Thủ tướng Pháp Francois Fillon cảnh báo rằng hàng tỷ đôla trong cắt giảm chi tiêu và tăng thuế cấu thành các biện pháp gay go nhất từ hơn nửa thế kỷ, khi ông công bố các biện pháp này trong một cuộc họp báo hôm thứ Hai.
Ông Fillon nói từ “vỡ nợ” không còn là một từ trừu tượng nữa. Ông nói quyền tự chủ về kinh tế, tài chính và xã hội của Pháp đòi hỏi nỗ lực tập thể và thậm chí cả một vài hy sinh nữa.
Kế hoạch kiệm ước của chính phủ Pháp bao gồm việc nâng tuổi về hưu lên tới 62 tuổi vào năm 2017, tức là sớm hơn 1 năm so với dự trù. Các biện pháp khác gồm việc tăng thuế trị giá gia tăng và các thuế kinh doanh khác, với mục tiêu toàn diện là loại trừ thâm hụt ngân sách quốc gia trước năm 2016.
Trong 6 tháng sắp tới trước cuộc bầu cử tổng thống, có phần chắc kế hoạch này sẽ xói mòn thêm điểm ủng hộ dành cho Tổng thống Nicolas Sarkozy vốn đã xuống tới mức thấp kỷ lục.
Đảng Xã hội đối lập chính cùng với giới lãnh đạo công đoán đã nhanh chóng chỉ trích các cắt giảm.
Lãnh tụ tổ chức Công đoàn Force Ouvriere, ông Jean-Claude Mailly đả kích kế hoạch kiệm ước là gây thiệt hại cho những người thọ thuế bình thường. Ông nói điều mà Pháp và các nước châu Âu khác cần không phải là tăng thêm các biện pháp kiệm ước mà là tăng trưởng kinh tế.
Đó cũng là cảm nghĩ của các chuyên gia phân tích như ông Simon Tilford, kinh tế gia trưởng của Trung tâm Cải cách châu Âu ở London.
Ông Tilford nói: “Sự phục hồi của Pháp vốn đã khựng hẳn lại và rơi vào tình trạng suy thoái. Đó không phải là thời điểm mà bất cứ chính phủ nào nên cắt giảm chi tiêu. Tất cả các biện pháp đó có nguy cơ đẩy nền kinh tế lún sâu thêm vào tình trạng suy thoái.”
Các biện pháp kiệm ước của Pháp được đưa ra vào lúc nước láng giềng Italia đe dọa trở thành nạn nhân mới nhất của vụ khủng hoảng khu vực euro đang lây lan. Ông Tilford không loại trừ khả năng Pháp sẽ trở thành nước xếp hàng ngay phía sau.
Ông Tilford nhận xét: “Không phải là điều vượt quá phạm vi khả năng là trong thời gian vài tháng nữa, nước Pháp sẽ rơi vào tình thế tương tự với tình thế mà Italia đang rơi vào ngay lúc này.”
Sự kiện nước Pháp siết chặt hầu bao chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Sarkozy chủ trì một hội nghị thượng đỉnh của khối G-20 ở Cannes đã chiếm lĩnh các vấn đề nợ nần của châu Âu, với Hy Lạp và Italia đứng ở tuyến đầu của cuộc khủng hoảng.
Hôm nay, chính phủ Pháp công bố các biện pháp kiệm ước mới và gắt gao vào lúc lo ngại gia tăng rằng các vấn đề tài chính của châu Âu có thể tác động đến các thành viên mới trong khối 17 quốc gia sử dụng đồng Euro. Thông tín viên VOA Lisa Bryant gởi về bài tường thuật từ Paris.