Đường dẫn truy cập

Ukraine lo chiến tranh kéo dài có thể khiến phương Tây không quan tâm nữa


Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy phát biểu với Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Switzerland, 23/5/2022.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy phát biểu với Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Switzerland, 23/5/2022.

Khi cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine bước sang tháng thứ tư, các quan chức ở Kyiv bày tỏ lo ngại rằng trạng thái "mệt mỏi vì chiến tranh" có thể làm xói mòn quyết tâm của phương Tây trong việc giúp Ukraine đẩy lùi cuộc xâm lược của Nga.

Mỹ và các đồng minh đã viện trợ vũ khí cho Ukraine trị giá hàng tỷ đô la. Châu Âu đã nhận hàng triệu người phải di tản vì chiến tranh. Và đã có sự đoàn kết chưa từng có ở châu Âu thời hậu Thế chiến II trong việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Tổng thống Vladimir Putin và nước Nga của ông ta.

Nhưng khi cú sốc về cuộc xâm lược ngày 24/2 lắng xuống, các nhà phân tích cho rằng Điện Kremlin có thể khai thác tình trạng xung đột kéo dài bất phân thắng bại, cũng như khai thác khả năng các cường quốc phương Tây giảm dần mối quan tâm, là điều có thể dẫn đến việc gây sức ép buộc Ukraine phải chấp nhận một giải pháp.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã phản đối những đề xuất của phương Tây rằng ông nên chấp nhận một số thỏa hiệp. Ông nói rằng Ukraine sẽ tự quyết định các điều khoản để có hòa bình.

“Sự mệt mỏi ngày càng gia tăng, người ta muốn một kết quả nào đó (có lợi) cho họ, còn chúng tôi muốn một kết quả (khác) cho chúng tôi”, ông Zelenskyy nói.

Một đề xuất hòa bình của Ý đã bị bác bỏ và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã phải đối mặt với phản ứng dữ dội sau khi ông được trích lời nói rằng mặc dù cuộc xâm lược của ông Putin là một "sai lầm lịch sử", song các cường quốc thế giới không nên "làm bẽ mặt Nga, vì vậy khi giao tranh dừng lại, chúng ta có thể cùng nhau mở ra một lối thoát thông qua con đường ngoại giao”. Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba cho rằng lời phát biểu như vậy “có thể làm bẽ mặt chính nước Pháp và mọi quốc gia nào khác muốn điều đó”.

Thậm chí, một ý kiến của cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Henry Kissinger cho rằng Ukraine nên tính chuyện nhượng bộ lãnh thổ đã khiến ông Zelenskyy phản pháo rằng điều đó chẳng khác gì việc các cường quốc châu Âu vào năm 1938 đã để cho Đức Quốc xã tuyên bố chủ quyền về một phần lãnh thổ của Tiệp Khắc vì họ tưởng rằng có thể kiềm chế động thái xâm lược của Adolf Hitler.

Kyiv muốn đẩy bật Nga ra khỏi các khu vực Nga mới chiếm được ở miền đông và miền nam Ukraine, cũng như muốn chiếm lại Crimea mà Moscow sáp nhập vào năm 2014, và các vùng của Donbas nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng ly khai do Điện Kremlin hậu thuẫn trong 8 năm qua.

Volodymyr Fesenko, nhà phân tích chính trị của Trung tâm Penta, cho biết mỗi tháng cuộc chiến gây thiệt hại cho Ukraine 5 tỷ đô la và điều đó “khiến Kyiv phụ thuộc vào việc các nước phương Tây cùng có quan điểm thống nhất”.

Ukraine sẽ cần thêm những loại vũ khí tối tân để đảm bảo chiến thắng, cùng với đó là phương Tây vẫn phải quyết tâm làm cho Nga tiếp tục đau đớn về kinh tế, nhằm làm suy yếu Moscow.

“Rõ ràng là Nga quyết tâm làm cho phương Tây nản chí và hiện Nga đang xây dựng chiến lược của họ với suy nghĩ rằng các nước phương Tây sẽ cảm thấy mệt mỏi và dần dần bắt đầu thay đổi giọng điệu cứng rắn sang một lối nói dễ nghe hơn”, Fesenko nói trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin AP của Mỹ.

Cuộc chiến vẫn được đưa tin rầm rộ ở cả Hoa Kỳ và châu Âu, là các nước đã và đang thấy kinh hoàng trước những hình ảnh về thường dân Ukraine bị chết trong cuộc giao tranh lớn nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến II.

Mỹ tiếp tục giúp Ukraine, với việc Tổng thống Joe Biden tuần trước nói rằng Washington sẽ cung cấp cho Ukraine các hệ thống tên lửa và vũ khí tiên tiến giúp Ukraine tấn công chính xác hơn vào các mục tiêu quan trọng trên chiến trường.

Trong một bài xã luận trên New York Times vào ngày 31/5, ông Biden cho hay "Tôi sẽ không gây áp lực, dù là kín đáo hay công khai, buộc chính phủ Ukraine phải có bất kỳ sự nhượng bộ lãnh thổ nào".

Đức, nước từng vấp phải sự chỉ trích từ Kyiv và một số nước khác vì bị cho là có sự chần chừ, đã cam kết viện trợ cho Ukraine các hệ thống phòng không hiện đại nhất của Đức.

Nigel Gould-Davies, chuyên gia cấp cao về Nga và Á-Âu tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS), nhận xét: “Chưa từng có chuyện nào như thế này, kể cả thời Chiến tranh Lạnh khi mà Liên Xô tỏ ra đe dọa nhất”.

Mặc dù ông không thấy có sự suy yếu đáng kể nào trong “sự ủng hộ mạnh mẽ dành cho Ukraine”, song Gould-Davies cho rằng “có những dấu hiệu về những căng thẳng khác nhau về mục tiêu của phương Tây. Những mục tiêu đó vẫn chưa được xác định rõ ràng”.

Các mối quan tâm trong nước của châu Âu đang lấn át các vấn đề khác, đặc biệt là khi giá năng lượng và tình trạng thiếu nguyên liệu thô bắt đầu gây thiệt hại kinh tế cho những người bình thường đang phải đối mặt với hóa đơn tiền điện, chi phí nhiên liệu và giá hàng hóa cao hơn.

Trong khi các nhà lãnh đạo châu Âu ca ngợi quyết định chặn 90% lượng dầu xuất khẩu của Nga vào cuối năm nay là "một thành công toàn diện", họ cũng phải mất 4 tuần đàm phán và chấp nhận một nhượng bộ cho phép Hungary, một nước Eu song lại là đồng minh thân cận nhất của Điện Kremlin, tiếp tục nhập khẩu. Vẫn còn cần thêm nhiều tuần lễ nữa để điều chỉnh các khía cạnh chính trị.

Matteo Villa, một nhà phân tích của tổ chức tư vấn chính sách ISPI ở Milan, nhận định: “Nó cho thấy sự thống nhất ở châu Âu về cuộc xâm lược của Nga đang suy giảm một chút". Nhà phân tích này nói thêm: “Tình trạng mệt mỏi đang ngấm vào các quốc gia thành viên EU, tác động vào việc họ tìm các cách mới để trừng phạt Nga, và rõ ràng là trong Liên hiệp châu Âu, có một số quốc gia ngày càng giảm mức độ sẵn sàng tiếp tục các biện pháp trừng phạt".

Lo lắng về tác động kinh tế của các lệnh trừng phạt năng lượng thêm nữa, Ủy ban châu Âu đã phát tín hiệu rằng họ sẽ không vội vàng đề xuất các biện pháp hạn chế mới nhằm vào khí đốt của Nga. Các nhà lập pháp EU cũng đang kêu gọi phải có trợ giúp tài chính dành cho các công dân bị ảnh hưởng bởi chi phí sưởi ấm và giá nhiên liệu gia tăng, để đảm bảo rằng sự ủng hộ của công chúng đối với Ukraine không suy giảm.

Lãnh đạo cánh hữu Matteo Salvini của Ý, người được coi là thân thiết với Moscow, đã nói với các nhà báo nước ngoài trong tuần này rằng người Ý sẵn sàng hy sinh và tổ chức của ông ủng hộ các lệnh trừng phạt chống lại Nga.

Tuy nhiên, ông ấy chỉ ra rằng sự ủng hộ không phải là vô giới hạn, trong bối cảnh là tuy có các lệnh trừng phạt song cán cân thương mại có dấu hiệu nghiêng theo hướng có lợi cho Matxcơva, gây tổn hại cho các chủ doanh nghiệp nhỏ ở miền bắc nước Ý, mà đó là những người ủng hộ chính của ông.

“Người Ý rất sẵn sàng hy sinh kinh tế cá nhân để trợ giúp quốc phòng cho Ukraine và đi đến một lệnh ngừng bắn”, Salvini nói.

“Điều tôi không muốn thấy là đến tháng 9, sau ba tháng nữa, chúng ta tiếp tục chứng kiến xung đột vẫn đang diễn ra. Nếu đúng như vậy, đó sẽ là một thảm họa cho nước Ý. Cần phải cứu các mạng sống, đó là ưu tiên hàng đầu, song về mặt kinh tế, đối với nước Ý, nếu chiến tranh tiếp diễn, đó sẽ là một thảm họa”, ông nói.

(AP)

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG