Mới đây, tôi vào kiểm tra một lớp tiếng Việt tại một đại học ở Melbourne. Hầu hết các sinh viên đều là người Úc. Các em học tiếng Việt đã được một học kỳ (ba tháng). Tôi hỏi một nữ sinh:
- Em tên gì?
Em ấy đáp:
- Tôi tên Stephanie.
- Em bao nhiêu tuổi?
- Tôi là 19 tuổi.
Tôi hỏi một em khác:
- Ba em tên gì?
Em ấy đáp:
- Tên ông ta là John.
- Bây giờ ba em sống ở đâu?
- Ông ta chết rồi.
Tôi lại hỏi một em khác nữa:
- Sáng nay em làm gì?
- Sáng nay em đã học môn Tâm lý học.
Vân vân.
Xin nói ngay, dù học tiếng Việt mới được ba tháng, cách phát âm của các em, nói chung, tuy không hoàn hảo, nhưng khá chính xác, ít nhất cũng đủ để người nghe có thể hiểu được những điều các em muốn truyền đạt. Trừ câu “Tôi là 19 tuổi” với chữ “là” thừa thãi, tất cả các câu đáp của các em đều đúng về ngữ pháp. Tuy vậy, từ lỗ tai của người Việt Nam, chúng ta vẫn thấy hầu hết các câu ấy đều có vấn đề. Một sinh viên năm thứ nhất nói chuyện với một giáo sư đã đứng tuổi mà xưng "tôi" là có vấn đề. Gọi ba mình là "ông ta" cũng có vấn đề: Nó hờ hững đến độ lạnh lẽo. Chữ “chết” dùng để chỉ người thân lại càng có vấn đề: Nó dửng dưng đến độ vô cảm. Ngoài ra, cũng giống chữ “là” trong câu "Tôi là 19 tuổi", chữ "đã" trong câu "Sáng nay tôi đã học môn Tâm lý học" hoàn toàn thừa. Và vì thừa nên cũng thành một vấn đề.
Nhân nói đến những "bất ổn" trong việc học tiếng Việt của người ngoại quốc (hoặc trẻ em Việt Nam sinh ra và lớn lên ở hải ngoại), tôi sực nhớ đến một câu chuyện tiếu lâm mới nghe được trong chuyến đi Sydney vừa rồi. Xin nói ngay: Như phần lớn các truyện tiếu lâm của người Việt, chuyện này hơi tục. Biết vậy, nhưng tôi cũng xin phép được kể vì, thứ nhất, tôi tin chắc trong số độc giả blog của tôi, không có ai là vị thành niên; thứ hai, tôi thấy khó tìm ra một câu chuyện nào khác tiêu biểu hơn cho vấn đề chúng ta đang bàn.
Chuyện kể một người phụ nữ Tây phương lấy chồng Việt Nam và về Việt Nam sinh sống trong một khu lao động. Chị cố học tiếng Việt để giao tiếp với người Việt Nam, trước hết là với hàng xóm. Một hôm, bị bệnh, chị đến một phòng khám ở thành phố. Người thư ký hỏi chị muốn gặp bác sĩ nào. Chị đáp:
- Cho tôi gặp bác sĩ khám l.
Người thư ký giật mình, nhưng ý nhị, anh nhắc khéo:
- Bác sĩ phụ khoa.
Chị người Tây ghi nhận bài học mới:
- Vâng, cho tôi gặp bác sĩ phụ khoa.
Khám xong; nghe bác sĩ dặn dò xong, chị người Tây cẩn thận hỏi:
- Như vậy, trong mấy ngày tới, tôi có đ. được không?
Bác sĩ cười, nhắc:
- Chị nên dùng chữ "giao hợp".
Chị người Tây cám ơn:
- Vâng, giao hợp.
Từ phòng khám ra ngoài đường, chị gặp một tên lái xe đi ẩu suýt đâm vào người chị. Chị la toáng lên. Tên thanh niên không những không xin lỗi mà còn cười hô hố. Tức quá, chị định phun ra cái câu chửi tục chị thường nghe chồng chị và hàng xóm người Việt của chị sử dụng. Tuy nhiên, nhớ lại hai bài học về ngôn ngữ mới toanh ở phòng khám vừa rồi, chị ứng dụng ngay. Và đây là câu chửi chị phun vào mặt tên thanh niên khả ố nọ:
- Giao hợp cái thằng mặt phụ khoa!
Câu chuyện ở trên hài hước vì người phụ nữ Tây phương mới học tiếng Việt ấy mắc lỗi đến hai lần: lần đầu, thay vì dùng từ thanh nhã, chị là dùng những chữ bị xem là thô tục; lần sau, thay vì nên dùng chữ thô tục để chửi thì chị lại dùng những chữ quá thanh nhã.
Cái sai của chị, như vậy, không nằm ở ngữ âm, từ vựng hay ngữ pháp mà là ở phong cách: Các từ chị dùng, tuy hoàn toàn chính xác, lại không hợp với ngữ cảnh. Chúng thành sai. Hơn nữa, sai một cách hài hước.
Xin thêm một ví dụ nữa: Trong các đoạn văn được xem là sai lầm đến ngô nghê của học sinh ở Việt Nam, tôi bắt gặp mấy câu này:
"Nhà em có nuôi một ông nội. Năm nay ông 70 tuổi. Ông nội em ăn rất khoẻ, lại còn biết trông nhà."
Đứng về phương diện ngữ pháp, mấy câu trên không hề sai. Nếu thay thế câu đầu tiên bằng câu "Nhà em có nuôi một con chó" hay "Nhà em có nuôi một người giúp việc" thì sao? Thì hoàn toàn đúng. Nhưng nếu viết "nhà em có nuôi một ông nội" thì lại có vấn đề. Vấn đề ấy nằm ở hai điểm: "nuôi" và "một". Bởi mỗi người chỉ có thể có một ông nội (ruột) nên số từ "một" đứng trước "ông nội" là thừa. Đó là cái sai về logic (cũng giống như câu cuối: "Ông nội em ăn rất khỏe, lại còn biết trông nhà"). Còn cái sai trong động từ "nuôi" thì rõ ràng thuộc phạm trù văn hóa.
Qua ba câu chuyện vừa kể, chúng ta thấy chuyện sử dụng ngôn ngữ để giao tiếp có cái gì phức tạp hơn là những điều chúng ta vẫn thường nghĩ.
Lâu nay, nói chung, nghĩ đến chuyện dạy ngôn ngữ, kể cả tiếng Việt cho người ngoại quốc hoặc cho trẻ em Việt Nam sinh ra và lớn lên ở ngoại quốc, chúng ta thường nghĩ đến việc rèn luyện cho các em bốn kỹ năng chính: nghe, nói, đọc và viết. Chúng ta thường chỉ bận tâm dạy các em cách phát âm, cách viết chính tả, ý nghĩa của các từ và cuối cùng, một số nguyên tắc đặt câu. Chúng ta cứ tưởng am hiểu tất cả các yếu tố ấy, các em sẽ có thể sử dụng thành thạo tiếng Việt.
Sự thật không phải vậy.
Không hiếm người Việt Nam học tiếng Anh ở mức độ tương đối khá nhưng lại không thể giao tiếp với người bản xứ được chỉ vì một tật: gặp ai cũng hỏi tuổi tác, nghề nghiệp, lương hướng; hứng nữa thì hỏi chuyện tôn giáo và đảng phái, vốn là những điều cấm kỵ trong nghi thức giao tế của người Tây phương.
Ngược lại, cũng không hiếm người Tây phương khi học tiếng Việt cũng than thở rất nhiều điều, chẳng hạn, người Việt rất ít chào hỏi nhưng lại hay hỏi chuyện tuổi tác và gia đình. Họ kể, cứ nghe những câu hỏi như vậy, họ lại khựng lại. Có cảm tưởng như sự riêng tư của mình bị vi phạm. Từ đó, có ấn tượng là người Việt Nam thiếu lịch sự. Câu chuyện, bởi vậy, bị ngắc ngứ ngay tức khắc.
Trong cả hai trường hợp, vấn đề đều không thuộc phạm trù kỹ năng ngôn ngữ (linguistic skills) mà là ở năng lực giao tiếp liên văn hóa (intercultural communicative competence): người Việt thì không biết văn hóa Tây phương trong khi người Tây phương học tiếng Việt thì lại không biết văn hóa Việt Nam.
Những khuyết điểm như vậy không phải chỉ xuất hiện ở những người Việt Nam học tiếng Tây phương hay người Tây phương học tiếng Việt Nam mà là ở hầu như tất cả mọi người học ngôn ngữ thứ hai. Tuy nhiên chỉ một vài hai thập niên gần đây giới nghiên cứu ngôn ngữ học mới nhận thức được điều ấy. Từ nhận thức ấy, người ta phát hiện trong cách dạy ngôn ngữ thứ hai trên khắp thế giới có rất nhiều điều bất cập. Một trong những bất cập ấy, nói theo Joseph Lo Bianco, một nhà hoạch định chính sách ngôn ngữ nổi tiếng của Úc, là, trong các lớp ngôn ngữ, chúng ta chỉ tập trung vào các yếu tố bên trong ngôn ngữ với từ vựng và các nguyên tắc ngữ pháp, mà quên đi những yếu tố bên ngoài của ngôn ngữ, như xã hội và văn hóa, nhất là văn hóa (1). Sự sao nhãng ấy là một sai lầm bởi, như nhiều nhà ngôn ngữ học, từ Elinor Ochs đến Bambi Schieffelin và Lessard-Clouston, đã phân tích: ngay từ đầu văn hóa và ngôn ngữ đã gắn bó đến mức không thể tách lìa được. Theo Claire Kramsch, trong cuốn Context and Culture in Language Education (1993), bất cứ sự giao tiếp nào với người nói một ngôn ngữ khác mình cũng đều là một thao tác văn hóa (culture act). Học ngôn ngữ, do đó, thực chất là học văn hóa. Nếu chúng ta chỉ dạy ngôn ngữ mà không dạy văn hóa, chúng ta đang dạy những ký hiệu hoặc là vô nghĩa hoặc mơ hồ đến độ học sinh sẽ hiểu hoàn toàn sai. (2)
Đó là lý do tại sao gần đây khái niệm “dạy ngôn ngữ” (language teaching) thường được gọi là “dạy ngôn ngữ liên văn hóa” (intercultural language teaching), ở đó, khái niệm “khả năng giao tiếp’ (communicative competence) được soi chiếu dưới lăng kính liên văn hóa (intercultural) hoặc xuyên văn hóa (cross-cutlural): Giao tiếp không còn là một hành động sử dụng ngôn ngữ thuần túy mà biến thành một nỗ lực tiếp cận với cái khác (otherness).
Chú thích:
- 1. Joseph Lo Bianco & Chantal Crozet (2003), Teaching Invisible Culture, Classroom Practice and Theory, Melbourne: Language Australia Ltd., tr. 26.
- 2. Xem thêm Teaching Language as Culture in the Foreign Language Classroom, luận án tiến sĩ của Kathleen J, Taylor đệ trình tại The University of Texas năm 2010. Đọc trên http://repositories.lib.utexas.edu/bitstream/handle/2152/ETD-UT-2010-08-1630/TAYLOR-DISSERTATION.pdf?sequence=1
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.