Cuộc họp thượng đỉnh cuối năm của Liên Hiệp châu Âu kết thúc một năm 2010 u ám đối với 27 nước thành viên của Liên Hiệp châu Âu, EU.
Các nước thành viên chìm ngập trong nợ nần như Ireland và Hy Lạp đang vất vả sắp xếp lại những cơ sở tài chánh của mình sau khi nhận được các gói cứu nguy.
Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha cũng đang ở trong tình trạng tài chánh bấp bênh. Hồi đầu tuần, các công ty đánh giá cảnh báo họ có thể hạ mức định giá tín dụng của Tây Ban Nha và Bỉ.
Ngoài ra, một loạt các biện pháp thắt lưng buộc bụng mà một số nước thành viên của EU áp dụng đã gây ra các cuộc phản kháng trên khắp châu Âu, như các cuộc bạo loạn xảy ra tại Hy Lạp hôm thứ Tư.
Ông John Monks, Tổng thư ký Liên Hiệp Công Đoàn Châu Âu trụ sở tại Brussels, nói rằng châu Âu nên tiêu dùng nhiều hơn, chứ không phải ít đi, nếu muốn thoát ra khỏi các khó khăn tài chánh của họ. Ông nói:
“Ý tôi muốn nói là cần phải thay đổi đường lối. Quí vị cần đem đến tin vui cho châu Âu, không phải một châu Âu muốn trừng trị các nước gặp khó khăn - đó chắc hẳn là cảm nghĩ ở Hy Lạp và Ireland lúc này.”
Giới lãnh đạo EU, theo dự kiến, sẽ chấp thuận một gói cứu nguy thường trực cho các quốc gia sử dụng đồng euro để thay thế cơ chế tạm thời sắp hết hạn vào năm 2013. Nhưng họ không đi đến đồng thuận về các vấn đề quan trọng khác.
Một vấn đề gây chia rẽ liên quan đến những trái phiếu euro, một cơ chế cho phép các nước thành viên yếu kém hơn có thể vay mượn với lãi suất thấp.
Người cổ vũ cho ý kiến này mạnh nhất là ông Jean-Claude Junker, Thủ Tướng Luxembourg.
Nhưng hai thành viên EU quan trọng là Đức và Pháp thì đã bác bỏ điều đó. Ông Sarkozy, Tổng thống Pháp, nói rằng trái phiếu euro sẽ làm cho các nước nợ nần cảm thấy ít trách nhiệm hơn đối với các vấn đề tài chánh của họ.
Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, ông Jose Manuel Barroso cũng bác bỏ việc bàn thảo về trái phiếu euro. Ông nói:
”Trái phiếu euro tự nó là một ý kiến hay. Chính Ủy Ban Châu Âu vào năm 2008 đã đề xuất ý kiến này, khi đánh giá về 10 năm hoạt động đầu tiên của Liên Hiệp Tiền Tệ Châu Âu, EMU. Tuy nhiên, chúng ta đang ở trong một tình huống khủng hoảng và chúng ta đã có sẵn những cơ chế tài chánh đối phó với khủng hoảng, chẳng hạn như cơ sở Ổn Định Tài Chánh châu Âu.”
Các phân tích gia nói rằng tình trạng thiếu đoàn kết trong việc giải quyết những khó khăn của khu vực sử dụng đồng euro là chủ đề chính của Liên Hiệp châu Âu trong suốt năm kinh tế khó khăn này.
Theo dự kiến, các lãnh đạo EU sẽ chấp thuận một quỹ cứu nguy cho những quốc gia trong khu vực đồng euro tại cuộc họp thượng đỉnh ở Brussels. Nhưng theo tường trình của Thông tín viên Lisa Bryant của đài VOA thì họ vẫn chia rẽ sâu sắc về nhiều cơ chế khác liên quan đến việc giải quyết các vấn đề tài chánh trong khối này.