Nga sẽ cắt giảm hơn nữa nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu, một đòn giáng mạnh vào các quốc gia ủng hộ Kyiv trong lúc có hy vọng hôm 25/7 rằng xuất khẩu ngũ cốc bị chặn của Ukraine sẽ tái tục trong tuần này.
Bất chấp một cuộc không kích vào cuối tuần, những con tàu đầu tiên từ các cảng Biển Đen của Ukraine có thể ra khơi trong vài ngày tới theo thỏa thuận được đồng ý vào ngày 22/7, Liên hiệp quốc cho biết. Điều này sẽ giúp xoa dịu một cuộc khủng hoảng lương thực quốc tế, mặc dù sự ngờ vực và nguy cơ tiềm ẩn vẫn còn.
Chi phí năng lượng tăng vọt và nỗi lo về nạn đói ở nhiều nơi trên thế giới cho thấy cuộc xung đột lớn nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến Thứ hai, hiện đã bước sang tháng thứ sáu, chưa có giải pháp nào trong tầm mắt và đang có tác động vượt ra ngoài biên giới Ukraine.
Trên tiền tuyến, quân đội Ukraine báo cáo rằng các cuộc pháo kích của Nga tràn lan ở miền đông trong đêm và cho biết quân đội Moscow đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công mới vào Bakhmut, một thành phố trong khu vực công nghiệp Donbas.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi đầu tháng đã cảnh báo phương Tây rằng các chế tài có nguy cơ gây ra đợt tăng giá năng lượng lớn trên toàn cầu.
Ngày 25/7, tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga, trích hướng dẫn từ một cơ quan giám sát cho biết dòng khí đốt đến Đức thông qua đường ống Nord Stream 1 sẽ giảm xuống còn 33 triệu mét khối mỗi ngày kể từ ngày 27/7.
Đó là phân nửa dòng chảy hiện tại, vốn đã chỉ bằng 40% công suất bình thường. Trước chiến tranh, châu Âu nhập khẩu khoảng 40% khí đốt và 30% dầu từ Nga.
Điện Kremlin nói vụ gián đoạn khí đốt là kết quả của các vấn đề bảo trì và các chế tài của phương Tây, trong khi Liên hiệp châu Âu cáo buộc Nga sử dụng biện pháp tống tiền năng lượng.
Đức cho biết họ không thấy có lý do kỹ thuật nào cho đợt giảm nguồn cung mới nhất.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cảnh báo rằng Điện Kremlin đang tiến hành một cuộc “chiến tranh khí đốt” chống lại một châu Âu thống nhất
Các chính trị gia ở châu Âu đã nhiều lần nói rằng Nga có thể cắt khí đốt vào mùa đông này, một bước đi có thể đẩy Đức vào suy thoái và dẫn đến giá cả tăng vọt đối với người tiêu dùng vốn đã phải đối mặt với chi phí năng lượng cao.
Trong khi đó Moscow vẫn một mực nói rằng họ không nghĩ tới chuyện ngưng hẳn hoàn toàn nguồn cung khí đốt cho châu Âu.
Không kích
Với vũ khí phương Tây đang thúc đẩy phía Ukraine, quân Nga đang có những bước tiến chậm nhưng họ được cho là đang sẵn sàng cho một nỗ lực mới ở phía đông.
Ukraine ngày 25/7 nói các lực lượng của họ đã sử dụng hệ thống rốc-két HIMARS do Mỹ cung cấp để phá hủy 50 kho đạn của Nga kể từ khi nhận vũ khí vào tháng trước.
Bộ Quốc phòng Nga thì nói rằng lực lượng của họ đã phá hủy một kho đạn cho các hệ thống HIMARS.
Không thể kiểm chứng độc lập tuyên bố của cả hai phía.
Diễn đàn