Các nhà lãnh đạo của các nền kinh tế hàng đầu thế giới đang họp tại thành phố du lịch Cannes của Pháp để thảo luận về các vấn đề kinh tế toàn cầu, với cuộc họp thượng đỉnh tập trung bàn về vụ khủng hoảng nợ Âu Châu và những nghi vấn về một thỏa thuận cứu nguy Hy Lạp.
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã gặp riêng Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, hai nhà lãnh đạo các nền kinh tế lớn mạnh nhất Âu Châu, trước khi cuộc họp thượng đỉnh của G-20 chính thức khai mạc ở Cannes.
Ông Obama nói rằng Liên hiệp Âu Châu “đã áp dụng một số biện pháp quan trọng để ứng phó với mối nguy truyền nhiễm của vấn đề nợ nần của Âu Châu”, nhưng ông nói thêm rằng ông hy vọng các nhà lãnh đạo thế giới có thể “đạt được thỏa thuận chi tiết” về một chiến lược toàn diện để giải quyết vụ khủng hoảng này.
Các giới chức Hoa Kỳ nói rằng hội nghị thượng đỉnh này cũng sẽ bàn tiếp về những vấn đề tại hội nghị thượng đỉnh năm ngoái và thảo luận nhiều vấn đề, trong đó có tăng trưởng kinh tế toàn cầu và giải quyết nạn thất nghiệp ở những nước có tỉ lệ thất nghiệp cao.
Trong phiên họp khẩn của các nhà lãnh đạo Âu Châu ngày hôm qua trước hội nghị thượng đỉnh G-20, Tổng thống Sarkozy và Thủ tướng Đức Angela Merkel nói rằng Hy Lạp sẽ “không nhận thêm một xu nào” của các khoản cho vay cứu nguy của Liên hiệp Âu Châu hoặc Quỹ Tiền tệ Quốc tế trừ phi Hy Lạp tuân hành các điều khoản của kế hoạch cứu nguy kinh tế đạt được hồi tuần trước.
Hồi đầu tuần này, Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou đã làm cho Âu Châu rúng động với việc bất ngờ loan báo là người dân Hy Lạp sẽ được quyền bỏ phiếu để quyết định về kế hoạch cứu nguy, trong đó có những biện pháp kiệm ước bị công chúng phản đối kịch liệt.
Tuy từ ngữ dùng trong cuộc trưng cầu dân ý hiện chưa rõ ràng, nhưng ông Papandreou hôm qua nói rằng cuộc bỏ phiếu đó sẽ định đoạt sự tham gia của Hy Lạp trong khối euro trong tương lai.
Hôm nay, Bộ trưởng Tài chánh Hy Lạp Evangelos Venizelos lên tiếng chống đối kế hoạch tổ chức trưng cầu dân ý.
Ông Venizelos nói rằng qui chế của Hy Lạp trong khối Euro là “một thắng lợi lịch sử” và không thể để cho qui chế này lệ thuộc vào một cuộc đầu phiếu phổ thông.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1