Đường dẫn truy cập

2010: Âu châu khủng hoảng


Việc sử dụng đồng Euro, có mục đích đoàn kết các nước châu Âu lại thành một liên minh tiền tệ hùng mạnh
Việc sử dụng đồng Euro, có mục đích đoàn kết các nước châu Âu lại thành một liên minh tiền tệ hùng mạnh

Việc sử dụng đồng Euro, có mục đích đoàn kết các nước châu Âu lại thành một liên minh tiền tệ hùng mạnh. Nhưng toàn thể khu vực sử dụng đồng euro vẫn yếu như mối liên hệ yếu nhất giữa các nước này, và đó là một thực tại không thể làm ngơ trong năm 2010. Theo thông tín viên Seelah Hennessy tường trình cho đài, cuộc khủng hoảng tài chính đã trắc nghiệm những mối gắn kết ràng buộc châu Âu và đưa ra một nghi vấn về tương lai của liên hiệp này.

Những cuộc biểu tình ngoài đường phố tại Ireland vào lúc sắp kết thúc năm 2010 rất điển hình cho những gì mà nhiều người châu Âu sẽ nhớ đến năm nay, đó là món nợ của quốc gia, giảm chi và bất ổn xã hội.

Tình trạng bất ổn tài chính đã khiến cho chỉ tệ duy nhất của châu Âu, đồng euro, phải qua một cuộc trắc nghiệm.

Hy Lạp là điểm nóng của khủng hoảng trước đó trong năm. Một khối nợ khổng lồ có nghĩa là các thị trường đã mất tin tưởng vào khả năng trả nợ của quốc gia.

Giới lãnh đạo châu Âu cuống quýt sửa chữa mối liên hệ yếu ớt của họ.

Họ đổ trên 100 tỉ đô la vào nền kinh tế Hy Lạp và thiết lập một ngân quỹ để giúp các quốc gia sử dụng đồng euro gặp khó khăn trong tương lai.

Chỉ 6 tháng sau đó, Ireland lại cần đến hành động cứu nguy kinh tế cho họ, và một lần nữa số tiền cứu nguy lên tới trên 100 tỉ đô la, đã có sẵn.

Ông Iain Begg, thuộc trường Kinh Tế London, cho cuộc khủngh hoảng kinh tế và tài chính đang buộc các quốc gia trong khu vực đồng Euro xét lại hệ thống tiền tệ. Ông cho biết họ đang tìm ra những nhược điểm và loại bỏ chúng, và do đó, theo ông, đang giúp cho đồng tiền của họ mạnh hơn. Ông nói :

"Đây là đặc tính của phương cách mà người châu Âu hành động, họ chờ cho có chuyện gì không ổn xảy ra rồi trong tiến trình, tìm ra một giải pháp để tiến tới một tầm mức hội nhập rộng lớn hơn, trong lúc vẫn tôn trọng quyền của từng quốc gia hội viên."

Nhưng ngay cả những nền kinh tế tương đối mạnh như nước Pháp vẫn bị mang công mắc nợ rất nhiều. Công chi bị cắt giảm đưa tới những vụ biểu tình và đình công liên tục.

Và trong bối cảnh ngân sách quốc gia bị siết lại, giới lãnh đạo châu Âu đã phải vất vả để cân bằng nhu cầu kinh tế của quốc gia họ với nhu cầu của châu Âu.

Chuyên gia Begg cho biết nhu cầu quốc gia vẫn là một ưu tiên hàng đầu:

"Thực sự nó sẽ không là một quốc gia hợp nhất của châu Âu mà là một liên hiệp các nước châu Âu như ta thấy hiên nay."

Nhưng điều đó rất xa với những gì mà nhiều người châu Âu từng có thời hy vọng. Sau khi thế chiến thứ hai đã tàn phá tan hoang châu lục này, những người có viễn kiến đã hình dung một châu Âu hòa bình, đoàn kết về kinh tế và chính trị.

Ông Simon Tilford, kinh tế gia trưởng tại Trung Tâm Cải tổ châu Âu, nói rằng cuộc khủng hoảng tài chính đã làm viễn ảnh này tả tơi. Ông nói:

"Điều không may là sự đoàn kết cần có đã bị xói mòn vì cuộc khủng hoảng tài chính này. Vì vậy cử tri tại các quốc gia được yêu cầu bảo đảm các khoản tiền cho các quốc gia thành viên khác trong liên minh vay rất bực tức vì họ nghĩ rằng tại sao họ lại phải làm như vậy? Họ đang phải tưởng thưởng cho lối chi tiêu hoang phí của nước khác. Và như vậy khiến các chính phủ lại càng khó ăn khó nói trong trường hợp bàn thảo để hợp nhất châu Âu hầu tạo một nền móng bền vững để tiến tới."

Điều này có thể cho thấy là một khó khăn lớn trong năm sắp tới.

Hiện nay thì một bóng đen đang lởn vởn trên các nền kinh tế của Bồ Đào Nha, Ý và Tây Ban Nha, và chẳng bao lâu có thể những nước này cũng cần được cứu nguy.

Nhưng với giới cử tri đang chịu đựng gian khổ do giảm lương và tăng thuế, có thể sẽ rất khó cho các nhà lãnh đạo thuyết phục cử tri của họ chịu mở hầu bao để cứu nguy những nền kinh tế nước bạn.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG