Các nhà lãnh đạo Liên hiệp châu Âu ngày 21/10 cùng bày tỏ lo ngại về sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc, khiến Thủ tướng Đức Olaf Scholz phải đối mặt với các câu hỏi về chuyến đi sắp tới của ông cùng với giới lãnh đạo kinh doanh tới Trung Quốc.
Lưu ý đến sự phụ thuộc vào khí đốt Nga mà Moscow đã khai thác, nhiều nhà lãnh đạo EU cho biết họ cần một lập trường thống nhất và cứng rắn hơn đối với Trung Quốc.
Kể từ năm 2019, EU đã chính thức coi Trung Quốc là đối tác, một nước cạnh tranh về kinh tế và đối thủ mang tính hệ thống.
Cơ quan chính sách đối ngoại của EU cho biết trong một văn kiện chuẩn bị cho thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo EU trong tuần này rằng Bắc Kinh chủ yếu nên được coi là một đối thủ cạnh tranh đang thúc đẩy “một tầm nhìn thay thế về trật tự thế giới.”
Việc thúc đẩy chỉnh đốn diễn ra khi liên minh cầm quyền của Đức đang cân nhắc xem có nên để tập đoàn vận tải tàu biển quốc doanh Cosco của Trung Quốc tham gia vào bến cảng Hamburg hay không.
Phản ứng của chính phủ, hiện đang bị chia rẽ về vấn đề này, được coi là thước đo cho thấy mức độ sẵn sàng cứng rắn của chính phủ đối với đối tác thương mại hàng đầu của mình.
Ông Scholz đã đối mặt với áp lực từ các nước EU khác về việc chống lại giới hạn giá khí đốt và gói 200 tỷ euro để bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp Đức khỏi giá năng lượng tăng đột biến.
Ngày 21/10, ông Scholz nhấn mạnh rằng thương vụ tiềm năng chỉ liên quan đến cổ phần của một bến chứ không phải phần lớn cổ phần của toàn bộ cảng, như Cosco có ở Piraeus.
Phát ngôn viên của ông nói ông Scholz sẽ đến Trung Quốc vào đầu tháng 11. Khi được hỏi tại sao các lãnh đạo kinh doanh cũng đi theo, ông Scholz nói họ thường tháp tùng những chuyến như vậy.
Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin cho hay các lãnh đạo EU không thảo luận về vấn đề cảng Hamburg, nhưng đã đề cập đến cơ sở hạ tầng quan trọng, đồng thời nhấn mạnh không nên bán cảng cho các chế độ độc tài.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết EU đã phạm “sai lầm chiến lược” trong quá khứ với việc bán cơ sở hạ tầng cho Trung Quốc.
Bài học và cảnh báo
Sự chuyển đổi này diễn ra trong bối cảnh các nhà ngoại giao EU lo ngại rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người đã có bài phát biểu về chính sách quan trọng vào ngày 16/10, đang đưa Trung Quốc vào con đường ngày càng độc đoán.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết EU đã rút ra bài học từ sự phụ thuộc vào Nga và cần phải cảnh giác với Trung Quốc.
Bà nói: “Trong trường hợp của Trung Quốc, đó là nguy cơ phụ thuộc vào công nghệ và nguyên liệu thô”, đồng thời cho biết EU cần tăng cường năng lực sản xuất và chuyển hướng nhiều hơn sang các nhà cung cấp đáng tin cậy.
Thủ tướng Phần Lan Marin cho rằng EU cần tránh xây dựng sự phụ thuộc trong tương lai vào công nghệ mới và thay vào đó thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ hơn giữa các nước dân chủ.
Các lãnh đạo EU cũng quan ngại về lập trường của Trung Quốc đối với cuộc chiến ở Ukraine. Ông Tập và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố về tình hữu nghị “không có giới hạn” giữa hai quốc gia trước thềm cuộc xâm lược của Nga.
Thủ tướng Latvia, Krisjanis Karins, nói điều quan trọng là EU phải nói chuyện với Trung Quốc để đảm bảo rằng họ “đứng về phía lịch sử” trong cuộc chiến tranh của Nga chống lại Ukraine.
“Sẽ đối phó tốt nhất với Trung Quốc khi chúng ta 27 nước cùng nhau, không phải khi chúng ta đối đầu với Trung Quốc từng nước một”, ông nói.