Đó là một kết cục đẫm máu của một chế độ cai trị đẫm máu. Hình ảnh ông Moammar Gadhafi, rõ ràng đã được kẻ thù của ông trưng bày và kéo lê đi khắp phố, báo hiệu một khúc quanh mới và đầy bạo lực đối với các cuộc nổi dậy đang lan tràn khắp thế giới Ả Rập trong năm nay.
Nhà độc tài đầu tiên bị lật đổ trong khu vực, Tổng thống Tunisia, Zine al-Abidine Ben Ali, đã bỏ chạy khỏi nước để đi sống lưu vong. Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak bị đưa ra xét xử. Những chuyển biến đó, cùng với sự kiện ở Libya, đã được người biểu tình ở Yemen, Syria và nhiều nơi theo dõi sát sao.
Phân tích gia chính trị Said Sadek, giáo sư chính trị và xã hội học tại Trường đại học American ở Cairo, nói:
"Vụ giết hại Gadhafi, nhà độc tài, đã gây cú sốc cho tổng thống đang gặp rắc rối của Yemen, người vẫn muốn duy trì quyền lực, và Tổng thống Syria Assad, người cho tới giờ đã chứng kiến sự ra đi của ba nhà độc tài của Ả Rập, là ông Mubarak của Ai Cập, ông Ben Ali ở Tunisia và ông Gadhafi. Đó là chưa kể đến vụ lật đổ Saddam Hussein của Iraq hồi năm 2003. Tôi nghĩ giờ đây họ sẽ gặp những cơn ác mộng.”
Nhưng vụ giết hại nhà cầm quyền lâu năm có thể đưa tới những vấn đề khác. Mặc dù phải tính đến nhiều yếu tố khác, nhưng vụ hành quyết Saddam đã khiến cho những người ủng hộ ông ta hợp sức lại và tăng cường các vụ bạo lực phe phái mà tới nay vẫn còn gây thiệt hại cho nước này. Mặt khác, Tunisia đã tiến nhanh hơn tới một trật tự mới, và họ sẽ tổ chức bầu cử vào ngày Chủ nhật.
Rania al Malki, một phân tích gia chính trị và là một chủ biên ở Cairo, lập luận rằng có thể những cái chết như cái chết của ông Gadhafi lại có lợi hơn so với việc đưa họ ra xét xử hay để họ đi sống lưu vong.
Bà nói: "Tôi nghĩ cái chết của ông ta đã đem đến một sự kết thúc. Chúng ta có thể thấy ở những nơi như Ai Cập thường xuyên thiếu một hồi kết. Cựu tổng thống của nước này đang bị xét xử và điều này khiến cho vết thương không thể lành lại trong một thời gian dài. Và nó vẫn sẽ rỉ máu, bởi nó nhắc người ta luôn nghĩ tới điều gì đã xảy ra trước đây và về những anh hùng của họ đã bị giết hại trong cuộc nổi dậy.”
Giáo sư Sadek ở Cairo nói rằng có thể cũng có những lợi thế về chính trị và an ninh nhờ cách thức các sự kiện diễn tiến ở Libya:
“Lý do là nếu quí vị không loại bỏ những chế độ cũ và các lãnh đạo của họ thì họ sẽ tàn phá và gây bất ổn cho đất nước. Tôi nghĩ điều xảy ra ngày hôm nay là rất tốt cho hội đồng chuyển tiếp ở Libya. Nó sẽ mở ra một cánh cửa cho tiến trình chính trị mới. Nó cũng sẽ dập tắt mọi sự hỗ trợ của những người ủng hộ ông Gadhafi để tiếp tục cuộc chiến và tiếp tục gây rắc rối cho người dân Libya.”
Cái chết của ông Gadhafi cũng có nghĩa là một trong các nguyên nhân chung để đoàn kết các lực lượng đối lập sẽ điều hành đất nước này giờ đây đã không còn nữa. Chủ biên Malki nói:
“Họ sẽ phải trải qua một giai đoạn thiếu rõ ràng. Họ sẽ phải trải qua một giai đoạn đấu tranh nội bộ nhưng đồng thời sẽ có rất nhiều cuộc đối thoại trong nội bộ để người dân Libya quyết định cách thức họ muốn xây dựng đất nước, họ muốn đi theo đường hướng nào và làm cách nào để khôi phục lại toàn bộ hệ thống và thành lập các định chế mới.”
Bà Malki gọi tương lai phía trước là một “giai đoạn mọc răng”, một giai đoạn mà bất kỳ nước nào đã phải trải qua điều mà bà gọi là “sự thử thách kinh khủng này” cũng đã phải chịu đựng. Tuy nhiên, tại thời điểm này, cả bà Malki và ông Sadek đều tin rằng những sự thống khổ chung trong quá khứ và kết cục không thể tránh khỏi, sẽ đủ để giúp người Libya đoàn kết lại để đạt thỏa hiệp trên con đường phía trước.