Nga và Triều Tiên, cả hai đều bị bao vây bởi các chế tài kinh tế, dường như đang tìm cách giúp đỡ lẫn nhau trong khi phớt lờ trật tự dựa trên luật lệ mà cộng đồng quốc tế rộng rãi tán thành, theo các chuyên gia.
Năm tháng sau khi xâm lược Ukraine, Nga đang hứng chịu các đợt trừng phạt liên tiếp của Mỹ và các đối tác.
Lần gần đây nhất là vào ngày 26/7 khi Anh công bố các chế tài mới đối với các quan chức Nga. Nhiều tuần trước đó, hôm 28/6, Mỹ đã nhắm mục tiêu vào 70 thực thể, trong đó có nhiều thực thể thuộc ngành công nghiệp quốc phòng Nga.
Liên hiệp châu Âu đã ban hành vòng trừng phạt thứ sáu bao gồm ngân hàng trung ương Nga, các quan chức hàng đầu và xuất khẩu dầu mỏ Nga, và hôm 17/7 đề nghị gói trừng phạt thứ bảy tác động đến vàng của Nga và mở rộng danh sách chế tài hàng hóa lưỡng dụng và công nghệ của Nga.
Vi phạm các chế tài
Thiếu đồng minh, Moscow đã bắt đầu tìm kiếm các mối quan hệ kinh tế mới.
Trong cuộc phỏng vấn với nhật báo Nga Izvestia ngày 19/7, Đại sứ Nga tại Triều Tiên Alexander Matsegora cho biết, Moscow có thể thuê công nhân Triều Tiên để xây dựng lại khu vực Donbas bị tàn phá bởi chiến tranh Ukraine, hiện phần lớn nằm dưới sự kiểm soát của Nga. Còn Bình Nhưỡng thì tỏ ra quan tâm đến việc nhập khẩu hàng hóa được sản xuất trong khu vực, theo nhật báo Moscow Times.
“Việc này chỉ cho thấy mức độ mà [Tổng thống Nga Vladimir] Putin vẫn bị cô lập mà thôi. Bây giờ ông ấy phải quay sang Triều Tiên”, ông John Kirby, điều phối viên Hội đồng An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc về liên lạc chiến lược, nhận xét cùng ngày.
Ban Hàn ngữ đài VOA đã liên hệ với Tòa đại sứ Nga tại Washington và Bộ Ngoại giao ở Moscow để yêu cầu bình luận về phát biểu của ông Matsegora nhưng không nhận được hồi âm. Ban này cũng đã liên hệ với Phái bộ Triều Tiên tại Liên hiệp quốc để yêu cầu xác nhận những tuyên bố của ông Matsegora nhưng không được trả lời.
Vào tháng 12/2017, Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, trong đó Nga là thành viên thường trực, đã thông qua nghị quyết cấm các quốc gia thành viên thuê công nhân Triều Tiên để đáp trả vụ Bình Nhưỡng phóng phi đạn đạn đạo xuyên lục địa tháng trước đó.
Cần ngoại tệ, Bình Nhưỡng từ lâu đã phái công nhân Triều Tiên tới Nga để kiếm tiền gửi về nước. Hoa Kỳ ước tính 30.000 công nhân Triều Tiên đã ở Nga trước khi Liên hiệp quốc ban hành lệnh trừng phạt. Nhiều người vẫn ở lại Nga và làm việc bằng thị thực du lịch hoặc sinh viên. Trong một báo cáo đệ trình Liên hiệp quốc vào tháng 3 năm 2020, Nga thừa nhận rằng 511 người Triều Tiên còn lưu lại Nga.
Ông Anthony Ruggiero, một thành viên cấp cao của Sáng hội Bảo vệ Dân chủ nói: “Moscow đã vi phạm các chế tài Triều Tiên kể từ thời điểm Nga bỏ phiếu đồng ý chế tài.”
Tuy nhiên phát biểu của ông Matsegora cho thấy sự sẵn sàng “cổ suý trắng trợn cho hành vi vi phạm như thế”, theo ông Bruce Klingner, một thành viên cấp cao tại Sáng hội Heritage.
Ông Sergey Radchenko, một sử gia về Chiến tranh Lạnh tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Cao cấp Johns Hopkins, nói: “Giờ đây, bản thân Nga đang phải chịu các lệnh trừng phạt, rõ ràng nước này không có lý do gì để tuân theo bất kỳ hạn chế nào”.
Gia hạn sự hợp tác
Các chuyên gia thấy có lợi ích hỗ tương trong mối quan hệ hợp tác ngày càng tăng giữa Nga và Triều Tiên, cả hai đều sẵn sàng phá vỡ các quy tắc và chuẩn mực do Mỹ và các nước cùng chí hướng thiết lập.
Bà Patricia Kim, một thành viên chú trọng vào Đông Á tại Viện nghiên cứu Brookings ở Washington, nói: “Hai quốc gia thấy có sự tương đồng rõ rệt trong các tình huống tương ứng và có chung lý do phản đối các lệnh trừng phạt và ‘trật tự phương Tây’ do Hoa Kỳ lãnh đạo.”
Bà nói tiếp: “Rất có thể chúng ta sẽ thấy mối quan hệ ngoại giao, kinh tế và thậm chí là quân sự giữa Triều Tiên và Nga sẽ ngày càng sâu sắc hơn trong những tháng tới, khi cả hai quốc gia đều phải đối mặt với sự cô lập trên toàn cầu.”
Ông Harry Kazianis, chủ tịch Rogue States Project, một tổ chức lưỡng đảng chuyên nghiên cứu an ninh quốc gia, cho biết sự hợp tác của Nga và Triều Tiên “không có gì đáng ngạc nhiên vì cả Moscow và Bình Nhưỡng đều bị cô lập đến mức họ sẽ tìm cách bắt tay với nhau theo bất kỳ cách nào có thể được.”
Các nhà phân tích nhận định, có lúc quan hệ hữu nghị giữa Moscow và Bình Nhưỡng xấu đi sau khi Liên Xô sụp đổ, nhưng cuộc chiến Ukraine đang kéo họ xích lại gần nhau.
Ít lâu sau khi chiến tranh bùng nổ vào tháng 2, Triều Tiên đã bênh vực cuộc xâm lược của Nga tại Ukraine. Vào tháng 3, cùng với Belarus, Eritrea và Syria, Bình Nhưỡng đã bỏ phiếu chống lại một nghị quyết của Liên hiệp quốc yêu cầu Nga chấm dứt xâm lược.
Ngày 14/7, trước phát biểu của ông Matsegora, Bình Nhưỡng đã công nhận nền độc lập của hai khu vực ly khai do Nga hậu thuẫn - Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Luhansk tự xưng ở vùng Donbas của Ukraine.
Năm ngày sau, Bộ Ngoại giao Triều Tiên ra tuyên bố cho biết quan hệ của nước này với Moscow “đang đạt đến tầm cao chiến lược mới”.
‘Làm suy yếu trật tự dân chủ tự do’
Ông Ken Gause, giám đốc Chương trình Phân tích Đối thủ tại tổ chức nghiên cứu và phân tích phi lợi nhuận CNA cho rằng phát biểu của ông Matsegora cho thấy “người Nga đang tập trung vào việc làm suy yếu trật tự dân chủ tự do, cách cộng đồng quốc tế được cấu trúc để hỗ trợ lợi ích quốc gia của Mỹ, theo quan điểm của Nga.”
Ông nói thêm rằng Nga và Trung Quốc “sẽ cắt xẻo các mảng của cộng đồng quốc tế” “thực sự không muốn làm theo Hoa Kỳ và tất cả các quy tắc và luật lệ của nước này” chẳng hạn như Triều Tiên “và đặt dưới cái bóng của mình.”
Cố vấn An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc Jake Sullivan ngày 12/7 cho biết Nga cũng đã quay sang Iran để sử dụng vũ khí của Iran trong cuộc chiến tại Ukraine.
Ông Patrick Cronin, chủ tịch an ninh châu Á - Thái Bình Dương tại Viện Hudson có trụ sở tại California, nói: “Nga muốn chứng tỏ rằng họ vẫn giữ thế chủ động trong cuộc chiến với Ukraine và để làm được điều đó, họ cần bất kỳ đối tác nào sẵn sàng chống lại việc bị cộng đồng quốc tế xa lánh.”
Ông nói tiếp “Nước ngoài lề xã hội đang giúp một nước ngoài lề xã hội khác tạo nên mối quan hệ giao dịch.”
Tiến tới, ông Cronin nói, Bình Nhưỡng có thể cung cấp “lao động giá rẻ” trong khi Moscow cung cấp năng lượng và thực phẩm. Ông nói thêm: “Có tiềm năng cho một mối quan hệ đối tác công nghệ quân sự mạnh mẽ hơn có thể giúp Triều Tiên với kho vũ khí hạt nhân ngày càng tăng của nước này."
Triều Tiên bị nghi ngờ đã hoàn tất công tác chuẩn bị cho vụ thử vũ khí hạt nhân lần thứ bảy.
Ông Samuel Wells, chuyên gia Chiến tranh Lạnh tại Trung tâm Wilson, nói: “Sự thể hiện mối quan tâm trong hợp tác kinh tế ấy có thể là một quả bóng thử nghiệm”, nhưng nó “chắc chắn cho thấy hạn chế trong việc sử dụng các chế tài để làm chính sách.”
Diễn đàn