Trong bài “Cuối tuần: ngày của tiếng Việt”, tôi đã mô tả hình ảnh các lớp tiếng Việt ở thành phố Melbourne, Úc vào các ngày Thứ Bảy và Chủ nhật, lúc trên 10 ngàn học sinh Việt Nam, từ mẫu giáo đến lớp 12, ríu rít đến trường để học nói, học đọc và học viết tiếng Việt. Các học sinh ấy, cũng như vô số học sinh Việt Nam khác ở khắp nơi trên thế giới, là con em của chúng ta nên chúng ta dễ dàng hình dung các em như thế nào. Nhưng còn những người đang đứng dạy trong các lớp tiếng Việt ấy thì sao? Họ là ai?
Tại tiểu bang Victoria hiện nay có 247 thầy cô giáo dạy chính thức trong các trường tiếng Việt sắc tộc (ethnic schools). Ngoài những giáo viên “dạy chính thức” này, còn có một số khác khá đông, ít nhất cũng vài ba trăm, hoặc đang tập sự hoặc dạy theo chế độ phù động (casual), tức chỉ được mời dạy khi trường có nhu cầu. Ngoài ra, còn phải kể thêm vài trăm giáo viên hiện đang dạy trong các trường Sinh ngữ Victoria (Victorian Schools of Language, VSL), và một số khác nữa, ít nhất cũng vài ba trăm, đang dạy ở các trung tâm Việt ngữ thiện nguyện thường được tổ chức trong các cơ sở tôn giáo như chùa hay nhà thờ vốn không nằm dưới sự tài trợ và quản lý của Bộ Giáo dục... Tổng cộng, con số có lẽ lên khoảng 1000.
Những người ấy là ai?
Không phải ai trong chúng ta cũng đều biết câu trả lời. Ngay cả các bậc phụ huynh có con em đang học tiếng Việt cũng chưa chắc đã biết. Có nhiều lý do lắm. Thứ nhất, phần lớn các bậc phụ huynh, vào mỗi sáng Thứ Bảy hoặc Chủ Nhật chỉ thả con xuống sân trường rồi phóng xe về nhà hoặc đi chợ; sau đó, đến trưa mới đến đón về. Quan hệ giữa thầy cô và phụ huynh không phải lúc nào cũng gần gũi và thân mật. Thứ hai, hầu hết các thầy cô giáo tiếng Việt đều… không chuyên nghiệp. Họ dạy tiếng Việt một hay hai ngày cuối tuần. Những ngày còn lại, họ làm những nghề khác để kiếm sống. Bởi vậy, có thể nói chân dung của các thầy cô giáo tiếng Việt rất đa dạng; và vì quá đa dạng nên trở thành mơ hồ, thậm chí, bí ẩn.
Ở Việt Nam, nói đến thầy cô giáo, chúng ta có thể hình dung ra ngay họ là ai. Phần lớn họ đều tốt nghiệp từ các trường Sư phạm, hoặc là Cao đẳng Sư phạm (nếu dạy cấp 1 và cấp 2) hoặc là Đại học Sư phạm (nếu dạy cấp 3). Bằng cấp giống nhau, mức lương của các thầy cô giáo cùng cấp cũng giống nhau. Mức độ giàu nghèo giữa các thầy cô giáo cùng cấp, do đó, thường không quá lớn. Quần áo họ mặc có rất nhiều nét chung: giản dị và sạch sẽ.
Còn các thầy cô giáo tiếng Việt tại Úc? Qua việc tìm hiểu sơ bộ của chúng tôi từ việc tiếp xúc với các trung tâm Việt ngữ ở Melbourne, bằng cấp và ngành học của các thầy cô giáo tiếng Việt rất phức tạp. Không phải ai cũng học xong đại học. Với những người đã tốt nghiệp, nơi xuất thân của họ rất khác nhau: có người có bằng ở Việt Nam; có người có bằng ở Úc; có người có bằng cấp ở cả hai nơi. Ngành học của họ cũng khác nhau nữa: người này thì có bằng cử nhân computer, người nọ thì có bằng cử nhân kỹ sư, người kia thì có bằng cử nhân thương mại, v.v…
Rất ít người hiện là thầy cô giáo toàn thời. Phần lớn chỉ dạy tiếng Việt vào hai ngày cuối tuần. Những ngày còn lại, họ làm gì? Cũng không có câu trả lời chung nhất. Có người làm trong các công ty kỹ thuật hay thương mại của Úc. Có người làm việc ở nhà trẻ. Có người là thư ký ở các phòng mạch, các văn phòng luật sư, các văn phòng kế toán. Có người may vá ở nhà. Cũng có người thất nghiệp, chỉ ở nhà chăm sóc con cái, cuối tuần đi dạy kiếm thêm ít tiền thu nhập.
Điểm chung là hầu hết đều yêu tiếng Việt và yêu nghề dạy học. Chuyện trò với các thầy cô giáo tiếng Việt, tôi nhận thấy họ đều nói về nghề dạy học một cách vô cùng tha thiết. Họ đều muốn thế hệ trẻ duy trì tiếng Việt. Nhiều người xem đó như một sứ mệnh thiêng liêng. Bởi vậy, họ thường chấp nhận khá nhiều vất vả để theo đuổi việc dạy học.
Những người ngoài nghề thường tưởng dạy học là một công việc nhàn hạ. Sự thật không phải như vậy đâu. Ngoài thì giờ đứng lớp, bất cứ giáo viên nào cũng mất rất nhiều thì giờ cho công việc chuẩn bị bài vở (bao gồm bài giảng và bài tập), cho công việc chấm bài, việc họp hành trong trường và việc…tu nghiệp.
Theo quy định của Bộ Giáo dục Úc, bất cứ thầy cô giáo tiếng Việt nào cũng cần phải tham dự các khoá tu nghiệp về phương pháp giảng dạy tiếng Việt. Quy định như vậy là điều hợp lý. Bởi không phải người nào giỏi tiếng Việt cũng đều có thể dạy được tiếng Việt. Dạy học cần có những thứ kỹ năng khác. Dạy tiếng Việt tại Úc cũng như ở các quốc gia khác ở hải ngoại không giống dạy tiếng Việt ở Việt Nam. Nhiều người thường tự hào: ở Việt Nam, tôi đã từng dạy học, dạy môn Văn đàng hoàng; qua đây, tôi thừa sức dạy tiếng Việt. Sự thật không phải vậy. Không ít các thầy cô giáo dạy Văn từ Việt Nam sang thất bại thảm hại. Điều kiện xã hội và văn hoá khác nhau, trình độ học sinh khác nhau, phương pháp giảng dạy cũng khác hẳn nhau. Ở Việt Nam, tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ, là ngôn ngữ thứ nhất. Tại Úc, tiếng Việt bị biến thành ngôn ngữ thứ hai, sau tiếng Anh; và là một thứ ngôn ngữ cộng đồng với một phạm vi sử dụng giới hạn: trong gia đình và với một số đồng hương ít ỏi.
Chính vì vậy, việc tu nghiệp phương pháp giảng dạy tiếng Việt như một ngôn ngữ thứ hai là một nhu cầu cấp thiết. Công việc tu nghiệp ấy thường được Bộ Giáo dục nhờ các Khoa ngôn ngữ ở các trường đại học đảm nhiệm. Ví dụ tại Melbourne, các trường Victoria University, Monash, La Trobe và RMIT thường được giao phó cho công việc này. Trường Monash đào tạo các giáo viên ngôn ngữ nói chung; trường RMIT chuyên đào tạo các giáo viên tiếng Hoa; trường La Trobe đào tạo các giáo viên tiếng Hy Lạp; còn trường Victoria University đào tạo các giáo viên tiếng Việt. (Ban Việt Học trường Victoria University cũng thường được mời tổ chức các khoá tu nghiệp sư phạm cho giáo viên ở các tiểu bang khác.)
Không có gì thú cho bằng học phương pháp giảng dạy ngôn ngữ, trong đó có tiếng Việt, bằng… tiếng Việt. Chương trình khoá học vẫn đạt “yêu cầu” quốc gia; nội dung giảng dạy vẫn là những kiến thức mới nhất trong ngành, được ứng dụng trong việc giảng dạy hầu hết các ngôn ngữ khác, kể cả tiếng Anh, nhưng phương tiện truyền thông trong lớp lại là tiếng Việt. Từ giảng viên đến các thầy cô giáo tham dự đều nói tiếng Việt. Bài giảng, bài đọc thêm và bài tập làm trong lớp cũng như ở nhà đều bằng tiếng Việt. Quan hệ trong lớp không khác gì Việt Nam. Các thầy cô giáo, ở nơi họ dạy là thầy cô giáo, đến lớp tu nghiệp, đều gọi các giảng viên là “thầy” và là “cô”.
Từ gần 10 năm nay, Ban Việt học thuộc Victoria University, được sự tài trợ của Bộ Giáo dục, thông qua Hiệp hội các trường Sắc tộc tiểu bang Victoria, thường xuyên tổ chức các khóa tu nghiệp như thế. Mỗi năm trung bình có 3 hay 4 khóa. Khóa nào cũng có khoảng từ 20 đến 30 giáo viên tham dự. Bởi vậy, có thể nói nguồn nhân lực bổ sung cho số giáo viên tiếng Việt ít nhất tại thành phố Melbourne, hầu như không bao giờ cạn.
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.