Trung Quốc nói với Pháp hôm thứ Hai ngày 25/6 rằng họ sẽ mua thêm nhiều nông sản của nước này và ám chỉ họ sẽ mua thêm máy bay Airbus trong tương lai và cam kết làm việc để mở cửa thị trường trong động thái tăng cường quan hệ thương mại với châu Âu trong bối cảnh nguy cơ cuộc chiến tranh thương mại ngày càng tăng với Mỹ.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã nói với người đồng cấp Pháp Edouard Philippe rằng Bắc Kinh muốn mua thêm máy bay trong năm nay và đang sẵn sàng để đàm pháp thêm với Pháp về việc mua máy bay Airbus.
Paris và nhà sản xuất máy bay châu Âu đã cố gắng cứu một thỏa thuận kể từ khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trở về trắng tay từ Bắc Kinh hồi tháng Giêng.
Các nguồn tin cho biết sai lầm của các nhà ngoại giao và chính phát ngôn của ông Macron đã tiết lộ chi tiết các cuộc đàm phán về thương vụ mua máy bay với các quan chức cấp cao. Điều này đã làm phía Trung Quốc phật ý.
“Tôi đã giải thích với ngài thủ tướng rằng trong những năm vừa qua chúng tôi đã mua rất nhiều máy bay dân dụng và cần phải có thời gian để ‘tiêu hóa’ lượng máy bay này,” Thủ tướng Lý phát biểu trong một cuộc họp báo chung. “Bất chấp điều này, chúng tôi vẫn sẵn sàng củng cố hợp tác với tập đoàn Airbus của Pháp.”
Bắc Kinh đã có một giọng điệu rất khác đối với Mỹ. Họ đã cảnh báo rằng hãng máy bay Boeing có thể trở thành nạn nhân nếu hai nền kinh tế lớn nhất thế giới không chấm dứt xu thế hướng đến chiến tranh thương mại.
Cả Trung Quốc và Liên minh châu Âu đều đang dính vào tranh chấp thương mại với Mỹ và Bắc Kinh đang tìm kiếm điểm chung với EU để phản đối điều mà họ cho là chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ.
“Chúng tôi tin rằng những va chạm và tranh chấp có liên quan sẽ được giải quyết thông qua đối thoại. Sẽ không có bên chiến thắng trong một cuộc chiến tranh thương mại,” ông Lý nói. “Tất cả các bên cần phải phối hợp cùng với nhau để thúc đẩy tăng trưởng và không có hành động dựng lên các rào cản thương mại hay chủ nghĩa bảo hộ. Điều này không tốt cho ai cả.”
Trong tuần này, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến sẽ đưa ra các biện pháp mới để hạn chế việc các công ty Trung Quốc mua cổ phần trong các công ty Mỹ.
Bộ Thương mại Hoa Kỳ đang soạn thảo các hạn chế vốn sẽ ngăn chặn các công ty với ít nhất 25% sở hữu của Trung Quốc mua lại các công ty Mỹ có ‘công nghệ quan trọng trong ngành’, một quan chức chính phủ Mỹ cho Reuters biết hôm 24/6.
Washington than phiền rằng Bắc Kinh đang chiếm đoạt công nghệ của Mỹ thông qua các quy định về liên doanh và các chính sách khác, và họ đã thông báo các biện pháp thuế quan vào 34 tỷ đô la trị giá hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc, đợt đánh thuế đầu tiên của tổng cộng 450 tỷ đô la. Các biện pháp thuế quan mới sẽ có hiệu lực kể từ ngày 6/7.
Trong chuyến thăm Trung Quốc hồi tháng Giêng, Tổng thống Pháp Macron nói hợp đồng với Bắc Kinh mua 184 máy bay A320 của Airbus sẽ nhanh chóng được chốt lại.
Phát biểu của Thủ tướng Lý dường như củng cố cơ hội giành thêm vụ làm ăn cho Airbus mặc dù không có thỏa thuận nào được ký kết vì Trung Quốc thường giành các thỏa thuận lớn như thế cho các chuyến thăm của các nguyên thủ nước ngoài.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng ký thỏa thuận nhập khẩu thịt bò từ Pháp vì thịt bò Mỹ đang bị đe dọa đánh thuế. Hồi năm ngoái, Bắc Kinh đã tỏ dấu hiệu sẽ chấm dứt lệnh cấm vận đối với thịt bò nhập khẩu từ Pháp sau cuộc khủng hoảng bò điên ở châu Âu cách nay hai thập niên.
Ông Lý cũng nói rằng Trung Quốc sẽ mua thêm nhiều nông sản nữa nhưng không cho biết rõ.
Trong các cuộc đàm phán về thỏa thuận đầu tư song phương với Liên minh châu Âu hôm 25/6, phó Chủ tịch Trung Quốc Lưu Hà nói rằng Trung Quốc và EU có lợi ích chung trong việc bảo vệ hệ thống thương mại đa phương toàn cầu.
“Hai bên tin tưởng rằng chúng tôi cần kiên quyết phản đối chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ thương mại và ngăn không cho những biện pháp đó gây ra sự mong manh và suy thoái của kinh tế toàn cầu,” ông Lưu cho biết trong một cuộc họp báo sau cuộc đàm phán.
Cả Trung Quốc và EU đều đã công bố các biện pháp trả đũa nhằm vào các sắc thuế mới của Mỹ.
Tuy nhiên, một quan chức châu Âu hàng đầu đã nói rõ rằng châu Âu không hoàn toàn cùng suy nghĩ với Trung Quốc.