Đọc thơ và diễn dịch thơ

Đọc thơ và diễn dịch thơ

Nói đến việc đọc nói chung, chúng ta không thể không phân biệt cách đọc của người đọc bình thường và cách đọc của nhà phê bình. Trong ý nghĩa tôi đã nêu trong các bài viết trước, nhà phê bình nào trước hết cũng là một người đọc. Nhưng nhà phê bình không phải chỉ là một người đọc. Nếu người đọc vĩnh viễn là một kẻ vô danh thì nhà phê bình là một cá nhân gắn liền với một tên tuổi nhất định. Nếu kinh nghiệm của người đọc là cái gì nhất thời, thoáng qua thì kinh nghiệm của nhà phê bình được ghi lại trên trang giấy. Nếu cách diễn dịch của người đọc là cái gì riêng tư, cách diễn dịch của nhà phê bình sẽ là một hiện tượng xã hội, ít nhiều có ảnh hưởng đến người khác.

Hậu quả là nhà phê bình phải chịu một gánh nặng mà người đọc bình thường không có: ý thức trách nhiệm. Chủ yếu là trách nhiệm đối với chính hắn: ít ra hắn phải bảo vệ được cách diễn dịch của mình trước công chúng. Điều này đòi hỏi hắn phải sử dụng nhiều thao tác khác nhau khi diễn dịch: phân tích, tổng hợp, so sánh, đánh giá, chứng minh v.v... trong khi, với người đọc, thường thì chỉ cần một thao tác duy nhất: liên tưởng. Ý thức trách nhiệm cũng như việc sử dụng nhiều thao tác này khiến cho mức độ tự giác trong việc đọc của nhà phê bình cao hơn hẳn việc đọc của những người đọc bình thường. Nói cách khác, nếu người đọc chỉ đọc thơ, nhà phê bình không những chỉ đọc thơ mà còn đọc cả cái đọc của mình.

Đọc thơ là diễn dịch. Nhưng diễn dịch là gì? Diễn dịch là để tìm ý nghĩa. Ý nghĩa nảy sinh từ các quan hệ. Các quan hệ tạo nên cấu trúc. Tìm kiếm ý nghĩa, do đó, đương nhiên sẽ trở thành những cuộc tìm kiếm cấu trúc. Trong chiều hướng này, John M. Ellis định nghĩa “một sự diễn dịch là một giả thuyết về tổ chức chung nhất và sự mạch lạc của tất cả các yếu tố hình thành văn bản văn học” (1); Todorov coi việc đọc là việc phát hiện một cấu trúc trung tâm và những thao tác ngự trị toàn bộ các cấp của văn bản (2). Nhưng vấn đề là: thế nào là cấu trúc? Jean Piaget cho cấu trúc chứa đựng ba ý niệm căn bản: ý niệm về tổng thể (wholeness), về sự chuyển hoá (transformation) và về sự tự điều hoà (self-regulation). Bất cứ cấu trúc nào cũng được tạo thành bởi các yếu tố và các luật lệ dùng để kết hợp các yếu tố ấy lại thành một chỉnh thể.

Điều đáng để ý là các yếu tố và các luật lệ này tồn tại cùng lúc và có ảnh hưởng qua lại mật thiết với nhau: khi luật lệ kết hợp thay đổi, cấu trúc thay đổi theo (3). Từ đó dẫn đến hệ luận là một bài thơ hoặc một tác phẩm văn học nói chung có thể có nhiều cấu trúc khác nhau tuỳ theo những khía cạnh nào được quan tâm đến nhiều nhất. Có người quan tâm đến cấu trúc hình tượng; có người quan tâm đến cấu trúc tâm lý của bài thơ v.v... Chính từ đây nảy sinh sự phê phán của trường phái hậu-cấu trúc luận (post-structuralism) đối với cấu trúc luận: một là, nếu cấu trúc là cái gì có thể thay đổi, nó sẽ không thể là một trung tâm của bài thơ; hai là, nếu ý nghĩa của bài thơ thay đổi theo cấu trúc thì ý nghĩa, như vậy, không phải là trung tâm của cấu trúc mà chỉ là một hệ quả, một sản phẩm của tính cấu trúc (structurality); ba là, như là hệ luận của hai điều trên, ý nghĩa của một bài thơ hoặc một tác phẩm văn học nói chung là cái gì cứ triển hạn mãi, một quá trình tìm kiếm vô tận, điều mà Derrida gọi là difference (4).

Một số hệ luận có thể rút ra từ những sự phân tích trên. Thứ nhất, nói theo ngôn ngữ của Geoffrey H. Hartman, diễn dịch sẽ là một bữa tiệc (feast) chứ không phải là một bữa ăn chay (fast): nó làm cho tác phẩm được diễn dịch tươi hơn, giàu hơn (5). Thứ hai, khác với sự diễn dịch của người đọc bình thường vốn tạm thời và thoáng qua, sự diễn dịch của nhà phê bình có tính lịch sử: những đóng góp của nó chồng chất lên nhau khiến càng về sau người ta càng thưởng thức tác phẩm văn học một cách sâu sắc và toàn diện hơn.

Nói cách khác, sự diễn dịch nào của nhà phê bình cũng đồng thời nhắm đến ba mục đích: một là tạo ra bản sắc cho chính nhà phê bình ấy; hai là phát hiện một cấu trúc mới, từ đó, một ý nghĩa mới cho tác phẩm được phê bình; ba là, mang lại cho tác giả của tác phẩm ấy một diện mạo mới, một tầm vóc mới. Nếu sáng tác là một cách tác giả tự bôi xoá chính mình để tác phẩm được tồn tại, phê bình là một cách làm giàu cho người khác để chính mình được giàu có.

Hartman ghi nhận là chúng ta đang bước vào kỷ nguyên trong đó ưu thế của tác phẩm văn học so với tác phẩm phê bình bị đặt thành nghi vấn. Rõ ràng là tác phẩm của Longinus được đọc một cách cẩn thận không kém gì những tác phẩm được Longinus bình phẩm; những công trình nghiên cứu của Derrida về Rousseau đọc thú vị không thua gì bản thân tác phẩm của Rousseau (6).

***

Chú thích:

1. Ellis, J.M. (1974), The Theory of Literary Criticism: A Logical Analysis, University of California Press, Berkeley, tr. 202.

2. Dẫn theo Culler, J. (1975), sđd, tr. 172.

3. Piaget, J. (1971), Structuralism, Chaninah Maschler dịch từ tiếng Pháp, Routledge, London.

4. Derrida, J. (1976), Of Grammatology, Gayatri Chakravorty Spivak dịch, Johns Hopkins University Press, Baltimore.

5. Hartman, G.H. (1975), The Fate of Reading and Other Essays, University of Chicago, Chicago, tr. 18.

6. Hartman (1975), sđd, tr. 17.

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.