất đồng về việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt do Mỹ dẫn đầu đối với Triều Tiên để đổi lấy các bước giải trừ quân bị.
Triều Tiên đã tăng cường hoạt động thử nghiệm phi đạn vào năm 2022, phóng hơn 30 phi đạn đạn đạo cho đến nay, bao gồm cả phi đạn đạn đạo xuyên lục địa ICBM đầu tiên kể từ năm 2017. Các chuyên gia cho rằng ông Kim đang có ý định khai thác môi trường thuận lợi để thúc đẩy chương trình vũ khí của mình trong khi Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc đang bị chia rẽ và bị tê liệt về cuộc chiến của Nga đối với Ukraine.
Chính phủ Mỹ và Hàn Quốc cũng cho rằng Triều Tiên đang chuẩn bị tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên kể từ tháng 9/2017, khi họ tuyên bố đã kích nổ một đầu đạn hạt nhân được thiết kế cho ICBM của mình.
Trong khi Washington cho biết sẽ thúc đẩy các chế tài bổ sung nếu Triều Tiên tiến hành một vụ thử hạt nhân khác, triển vọng về các biện pháp trừng phạt có ý nghĩa vẫn chưa rõ ràng. Trung Quốc và Nga gần đây đã phủ quyết các nghị quyết do Hoa Kỳ bảo trợ trong Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, theo đó sẽ gia tăng các chế tài đối với Triều Tiên về vụ thử phi đạn đạn đạo của họ trong năm nay.
Truyền thông nhà nước Triều Tiên ngày 15/8 nói ông Kim đã trao đổi thông điệp với Tổng thống Nga Vladimir Putin và kỷ niệm mối quan hệ tăng cường của họ.
Triều Tiên đã nhiều lần đổ lỗi cho Hoa Kỳ về cuộc khủng hoảng ở Ukraine, nói rằng “chính sách bá quyền” của phương Tây khiến Nga có hành động quân sự ở Ukraine để tự bảo vệ mình.