Năm ngoái tại khắp châu Âu, người dân bày tỏ phẫn nộ về hành động cắt giảm chi tiêu của chính phủ, một phương cách giúp ổn định đồng euro.
Tại Hy Lạp, liên tiếp có những vụ đụng độ ngoài đường phố với cảnh sát khi chính phủ Athens phát động chương trình thắt lưng buộc bụng sau khi nước này được Liên Hiệp châu Âu và Quĩ Tiền Tệ Quốc Tế cứu nguy bằng số tiền cho vay 145 tỉ đô la.
Những vụ biểu tình tại Paris và Brussels đã đánh dấu một mùa đông đầy bất mãn.
Mặc dù có những bất ổn xảy ra, Thủ tướng Đức Angela Merkel, trong thông điệp đầu năm, đã bày tỏ sự ủng hộ cho đồng euro. Bà nói: "Một châu Âu đoàn kết là một bảo đảm cho tự do và hòa bình của chúng ta. Đồng euro là căn bản cho sự thịnh vượng của chúng ta. Nước Đức cần đến châu Âu và cần đến đồng tiền chung của chúng ta."
Vào lúc bước sang năm mới 2011, Estonia trở thành quốc gia thứ 17 và là một quốc gia đầu tiên thuộc khối Liên Xô cũ gia nhập khối các quốc gia sử dụng đồng euro. Không ai trông đợi nền kinh tế nhỏ bé chỉ với 19 tỉ đô la sẽ tạo nên một khác biệt gì cho khối sử dụng đồng euro.
Những nền kinh tế yếu kém của châu Âu là chủ đề chính của một hội nghị thượng đỉnh châu Âu vào tháng 12 năm ngoái. Các nhà lãnh đạo đã đồng ý thay đổi bản hiệp ước đã được dùng làm căn bản cho việc cai trị khối liên hiệp châu Âu, để thiết lập một cơ chế thường trực có để đối phó với những vấn đề nợ nần trầm trọng. Nhưng phải chờ 3 năm nữa cơ chế này sẽ mới có hiệu lực.
Chuyên gia phân tích thị trường Michael Hewson làm việc cho công ty CMC Markets nói rằng cơ chế này không phải là một giải pháp cho vấn đề. Ông đưa ý kiến: "Không có gì đã được giải quyết xong trong ngắn hạn, vì thế những vấn đề nợ nần sẽ tiếp tục sang tới năm 2011."
Anh quốc không nằm trong khối các nước sử dụng đồng euro nhưng họ cũng đóng góp cho việc cứu nguy. Các sinh viên Anh đã lớn tiếng khẳng định lập trường chống đối của họ đối với các biện pháp khắc khổ.
Họ và các công dân trên khắp châu Âu đang hứa hẹn sẽ có thêm những cuộc biểu tình mới trong năm 2011. Nhà bình luận kinh tế Hamish McRae nói rằng các chính phủ cần phải có những bước đi rất thận trọng. Sau đây là ý kiến của ông McRae: "Sử dụng sức mạnh chính trị tới mức độ nào để giúp thống nhất kinh tế và sử dụng thống nhất kinh tế tới mức độ nào để tăng cường hợp nhất chính trị, và phải xúc tiến hai chuyện này qua những liên kết chặt chẽ với nhau."
Các nhà đầu tư đang theo dõi sát để xem giới lãnh đạo châu Âu có hành động như thế nào trong năm nay.
Một trong những chọn lựa là phát hành trái phiếu Euro để giàn trải mỏng nguy cơ, nhưng những nền kinh tế mạnh như của Pháp và của Đức đã chống lại chuyện đó.
Các công dân nước Đức vẫn tiếp tục phải trả một cái giá đắt cho chuyện tái thống nhất quốc gia và rất dè chừng đối với cái giá phải trả cho chuyện cứu nguy thêm các nền kinh tế yếu kém hơn trong Liên hiệp châu Âu.
Nước Đức là nơi đặt Ngân hàng Trung ương châu Âu, và vì là nền kinh tế vững mạnh nhất tại châu Âu, nước này có phần chắc sẽ có một tiếng nói mạnh trong vấn đề tương lai của đồng euro.
Các nhà lãnh đạo Pháp và Đức nói rằng họ phải củng cố đồng euro trong năm 2011 để bảo đảm sự đoàn kết của châu Âu. Đồng euro đã bị mất giá trong lúc một số nền kinh tế của châu Âu bị suy sụp. Các chính phủ buộc phải cắt giảm chi tiêu, và các công dân trong nước phản ứng bằng các cuộc biểu tình và đình công. Thông tín viên Jennifer Glasse đưa ra viễn ảnh có thể có của châu Âu trong năm 2011.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1