Trung Quốc sẽ mời các nhà ngoại giao châu Âu đến thăm vùng Tân Cương nhằm đẩy mạnh các nỗ lực chống chế lại những lời chỉ trích từ các nước phương Tây đối với chương trình quy mô “chống cực đoan hóa” của Bắc Kinh, mà nhà nước Trung Quốc đã viện ra để đưa vào trại tập trung hơn một triệu người thuộc nhóm thiểu số Uighur.
Theo Reuters, nếu chuyến thăm diễn ra thì đây sẽ là lần đầu một nhóm đông đảo nhà ngoại giao Tây phương được tới thăm khu vực xa xôi ở miền tây Trung Quốc giữa lúc Bắc Kinh đang đối mặt với những chỉ trích ngày càng mạnh mẽ hơn từ các thủ đô Tây phương, cũng như các nhóm bảo vệ nhân quyền vì đã thiết lập các cơ sở mà các chuyên gia LHQ mô tả là các trung tâm giam giữ hơn một triệu người Uighur và những người theo đạo Hồi khác.
Nhiều nguồn tin ngoại giao cho biết lời mời đến thăm khu tự trị Tân Cương vào cuối tháng 3 đã được đưa ra một cách không chính thức, và chính quyền Trung Quốc cũng không nói rõ họ sẽ được gặp ai hoặc sẽ đến những nơi nào.
Năm ngoái, hơn một chục đại sứ từ các nước phương Tây, bao gồm Pháp, Anh, Đức và đặc phái viên EU tại Bắc Kinh, đã viết thư cho Bắc Kinh, tỏ ý muốn gặp quan chức hàng đầu của Tân Cương, Bí thư Trần Toàn Quốc (Chen Quanguo), để thảo luận về những lo ngại của họ về tình hình nhân quyền ở đây.
Các nhà ngoại giao nói bức thư đó đã không được hồi đáp, ngoài việc bị lên án công khai, khi Bắc Kinh cho rằng bức thư đó là một sự vi phạm các quy tắc ngoại giao.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ lên đường sang châu Âu vào ngày 21/3 trong chuyến công du cấp nhà nước tới thăm Ý, Monaco và Pháp.
Thủ tướng Lý Khắc Cường sẽ thăm Brussels vào tháng tới để dự hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc-EU.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố: “Trung Quốc dự định mời các đặc sứ châu Âu tại Trung Quốc đến thăm Tân Cương để các nước châu Âu hiểu thêm về những thành tựu của Tân Cương trong lĩnh vực phát triển kinh tế và xã hội, đồng thời để thúc đẩy trao đổi và hợp tác song phương.”
Bộ Ngoại giao nóiTrung Quốc “tin rằng qua chuyến thăm này, các đặc sứ châu Âu sẽ có thể tự mình trải nghiệm tình hình thực tế an hòa, trật tự, bình yên của Tân Cương, cũng như cuộc sống hạnh phúc của tất cả người dân ở đây.”
Tuần trước, một phúc trình thường niên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho rằng cách Trung Quốc đối xử với người Hồi giáo ở Tân Cương đánh dấu “những vi phạm nhân quyền tồi tệ nhất tính từ những năm 1930.”