Haiti

Các túp lều dựng tạm nằm chồng chéo lên nhau ra đến tận lề đường ở Port-au-Prince, Haiti

Chaos. Crazy. Cholera. Hỗn độn. Hỗn loạn. Và Dịch tả. Đây là ba từ mà tôi đã nghĩ tới trong đầu trước khi đặt chân đến phi trường quốc tế của thủ đô Haiti, Port-au-Prince, không cách xa thành phố Miami là bao. Hình như chỉ khoảng trên 1 giờ 30 phút bay thì phải. Nhưng sự khác biệt lớn quá. Tuy tôi đã đến nhiều nước nghèo nhưng tôi chưa thấy nước nào nghèo như nước này. Tôi cũng đã đến một vài thủ đô ở châu Phi. Nhưng chưa có thủ đô nào tôi thấy hỗn loạn, nhà cửa ngổn ngang, bụi bay đầy trời như ở Port-au- Prince nơi xảy ra cuộc động đất kinh hoàng vào đầu năm nay với hơn 230.000 người chết và trên một triệu người hiện vẫn đang sống trong những căn lều mỏng manh căn khắp nơi trong thành phố.

Và đó cũng là một trong những hình ảnh đầu tiên đập vào mắt tôi. Vì nằm ngay bên ngoài phi trường là một trại tỵ nạn khổng lồ với từng hàng lều nằm chồng chéo lên nhau ra đến tận lề đường. Người gọi người, dưới cái nắng như cháy da của vùng nhiệt đới, nóng nực, ồn ào không thể tưởng. Lúc tôi đến trời chưa ngả chiều, khoảng độ chừng 3 giờ kém là cùng. Nhưng phải gần 3 tiếng sau tôi mới về đến nhà vì bị… kẹt xe.

Từng hàng người hối hả trở về nhà, họ đi tràn lên cả lòng đường đầy những ổ gà lớn nhỏ. Trời đã sập tối nhưng phần lớn các khu vực dân cư xe tôi đi qua đều tranh tối tranh sáng vì bị cúp điện. Anh tài xế cho tôi biết ngày nào cả thành phố cũng bị cúp điện ngoại trừ những khu nhà giàu. Nó làm cho tôi nhớ lại ngày xưa vào khoảng đầu thập niên 80, ở Sài Gòn cũng bị cúp điện triền miên như ở Port-au-Prince bây giờ.

Có khác chăng là ở thành phố này hiện tại ngoài vấn đề thiếu điện nước, người dân còn phải cố gượng dậy để xây dựng lại phố xá, nhà ở, bệnh viện, trường học, v.v… Nếu bạn chưa có dịp đến Haiti, tôi nghĩ có lẽ khó mà bạn có thể tưởng tượng được sự đổ nát, mất mát nó khủng khiếp đến dường nào.

Gần một năm đã trôi qua nhưng trên từng con đường bạn đi qua, trong từng con hẻm nhỏ ngoằn ngoèo, nơi nào bạn cũng sẽ thấy những căn nhà xiêu vẹo, cái thì hoàn toàn sập đổ, cái chỉ còn trơ cánh cổng ra vào. Có những khu nhà vách tường đã bị nứt lở hẳn vậy mà vẫn có người ở, đi ra đi vào. Đường phố thì hầu như chỗ nào cũng bị lồi lõm, đứt đoạn, họa hoằn lắm mới có được một quãng đường ngắn độ chừng vài trăm mét không bị hư hại gì.

Đấy là chưa kể đến những đống gạch vụn, đồ phế thải khổng lồ nằm chồng chất lên nhau ngay bên cạnh lề đường không một ai dọn. Hay là nó nặng quá chăng? Nếu vậy thì tại sao trong 10 tháng vừa qua, chính phủ không giúp người dân làm sạch đường phố?

Nói thật tôi ít khi có dịp đến một nơi nào đó mà tệ hơn Việt Nam. Campuchia vào năm 2005 là một ngoại lệ. Và cho đến hôm nay, Haiti 2010, là một ngoại lệ khác.

Tôi kết luận cho Haiti là như thế không có nghĩa là nó đang nằm hạng bét trên bản thống kê HDI hàng năm vừa được cơ quan UNDP công bố vào đầu tháng này. Tôi chỉ nghĩ rằng trong những năm tháng sắp tới, ngay cả khi cả thế giới đã đồng ý trợ giúp 10 tỷ đô cho Haiti, thì cũng chưa chắc đất nước này sẽ sớm phát triển và thoát khỏi đói nghèo.

Vì thứ nhất, về mặt địa lý, thủ đô Port-au-Prince không phải là một nơi dễ sống. Tuy nó nằm cạnh biển nhưng hầu hết đều chập chùng núi đồi, đất đai khô cằn, cơ sở hạ tầng hầu như không có.

Thứ hai, về mặt chính trị xã hội, tuy Haiti là nước dành được độc lập đầu tiên ở Trung, Nam Mỹ nhưng nó lại chưa xây dựng được những cơ chế luật pháp đủ mạnh để thành lập chính phủ cũng như giám sát sự lạm quyền của chính phủ và các viên chức. Chủ nhật tuần vừa qua đánh dấu lần đầu tiên người dân Haiti được thực thi quyền bầu cử người đại diện cho đất nước. Tuy nhiên, đúng như dự đoán cuộc bầu cử đã không diễn ra một cách công bằng và còn rất nhiều điều bất cập như gian lận phiếu bầu, hăm dọa các ứng cử viên, dùng tiền để mua chuộc cử tri, v.v…

Nhưng thiết nghĩ có còn hơn không. Bởi trong suốt hai thế kỷ qua người dân Haiti chỉ biết phải chấp nhận kết quả của người thắng cuộc sau những lần thanh lý hoặc đảo chánh, tranh giành quyền lực giữa các phe nhóm chính trị.

Tuy nhiên tôi nghĩ điều thứ ba mới là điều quan trọng nhất. Đó là con người. Tuyệt đại đa số người dân Haiti đều có nguồn gốc từ những người da đen bị mua ở châu Phi mang sang Thế giới Mới (the New World) cách đây 2 thế kỷ trước để làm nô lệ cho các thuộc địa của Anh, Pháp, Tây Ban Nha… Không thể một sớm một chiều mà họ có thể thoát khỏi sự nghèo khó, thất học, mất niềm tin ở xã hội, cuộc sống. Như câu nói mà tôi đã hơn một lần nghe qua, ngay cả khi ai sinh ra cũng bình đẳng thì sự bình đẳng đó cũng không thể có đối với tất cả mọi người. Even if all men are born equal, no equality will be had by all men.

Và dĩ nhiên như chúng ta ai cũng biết: not all men are born equal!

Vì như người Việt Nam chúng ta thường tin, sinh ra ở đời ai cũng có số. Tôi cũng tin như vậy. Nếu số mình xui sinh ra trong một gia đình nghèo khó, trong một đất nước nghèo khó, thì có cố gắng gấp 10 lần thì cũng chưa chắc mình đạt được những điều mình muốn bằng một người có hoàn cảnh may mắn hơn, lớn lên trong một xã hội giàu có, nhân bản hơn. Và nếu bạn sinh ra ở Haiti tôi nghĩ câu nói của ông bà mình “không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời” chưa chắc đã đúng.

Thế vậy nhé. Xin lỗi hôm nay tôi hơi “ông cụ non” viết một bài chẳng ăn nhằm gì đến chuyện đất chuyện nước của Việt Nam bốn ngàn năm văn hiến!

Cũng nhân tiện đây tôi xin có lời cảm ơn gửi đến tất cả các bạn đọc đã viết thư gửi cho tôi về câu chuyện của Chú Ngươn. Trong thời gian sắp tới, tôi sẽ gửi thư trả lời từng người một. Và trong một dịp khác tôi sẽ thông báo cho các bạn biết về món quà Giáng Sinh mà chúng ta sẽ gửi cho chú Ngươn. Cảm ơn các bạn.

* Blog của Luật sư Trịnh Hội là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.