Hai ngày họp thượng đỉnh của EU chấm dứt hôm thứ Sáu mà không gây nhiều ngạc nhiên.
Như trông đợi, lãnh đạo 27 quốc gia thành viên quyết định lập ra một cơ chế tài trợ thường trực để giúp đỡ các nền kinh tế yếu ớt của châu Âu cho đến 2013.
Điều đó có nghĩa là có sự thay đổi chút ít đối với hiệp định Lisbon, nhưng hội nghị để yên các chi tiết cho đến những tháng tới mới giải quyết, kể cả số tiền đóng góp cho cơ chế tài trợ.
Tại cuộc họp báo hôm thứ Sáu, ông Jose Manuel Barroso, Chủ tịch Ủy hội châu Âu, cơ quan chấp hành của EU, tóm lược những mặt được đồng thuận, trong đó có những quy định nghiêm ngặt hơn cho ngành ngân hàng và những lời khuyên cho các nước thành viên phải làm chủ tình hình công nợ của mình. Ông nói tiếp:
“Chúng tôi sẽ làm những gì cần thiết để bảo vệ ổn định tài chính của khu vực sử dụng đồng euro. Đó là một tuyên cáo nghiêm túc và là một tuyên cáo có cam kết cụ thể đi kèm.”
Thủ tướng Đức Angela Merkel, trước đây không đồng ý giải quyết bằng cách phát hành trái phiếu châu Âu chung, bây giờ tỏ vẻ hài lòng.
Giống như ông Barroso, bà nói rằng lãnh đạo châu Âu cam kết bảo vệ đồng euro, vốn đang trồi sụt bất thường do một số thành viên gặp khó khăn kinh tế, như Hy Lạp và Ireland.
Nhưng chuyên viên Cinzia Alcidi ở Bỉ thất vọng vì lãnh đạo châu Âu không đưa ra những biện pháp mạnh bạo hơn:
“Cần phải giải quyết căn nguyên của vấn đề. Vấn đề chính ở đây là có quá nhiều nợ; có trường hợp là từ quốc gia, có trường hợp là từ hệ thống ngân hàng không đủ năng lực đối phó với mức nợ quá cao.”
Cũng hôm thứ Sáu, tổ chức Moody's hạ thấp điểm tín dụng của Ireland và dọa sẽ hạ thấp thêm. Moody's cũng cảnh báo Tây Ban Nha có thể gặp trường hợp tương tự.
Không có nhiều phản ứng lạc quan sau khi Liên hiệp châu Âu loan báo sẽ lập ra một cơ chế thường trực để cứu nguy các quốc gia thành viên đang nợ ngập đầu. Cùng lúc, Ireland bị hạ thấp điểm tín dụng.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1