Vai trò “thủ đô” của California trong sinh hoạt văn học hải ngoại bị biến mất chứ không phải bị/được thay thế.
Hiện nay, hầu hết sinh hoạt của văn học Việt Nam ở hải ngoại đều tồn tại trên mạng, chủ yếu tập trung trên hai tờ báo mạng Tiền Vệ và Da Màu. Ban điều hành của Tiền Vệ chủ yếu nằm ở Úc, còn ban điều hành của Da Màu chủ yếu nằm ở Mỹ. Nhưng cả hai tờ báo mạng này, dù thu hút rất đông cộng tác viên và độc giả, vẫn không biến cái địa phương mà chúng đặt “trụ sở” thành một trung tâm. Không. Hoàn toàn không.
Việc biến mất của các trung tâm hay thủ đô văn học thể hiện một xu hướng mới của văn học hải ngoại vốn đang chuyển từ hình thức in sang hình thức mạng: giải lãnh thổ hóa.
Giải lãnh thổ hóa là một khái niệm mới, chỉ xuất hiện trong vài thập niên gần đây, trong lãnh vực phê bình văn học và văn hóa học. Nó được dùng để chỉ quá trình tách biệt giữa văn hóa và không gian địa lý cũng như xã hội. Trước, văn hóa bao giờ cũng gắn liền với một không gian, trước hết, được hiểu theo nghĩa là một địa phương nào đó. Cái gọi là địa phương ấy, nhỏ là một làng, rộng là một nước hay một khu vực. Dù nhỏ hay lớn, hẹp hay rộng, những địa phương ấy bao giờ cũng có những ranh giới nhất định. Chính vì thế chúng ta mới có những khái niệm như văn hóa Hòa Bình, văn hóa Phùng Nguyên, văn hóa Đông Sơn, rồi văn hóa Việt Nam, văn hóa Trung Quốc, văn hóa Pháp, v.v... Những không gian bị thu hẹp trong những ranh giới bộ lạc, bộ tộc hoặc quốc gia ấy không những quy định bản sắc của cả cộng đồng mà còn hình thành bản sắc của từng cá nhân cụ thể.
Hiện nay, với xu hướng toàn cầu hóa, các ranh giới ấy nếu không biến mất thì cũng dần dần mờ nhạt hẳn đi. Thế giới chúng ta đang sống tuy chưa phải là một cái “làng toàn cầu” (global village) theo cách nói của Marshall McLuhan, nhưng bất cứ ở đâu chúng ta cũng có thể bắt gặp những sự giao thoa giữa các quốc gia và các nền văn hóa vốn trước đây rất xa cách nhau. Bước vào siêu thị, bất cứ siêu thị nào, chúng ta cơ hồ như chứng kiến một thế giới thu nhỏ với những hàng hóa đến từ khắp nơi trên thế giới: gạo và nước mắm từ Việt Nam hay Thái Lan, cà phê từ Brazil, spaghetti từ Ý, rượu từ Pháp, máy móc từ Nhật, quần áo may từ Trung Quốc, v.v... Nhiều mặt hàng không thể dễ dàng xác định được quốc gia sản xuất. Ví dụ một hiệu quần áo nào đó của Pháp được may ở Việt Nam bằng một thứ vải được sản xuất ở Trung Quốc hay ở Malaysia, chẳng hạn. Trong siêu thị, có cảm tưởng như ý niệm về lãnh thổ bị biến mất.
Nhưng không đâu ý niệm lãnh thổ lại trở thành vô nghĩa như trong thế giới của internet.
Ngày trước, cách đây trên 10 năm, sống ở Pháp rồi sau đó ở Úc, mỗi lần viết bài xong, tôi gửi sang Mỹ để đăng trên Văn, Văn Học hoặc Hợp Lưu. Bài gửi đi, chờ đợi cả một hai tháng sau mới được đăng. Báo in xong, phải chờ một hai tuần mới nhận được. Nhiều lúc, bạn bè ở Cali đọc báo trước, điện thoại trầm trồ về câu này hay ý nọ trong bài viết, trong lúc chính mình là tác giả, chưa nhận được báo, không thể hình dung được cụ thể cái diện mạo bài viết ấy như thế nào cả. Với những anh chị em sống ở Việt Nam, quá trình chờ đợi ấy còn lâu, còn dằng dặc hơn nữa, có khi cả mấy tháng, thậm chí cả mấy năm.
Bây giờ, mỗi lần viết bài xong, gửi đăng trên các tờ báo mạng ở Úc hoặc ở Mỹ, ở Đức, nhiều lúc thấy bài hiện lên gần như ngay tức khắc. Chỉ vài phút sau đó. Và khi bài đã được đăng trên mạng thì người đọc, ở bất cứ nơi nào trên thế giới, cũng có thể đọc được cùng lúc. Hoàn toàn không có ý niệm gần hay xa. Ý niệm biên giới hay lãnh thổ hoàn toàn biến mất.
Được giải lãnh thổ hóa, có thể nói văn học Việt Nam lần đầu tiên được thống nhất. Ở Việt Nam, chúng ta hay nói đến sự thống nhất của quốc gia, nhưng, thường, đó chỉ là một lý tưởng, thậm chí, một khẩu hiệu. Về phương diện văn học, chúng ta luôn luôn ở trong tình trạng bị phân hóa. Thời Pháp thuộc, sự phân hóa đến một phần vì lý do chính trị, nhưng phần khác, có khi quan trọng hơn, từ yếu tố địa lý và xã hội: tác phẩm văn học ở Sài Gòn rất hiếm khi được đọc và được biết ở Hà Nội. Sau này, hầu hết sự phân hóa đều xuất phát, trước hết, từ chính trị: đất nước bị chia cắt thành hai: vùng kháng chiến và vùng thành thị dưới sự kiểm soát của Pháp thời 1945-54, miền Nam và miền Bắc thời 1954-75, và trong nước và hải ngoại từ sau 1975. Suốt thời gian bị chia cắt như thế, người ta rất ít khi đọc nhau và rất hiếm có những cuộc giao lưu thực sự.
Bây giờ, với internet, những ranh giới chia cắt vùng này và vùng nọ bị biến mất. Cứ nhìn trên hai tờ Tiền Vệ và Da Màu thì thấy ngay. Về phía tác giả, người ta đến từ khắp nơi: kẻ ở Mỹ, người ở Pháp; kẻ ở Úc, người ở Việt Nam, v.v… Giấc mơ mà Khánh Trường muốn thực hiện qua tờ Hợp Lưu, muốn biến tờ báo thành nơi hội ngộ của giới cầm bút thuộc những không gian khác nhau, đã trở thành hiện thực trên các tờ báo mạng. Về phía độc giả, trên nguyên tắc, bất cứ ai, ở bất cứ đâu, nếu có internet và nếu muốn, cũng đều có thể đọc được. Nói trên nguyên tắc vì trên thực tế, trong khi sự phân hóa về phương diện địa lý bị xóa bỏ thì lại xuất hiện một số sự phân hóa về phương diện xã hội, chủ yếu giữa những người sử dụng internet và những người không.
Hơn nữa, cũng trên thực tế, nếu nhìn kỹ vào các tờ báo mạng ở hải ngoại, chúng ta cũng có thể thấy được điều này: Rất hiếm có sự cộng tác của những cây bút chính thống trong nước. Không ai ngăn cản họ cả. Chính họ tự ngăn cản họ. Có thể vì họ ngại. Ngược lại, những người thường xuyên gửi bài đăng trên các tờ báo ở hải ngoại thường là những người rất ít khi xuất hiện trên báo chí chính thống ở trong nước. Đó là những người tự coi là những kẻ ở ngoài lề của dòng văn học chính thống, hoặc là những kẻ tự nguyện lưu vong dù họ sống ngay trong nước.
Cho nên trong khi văn học trên mạng chưa thực sự tạo được sự thống nhất hoàn toàn thì nó cũng tạo được sự thống nhất giữa những người lưu vong, hoặc lưu vong bắt buộc hoặc lưu vong tự nguyện, hoặc lưu vong thực sự ở nước ngoài hoặc lưu vong về phương diện tinh thần ở ngay trong nước. Có thể nói internet đã tạo dựng được một thứ cộng đồng lưu vong toàn cầu (global diaspora).
Nói đến lưu vong, cho đến gần đây, người ta chỉ chú ý đến hai mối quan hệ chính: quan hệ với quê gốc và quan hệ với nơi mình đang định cư. Cả hai đều mang tính không gian và bị ràng buộc bởi các yếu tố địa lý với những ranh giới, những biên giới nhất định. Cả hai đều là những nơi người lưu vong không thực sự cảm thấy gắn bó. Với quê gốc, nơi họ luôn luôn nhớ và cho là đẹp tuyệt vời thì, thứ nhất, quá xa, và thứ hai, họ không thực sự muốn quay trở lại, ngay cả khi có đủ điều kiện và cơ hội để quay trở lại. Với quê hương thứ hai, nơi họ đang sống và sẽ sống lâu dài không những hết đời họ mà còn cả đời con cháu họ, họ lại luôn luôn cảm thấy lạc lõng. Bởi vậy, người ta mới nói không gian thực sự của người lưu vong là không gian ở giữa, giữa các biên giới và giữa các nền văn hóa.
Bây giờ, với internet, xuất hiện một thứ quan hệ thứ ba: quan hệ giữa những người lưu vong với nhau. Thứ không gian này không dựa trên yếu tố địa lý vì nó bao gồm rất nhiều quốc gia, thậm chí, lục địa khác nhau, nhưng ở đó, những người lưu vong lại có sự đồng cảm hết sức sâu sắc vì họ không những chia sẻ với nhau những ký ức chung mà còn cả những kinh nghiệm và những sự tưởng tượng chung. Có thể nói những người Việt Nam lưu vong sống ở Mỹ, chẳng hạn, dễ cảm thấy gần gũi với những người Việt Nam lưu vong khác đang sống ở Úc, ở Pháp, v.v… hơn là với những người Mỹ đang sống bên cạnh họ hoặc những người Việt Nam đang sống ở quê hương cũ của họ.
Khi chúng ta mở rộng nội hàm khái niệm lưu vong đến cả những người đang sống bên lề xã hội và dòng văn học chính thống trong nước, chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy một điều: Họ gần gũi với những người lưu vong ở nước ngoài hơn là những người trong bộ máy chính thống ở trong nước. Bất cứ ai thường liên lạc với giới cầm bút trong nước đều có thể nhận ra ngay điều đó.
Như vậy, có thể nói, internet, qua các tờ báo mạng, một mặt, đã góp phần tạo nên cái gọi là cộng đồng lưu vong toàn cầu, đúng nghĩa toàn cầu, bao gồm tất cả mọi người sống ở bất cứ nơi đâu trên thế giới; nhưng mặt khác, nó lại chia cắt văn học Việt Nam thành hai khu vực khác nhau: khu vực chính thống ở trong nước và khu vực phi chính thống bao gồm hầu hết các cây bút ở hải ngoại và một số có cảm tưởng càng ngày càng đông các cây bút bên lề ở trong nước.
Xin lưu ý là ranh giới chia cắt hai khu vực này không thuần túy là chuyện chính trị. Không phải mọi nhà văn thuộc khu vực chính thống đều là những người ủng hộ chính quyền và cũng không phải, ngược lại, những người thuộc khu vực phi chính thống đều là những kẻ phản kháng. Sự lựa chọn khu vực có thể chỉ xuất phát từ những lý do thuần túy nghệ thuật. Ví dụ một số cây bút thích thử nghiệm ở Hà Nội, chẳng hạn, vẫn thường chọn các tờ báo mạng ở hải ngoại để công bố các tác phẩm của mình bởi chỉ ở đó, họ mới được đăng và mới được ủng hộ. Báo chí trong nước từ chối họ không phải vì vấn đề tư tưởng mà nhiều khi chỉ thuần là vì mỹ học: quan niệm sáng tác của họ quá mới. Một hiện tượng tương tự cũng có thể nhìn thấy qua nhóm Mở Miệng ở Sài Gòn. Đã đành là các thành viên trong nhóm Mở Miệng đều thích tự do. Nhưng điều họ quan tâm nhiều nhất là tự do sáng tạo và thử nghiệm chứ không hẳn đã là tự do chính trị.
Nhưng nếu những người thích tìm tòi đổi mới ở trong nước đều tìm cách công bố tác phẩm của mình trên các tờ báo mạng ở hải ngoại thì, như là một hệ luận, các tờ báo mạng ấy dù muốn hay không cũng đều trở thành những mảnh đất tốt cho những thử nghiệm và sáng tạo. Nghĩa là đóng vai trò ít nhiều tiên phong.
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.