Người châu Phi nhỏ một vài giọt nước mắt cho ông Gadhafi

  • Gabe Joselow

Ông Gadhafi là nhân tố chính trong việc thành lập Liên Hiệp Châu Phi

Phản ứng đối với cái chết của nhà cựu lãnh đạo Moammar Gadhafi hầu hết được nén lại trên toàn vùng tiểu-Sahara, châu Phi. Trong khi lối cai trị của nhà độc tài Gadhafi có thể không được nhớ đến nhưng sự đóng góp kinh tế của ông đối với lục địa này chắc chắn sẽ không đi vào quên lãng. Thông tín viên Đông Phi của Đài VOA Gabe Joselow tường trình từ Nairobi.

Cái chết của một người một thời tuyên bố mình là Vua của các Vua tại châu Phi được đáp ứng bằng sự thở phào nhẹ nhõm hơn là đau buồn trên toàn lục địa.

Trên Twitter và Facebook, người châu Phi hầu hết đều reo mừng về cái chết của ông Gadhafi, và đang tự hỏi nhà độc tài nào của châu Phi sẽ là người kế tiếp chịu chung số phận-với những ngón tay chỉ vào Tổng thống Yoweri Museveni của Uganda và Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe.


Bà Mary Ene, một nhân viên xã hội người Nigeria nói cái chết của ông Gadhafi là một ví dụ không may cho những nhà lãnh đạo châu Phi muốn nắm quyền vĩnh viễn.

Bà Ene nói: “Đây là một bài học cho các nhà lãnh đạo chúng ta tại phần đất này của thế giới biết rằng quyền hành thuộc về Thượng Đế và Thượng Đế có thể tước bỏ quyền hành của bất cứ ai, vào bất cứ lúc nào. Đây là lúc các nhà lãnh đạo của chúng ta nhìn lại việc họ cứ cố thâu tóm tất cả mọi thứ của công, bỏ vào túi riêng của họ và cho gia đình họ.”

Dấu mốc thời gian về sự vinh quang và suy tàn của ông Moammar Gadhafi

  • Ngày 1/9/1969: 27 tuổi, Gadhafi lãnh đạo một cuộc đảo chính của quân đội lật đổ quốc vương Libya.


  • Ngày 5/4/1986: Đánh bom khủng bố hộp đêm ở Đức làm 2 quân nhân Mỹ thiệt mạng. Hoa Kỳ trả đũa bằng các vụ không kích Libya vì chính phủ của ông Gadhafi bị cáo buộc có can dự đến vụ đánh bom.


  • Ngày 21/12/1988: Đánh bom chuyến bay 103 của Pan Am trên bầu trời Lockerbie, Scotland làm 270 người thiệt mạng.


  • Năm 1992: Hoa Kỳ và Liên Hiệp Quốc chế tài Libya sau khi lần ra bằng chứng chất nổ có liên hệ với Libya.


  • Ngày 5/4/1999: Gadhafi giao nộp 2 giới chức Libya cho giới hữu trách Scotland để xét xử về vụ đánh bom Lockerbie. Hoa Kỳ và Liên Hiệp Quốc ngưng chế tài.


  • Năm 2003: Gadhafi thừa nhận trách nhiệm về vụ tấn công và đồng ý bồi thường cho gia đình các nạn nhân hơn 2 tỷ đôla.


  • Ngày 19/12/2003: Libya hứa sẽ loại bỏ chương trình hạt nhân và vũ khí hủy diệt hàng loạt. Hoa Kỳ và Libya thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ.


  • Ngày 20/8/2009: Scoland trả tự do cho kẻ đánh bom Lockerbie vì lý do nhân đạo. Các bác sĩ nói rằng ông này bị ung thư giai đoạn cuối và chỉ còn vài tháng để sống. Đương sự đã ngồi tù tám năm trong tổng cộng tối thiểu 27 năm tù giam. Ông này đã trở về Libya và hiện vẫn còn sống.


  • Tháng 2/2011: Nhiều ngày biểu tình đòi dân chủ đã dẫn đến việc người biểu tình chiếm được nhiều nơi ở nước này.


  • Ngày 23/8/2011: Các chiến binh của Hội đồng chuyển tiếp Quốc gia đối lập chiếm được tổng hành dinh của ông Moammar Gadhafi ở Tripoli.


  • Ngày 20/10/2011: Các giới chức NTC cho hay các chiến binh của chính phủ lâm thời đã giết chết ông Moammar Gadhafi.

Đảng cầm quyền ZANU-PF của Zimbabwe là đảng duy nhất bày tỏ đôi lời chia buồn cho Gadhafi. Thành viên Quốc hội phụ trách kỷ luật của đảng nói với Đài VOA là cái chết của ông Gadhafi thật thê thảm và Liên Hiệp Châu Phi lẽ ra nên làm nhiều hơn nữa để ngăn chận.

Phát ngôn viên chính phủ Uganda Fred Opolt cũng có một ít lời ca ngợi người đã đầu tư nhiều vào châu Phi.

Ông Opolot nói: “Ông Gadhafi sẽ được tưởng nhớ tại Uganda như là một người của toàn châu Phi đã đóng góp nhiều cho công việc của Liên Hiệp Châu Phi. Tại mỗi quốc gia riêng rẽ, ông cũng đóng góp nhiều vào đầu tư trực tiếp của nước ngoài và đừng nên quên, ông là một người ủng hộ quan trọng cho việc đoàn kết châu Phi, và trong khuôn khổ đó ông Gadhafi sẽ được tiếc thương.”

Chính phủ Gadhafi có mối quan hệ mật thiết với Uganda, và đã đầu tư 375 triệu đô la vào những dự án khác nhau tại nước này qua cơ quan đầu tư của Libya.

Dấu hiệu về ảnh hưởng kinh tế của ông Gadhafi được thấy trên toàn Đông Phi.

Những khách sạn cao tầng do Libya tài trợ đứng sừng sững tại Khartoum, thủ đô Sudan, và được gọi là trứng của Gadhafi do hình dạng độc đáo của nó. Những khách sạn sang trọng khác của Libya cũng vươn cao tại Kenya và Rwanda.

Libya cũng là một trong những nước đóng góp lớn nhất cho Ngân hàng Phát triển châu Phi.

Ông Peter Phạm, giám đốc Trung tâm Châu Phi tại Hội đồng Đại Tây Dương ở Washington nói với Đài VOA vào tháng 8 năm nay là với sự sụp đổ của chính phủ Gadhafi, di sản đầu tư của Gadhafi có phần chắc sẽ tan vỡ thành từng mảnh.

Ông Phạm nói: “Hiện nay Libya cần tiền tiêu ở quốc nội, Libya cần những nguồn lực cho tái thiết, không những vì những thiệt hại trong chiến tranh, nhưng cũng còn vì thiếu đầu tư tại Libya, bị quên lãng trong gần 42 năm Gadhafi cầm quyền. Tôi nghĩ nhiều khoản tiền cần phải trở lại Libya, do đó có lẽ nhiều tài sản trong số này sẽ bị bỏ đi.”

Ông Phạm nói thêm là có phần chắc lãnh đạo mới tại Libya sẽ không đầu tư vào châu Phi.

Ông nói: “Sẽ có nhiều oán hận đối với các nước châu Phi vì thứ nhất quá nhiều tiền đã chi ra tại đây và thứ hai là vì Liên Hiệp Châu Phi và nhiều nhà lãnh đạo châu Phi, với một ít ngoại lệ, đứng về phía ông Gadhafi thay vì đứng về phía nhân dân Libya.”

Ông Gadhafi là nhân tố chính trong việc thành lập Liên Hiệp Châu Phi, và tổ chức quốc tế này đã chậm chạp trong việc chấp nhận Hội đồng Chuyển tiếp Quốc gia Libya như là một chính phủ chính đáng của Libya.

Tiếp theo tin về cái chết của ông Gadhafi, Liên Hiệp Châu Phi hủy bỏ việc đình chỉ tư cách thành viên của Libya, cho phép chính phủ mới điền thế chỗ của chính phủ cũ.

Liên hiệp châu Phi chính thức công nhận tân chính phủ Libya vào tháng 9 năm nay, và trương quốc kỳ mới của nước này lên trong tháng qua.

Lưu ý: Video có những hình ảnh có thể không thích hợp với một số khán giả

http://www.youtube.com/embed/FyP_oUeraUQ

Hình ảnh cựu lãnh đạo Libya Moammar Gadhafi

Phản ứng trước cái chết của ông Gadhafi