Trung Quốc có thể mở cửa nền kinh tế nếu muốn, Reuters dẫn lời Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker nói hôm 16/7, khi Liên minh châu Âu kêu gọi các quốc gia tránh chiến tranh thương mại ngay cả khi nhiều áp lực đổ dồn lên Bắc Kinh vì chính sách công nghiệp của nước này.
Đón tiếp ông Juncker và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nhấn mạnh đến sự cần thiết phải duy trì thương mại tự do và đa phương, trong lúc Hoa Kỳ và Trung Quốc ngày càng bế tắc trong tranh chấp thương mại và không có dấu hiệu sẽ đàm phán.
Tổng thống Mỹ Donald Trump từng cảnh báo ông sẽ áp đặt thuế quan đối với lượng hàng hóa Trung Quốc trị giá hơn 500 tỷ đôla Mỹ (gần bằng tổng số lượng nhập khẩu của Trung Quốc vào Hoa Kỳ vào năm ngoái) để chống lại việc “lạm dụng thương mại” của Bắc Kinh.
Trung Quốc thề sẽ trả đũa từng bước.
Bị cáo buộc lâu nay về chiến thuật bảo hộ gây khó khăn cho các công ty nước ngoài, Trung Quốc đang cố gắng đảo ngược câu chuyện trong bối cảnh cuộc chiến thương mại leo thang bằng cách phê duyệt các khoản đầu tư khổng lồ, chẳng hạn như một dự án hóa dầu trị giá 10 tỷ USD của tập đoàn hóa chất BASF của Đức.
Tại một cuộc họp báo chung với ông Lý và ông Tusk tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, ông Juncker nói động thái này cho thấy “nếu Trung Quốc muốn mở cửa thì họ có thể làm được. Họ biết cách mở cửa”.
Sau đó, tại một diễn đàn kinh doanh, ông nói, “Chúng ta cần các quy tắc đa phương và công bằng. EU cởi mở nhưng không ngây thơ”.
Tại sự kiện về kinh doanh, ông Lý đã mời các giám đốc điều hành từ các công ty châu Âu hoạt động tại Trung Quốc đến chia sẻ các vấn đề của họ.
Hãng máy bay Airbus phàn nàn về sự việc chính quyền chậm trễ phê chuẩn, “gây mất mát lớn” cho công ty. Hãng xe hơi BMW thì nêu ra việc tạo ra các tiêu chuẩn công nghiệp rộng hơn.
“Tôi có thể nói rằng chúng tôi sẽ đảm bảo việc thực hiện các hợp đồng đã ký kết và chúng tôi sẽ cắt giảm thời gian phê duyệt”, Thủ tướng Trung Quốc nói với Chủ tịch Airbus ở Trung Quốc Eric Chen, Reuters dẫn nguồn thông tin cuộc họp cho biết.
Thủ tướng Lý cũng yêu cầu các công ty trình bày về những khiếu nại “đánh cắp tài sản trí tuệ” để ông có thể thực hiện “các biện pháp mạnh”. Thông tin cuộc họp không nêu rõ liệu có công ty nào dám đứng ra trình bày hay không.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu kêu gọi Trung Quốc, Hoa Kỳ và các nước khác tránh các cuộc chiến thương mại và cải tổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), trang bị cho tổ chức này để chống lại việc cưỡng bức chuyển giao công nghệ và trợ cấp của chính phủ, là những nguyên nhân mà Tổng thống Trump nêu ra khi áp đặt chính sách tăng thuế lên hàng hóa Trung Quốc.
“Vẫn còn thời gian để ngăn chặn xung đột và hỗn loạn”, Reuters dẫn lời ông Tusk nói.
Sau đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gặp các lãnh đạo châu Âu và nói rằng hai bên nên “chung tay để bảo vệ chủ nghĩa đa phương và hệ thống thương mại tự do dựa trên pháp luật”, truyền hình nhà nước Trung Quốc cho hay.
Những người chỉ trích chính sách của Bắc Kinh nói các công ty nước ngoài phải cạnh tranh với các đối thủ Trung Quốc, vốn được hỗ trợ bởi các khoản trợ cấp lớn, bóp méo thị trường, và sự ủng hộ của chính phủ. Vấn đề này đã không được giải quyết đầy đủ theo quy định của WTO.
Cả Trung Quốc và châu Âu đều nhấn mạnh đến sự cần thiết phải giải quyết những khác biệt về thương mại thông qua WTO, nhưng Hoa Kỳ nói các chính sách bất công của Trung Quốc đã trở nên quá cấp thiết và quá lớn để tổ chức thương mại này giải quyết.
“Bạn tốt”
Cuộc họp Trung Quốc-EU đưa ra tuyên bố khẳng định cam kết của cả hai bên đối với hệ thống thương mại đa phương. Các lãnh đạo đã không tìm được sự đồng thuận để đưa ra tuyên bố chung sau các cuộc họp vào năm 2016 và 2017.
Tuyên bố mới cho biết Bắc Kinh và Brussels lần đầu tiên đệ trình các đề xuất tiếp cận thị trường như là một phần của các cuộc đàm phán hiệp ước đầu tư.
Tuyên bố nói thêm rằng việc trao đổi sẽ mở ra một “giai đoạn mới” trong đàm phán mà cả hai bên đều coi là “ưu tiên hàng đầu”.
“EU lưu ý các cam kết gần đây của Trung Quốc trong việc cải thiện tiếp cận thị trường và môi trường đầu tư, tăng cường quyền sở hữu trí tuệ và mở rộng nhập khẩu, và mong chờ việc thực hiện đầy đủ cũng như các biện pháp tiếp theo”, tuyên bố nói.
Hai bên cũng nhất trí thành lập một nhóm công tác về cải cách WTO.
Các phái viên châu Âu nói rằng họ đã cảm nhận được “độ khẩn cấp lớn hơn” từ phía Trung Quốc kể từ hồi năm ngoái trong việc tìm kiếm những quốc gia “có cùng chí hướng” sẵn sàng đứng lên chống lại các chính sách “nước Mỹ trên hết” của ông Trump.
Đại sứ Trung Quốc tại EU hôm 15/7 viết cho truyền thông nhà nước Trung Quốc rằng cuộc họp hàng năm của các nhà lãnh đạo Trung Quốc - EU sẽ tập trung vào cách hai bên có thể trở thành “một tiêu chuẩn của sự ổn định” trong bối cảnh “chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ”.
Chia sẻ mối lo ngại của ông Trump đối với các vụ lạm dụng thương mại của Trung Quốc, EU phần lớn từ chối những nỗ lực của Trung Quốc nhằm áp lực khối này có lập trường mạnh mẽ chống lại ông Trump.
Hiện có một sự hoài nghi sâu sắc trong EU về cam kết của Trung Quốc trong việc mở cửa thị trường hơn nữa, bên cạnh mối lo ngại là Bắc Kinh đang tìm cách chia rẽ khối thương mại lớn nhất thế giới bằng những ảnh hưởng kinh tế của mình ở Đông Âu.
Mặc dù vậy, các giới chức châu Âu cho rằng ông Trump, người cũng nhắm mục tiêu tới châu Âu bằng thuế quan, đã tạo cơ hội cho thấy mối quan hệ EU-Trung Quốc có thể là một tường thành bảo vệ cho thương mại toàn cầu.
Vào đêm trước cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Trump hôm 15/7 một lần nữa gây “sốc” cho các đồng minh khi coi Liên minh châu Âu là “kẻ thù” về thương mại. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Tusk viết trên Twitter đó là “tin giả” và nói rằng Mỹ và EU là “những người bạn tốt nhất”.