Liên Hiệp Châu Âu vẫn khuyến nghị các chính phủ khác tại hội nghị của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu, được gọi tắt là COP17, chấp thuận một hiệp định có ràng buộc pháp lý về cắt giảm khí thải. Khí thải được coi là nguyên nhân gây biến đổi khí hậu.
Ủy viên phụ trách vấn đề biến đổi khí hậu của Liên hiệp Châu Âu, bà Connie Hedegaardcho hay phái đoàn Châu Âu sẽ thảo luận về nỗ lực này với nước gây ô nhiễm lớn nhất thế giới là Trung Quốc.
Bà Hedegaard nói rằng Trung Quốc muốn thấy một hiệp định có ràng buộc pháp lý, và đó là vấn đề quan trọng đối với Trung Quốc, một điều kiện mà Trung Quốc cũng phải tuân theo.
Trưởng phái đoàn Trung Quốc, ông Giải Chấn Hoa, đã trả lời câu hỏi khi nói rằng Trung Quốc sẽ đồng ý chấp nhận hiệp định này nếu có một số điều kiện tiên quyết được thực hiện.
Những điều kiện tiên quyết đó bao gồm Liên hiệp Châu Âu đồng ý chấp nhận một giai đoạn cam kết thứ nhì về Nghị Định Thư Kyoto, đòi hỏi tất cả mọi quốc gia cắt giảm khí thải, và các điều khoản về một thoả thuận pháp lý sẽ khác nhau dựa trên “khả năng quốc gia” của mỗi nước.
Lên tiếng qua một thông dịch viên, ông Giải Chấn Hoa nói rằng, trước hết các chính phủ phải làm tròn những cam kết mà họ đã đưa ra tại hai hội nghị thượng đỉnh trong quá khứ ở Copenhagen và Cancun trước khi xét tới một hiệp định có ràng buộc pháp lý, sau năm 2020.
Trong khi phái đoàn Trung Quốc mở cuộc họp báo tại tầng hầm của Trung Tâm Hội Nghị Quốc Tế ở Durban, thì ở tầng trên lãnh đạo các đoàn thể xã hội dân sự mở một cuộc họp báo đưa ra những phàn nàn của họ đối với lập trường của Hoa Kỳ tại hội nghị.
Hoa Kỳ, nước gây ô nhiễm lớn hàng thứ nhì sau Trung Quốc, phản đối hiệp định có ràng buộc pháp lý về cắt giảm khí thải, và nói rằng những mục tiêu cắt giảm khí thải hiện nay không cần phải xét lại cho đến năm 2020.
Một số thành viên trong ủy ban này gợi ý rằng việc Trung Quốc sẵn lòng thoả thuận về một khung sườn pháp lý để cắt giảm khí thải có thể giúp động viên các quốc gia khác.
Ông Kumi Naidoo, giám đốc điều hành tổ chức quốc tế Hòa Bình Xanh nói ông nghĩ là Trung Quốc và Hoa Kỳ cần phải có một cuộc thảo luận tại hội nghị, không phải một cuộc thảo luận giữa các thương thuyết gia, nhưng có thể chính Chủ Tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào với Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama hội đàm với nhau ở cấp cao, bởi vì không nên quên rằng vấn đề phải tranh đấu với tình trạng khí hậu biến đổi được bàn thảo không phải chỉ đơn giản ở hội nghị này mà nó còn xảy ra ở thủ đô các nước.
Trung Quốc và Hoa Kỳ thật ra đã đưa ra những chính sách tương tự tại hội nghị COP17. Cả hai nước đã kêu gọi các quốc gia làm tròn những mục tiêu được quy định trong hội nghị trước đây, trước khi thảo luận về những hành động thêm nữa. Trung Quốc nói họ đã đặt một mục tiêu cắt giảm khí thải khoảng 17 phần trăm trong 5 năm sắp tới trong khi Hoa Kỳ cam kết cắt giảm cùng một số lượng như vậy chậm nhất là năm 2020.
Nhưng Hoa Kỳ bị cáo buộc đã kìm hãm tiến bộ tại hội nghị này, trong khi chính sách của Trung Quốc đã được hoan nghênh nồng nhiệt.
Ông Harjeet Singh, “điều phối viên tư pháp về biến đổi khí hậu” thuộc tổ chức ActionAid nói rằng, sự khác biệt là khi so sánh với Hoa Kỳ thì Trung Quốc có một chính sách khí hậu cao vọng hơn nhiều.
Ông Singh nói họ đã đưa ra được một số luật lệ hết sức chặt chẽ, họ muốn chắc rằng các công nghiệp của họ gây ô nhiễm rất ít. Hãy xem những khoản đầu tư mà họ đã thực hiện trong lãnh vực “công nghệ xanh” và tất cả những chuyện này đang diễn ra khi Trung Quốc chưa bị ràng buộc bởi bất cứ một hiệp định có tính cách ràng buộc pháp lý nào, và họ đã tự thực hiện được nhiều điều trong mục tiêu này.
Mặc dầu có những nỗ lực của Trung Quốc, một phúc trình mới của Dự Án Carbon Toàn Cầu, một tổ chức các khoa học gia có liên hệ với Trường Đại Học Đông Anglia của Anh, nói các nền kinh tế mới xuất hiện, trong đó có Trung Quốc, đã góp phần vào tình trạng gia tăng hằng năm lượng khí thải carbon lớn nhất được ghi nhận.
Phúc trình, được đăng trên tạp chí Nature Climate Change số ra ngày Chủ Nhật cho biết khí thải carbon dioxide đã gia tăng 5,9 phần trăm trên khắp thế giới trong năm 2010, mặc dầu tình trạng ô nhiễm không khí đã giảm mạnh trong một khoảng thời gian ngắn vào lúc diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính.
Theo phúc trình cho biết lượng khí thải chỉ riêng của Trung Quốc đã gia tăng 10,4 phần trăm.
Trưởng phái đoàn Trung Quốc tham gia hội nghị của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu tại Nam Phi đã tỏ dấu cho thấy nước họ sẵn lòng chấp nhận một hiệp định có ràng buộc pháp lý về cắt giảm khí thải. Mặc dầu hiệp định có thể sẽ chỉ đạt tới sau năm 2020, nhưng nhiều nước tại hội nghị hy vọng rằng hành động của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng tới các quốc gia khác gây ô nhiễm nặng và các nước đang phát triển.