Lời tác giả:
Tôi được mời tham dự cuộc hội nghị quốc tế về đề tài "Điển phạm và cái khác trong các nền văn hóa ngoài phương Tây" (Canonicity and Otherness of Non-Western Culture" do trường Korea University tổ chức tại Seoul trong hai ngày 29 và 30 tháng 9. Trong cuộc hội nghị, tôi trình bày một bài thuyết trình chính, "Tính chính trị của việc điển phạm hóa trong văn học Việt Nam" (The politics of canonization in Vietnamese literature", và một bài thuyết trình phụ nhưng nặng về lý thuyết hơn, như một đề dẫn cho một cuộc thảo luận mang chủ đề "Điển phạm hóa và chính trị" (Canonization and politics). Chưa có thì giờ để dịch hai bài thuyết trình này sang tiếng Việt, tôi xin giới thiệu một bài viết về điển phạm đã được in trong cuốn Mấy vấn đề phê bình và lý thuyết văn học (Văn Mới xuất bản năm 2007). Bài viết khá dài nên tôi xin được chia thành bốn phần. Đây là phần thứ nhất. NHQ
Hai khuyết điểm thường thấy nhất trong các bài viết về văn học bằng tiếng Việt là: thứ nhất, người ta hay lẫn lộn giữa các phạm trù: giữa văn học và các yếu tố phi văn học như báo chí, chính trị, đạo đức hay các loại hình thông tin và giải trí khác cũng sử dụng ngôn ngữ; thứ hai, người ta tưởng văn học là cái gì có sẵn, nhất thành bất biến, hay nói theo cách nói quen thuộc ở Việt Nam, là vượt thời gian và vượt không gian, để theo đó, người ta có thể bảo chứng giá trị cho mọi hiện tượng văn học cũ và đánh giá mọi hiện tượng văn học mới xuất hiện.
Những cách hiểu sai lạc về điển phạm
Khuyết điểm thứ nhất xuất phát từ sự thiếu ý thức về điển phạm trong khi khuyết điểm thứ hai xuất phát từ cách hiểu mơ hồ và sai lạc về điển phạm. Cả hai khuyết điểm đều gắn liền với điển phạm (canon) và tính điển phạm (canonicity).
Nếu khuyết điểm thứ nhất thường chỉ gặp ở những người kém hiểu biết về văn học; khuyết điểm thứ hai lại dễ dàng bắt gặp ở khắp nơi, kể cả ở những tên tuổi lừng lẫy nhất. Một trong những tên tuổi ấy là Nhất Linh, người được đông đảo độc giả cũng như giới nghiên cứu và phê bình xem không phải chỉ là một trong những nhà văn xuất sắc nhất mà còn là một trong những người đi tiên phong trong quá trình hiện đại hoá văn học Việt Nam trong thế kỷ 20. Chính cái ông Nhất Linh ấy, vào những năm cuối đời, khi tổng kết kinh nghiệm của gần nửa thế kỷ đọc sách và gần ba mươi năm viết sách của mình, đã đi đến kết luận là: “Một cuốn sách hay phải có giá trị trong không gian và thời gian.” (1) Nói cách khác, theo Nhất Linh, một cuốn sách hay là một cuốn sách ở đâu cũng hay và thời nào cũng hay.
Tôi thực tình không muốn xúc phạm đến Nhất Linh, người mà tôi rất kính phục, tuy nhiên, tôi lại không thể tự dối mình để không nói ra sự thật này: khi lý thuyết hoá quan điểm văn học của mình, Nhất Linh hoàn toàn không đáng tin cậy. Cuốn Viết và đọc tiểu thuyết được hoàn tất trong tinh thần kinh nghiệm chủ nghĩa chứ không phải kết quả của quá trình nghiên cứu nghiêm túc về tiểu thuyết. Lại là kinh nghiệm của một thời vang bóng. Hình như Nhất Linh không biết cả những điều căn bản trong lý thuyết văn học, do đó, ông tưởng quan niệm cho “một áng danh văn bao giờ cũng hỗn hợp được hai phần tử: bổ ích và làm vui” (2) là của Ðặng Thai Mai, trong khi, thật ra, đó là quan niệm của Horace, nhà thơ và triết gia cổ đại, tác giả cuốn Ars Poetica, sau này trở thành một trong những luận điểm nòng cốt của chủ nghĩa tân cổ điển vốn rất thịnh hành ở Tây phương từ giữa thế kỷ thứ 17 đến cuối thế kỷ 18 (3). Không những không biết các lý thuyết văn học Tây phương, hình như ông cũng không biết cả những cuộc tranh luận mang tính lý thuyết văn học ở Việt Nam, do đó, ông tỏ ý tâm đắc với các ý kiến của Ðặng Thai Mai về cuộc tranh luận nghệ thuật vị nghệ thuật và nghệ thuật vị nhân sinh,(4) trong khi, thật ra, bản thân Ðặng Thai Mai hình như cũng không thực sự quan tâm và tìm hiểu kỹ về cuộc tranh luận ấy, cho nên, ông viết về nó một cách sai lạc, ngay cả ở những chi tiết có tính chất sự kiện dễ kiểm chứng nhất. Ví dụ, Ðặng Thai Mai cho cuộc tranh luận về vấn đề nghệ thuật vị nghệ thuật và nghệ thuật vị nhân sinh nổ ra cách thời điểm ông viết cuốn Văn học khái luận (1943) là “độ mười lăm năm”, trong khi, thật ra, chỉ cách có tám năm. Ông cũng cho cuộc tranh luận ấy kéo dài “trong mấy tháng trời rồi một ngày kia hai bên đều...im”, (5) trong khi, thật ra, nó kéo dài ít nhất hai năm rưỡi, chia làm hai giai đoạn: từ năm 1935 đến năm 1936 giữa một bên là Hải Triều và một bên là Hoài Thanh và Thiếu Sơn, và, sau hai năm im lặng, lại bùng nổ vào năm 1939, giữa một bên là Hồ Xanh, Hải Thanh, Hải Khách, Phan Văn Hùm, Bùi Công Trừng, v.v... và một bên là Lưu Trọng Lư, Lê Tràng Kiều và Lan Khai, v.v...
Ðiều thú vị là cả Ðặng Thai Mai lẫn Nhất Linh, một người là lý thuyết gia hàng đầu của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam và một người là thủ lãnh của phong trào hiện đại hoá văn học Việt Nam trong thập niên 1930, lại chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa tân cổ điển rất nặng nề. Ðặng Thai Mai thì chịu ảnh hưởng ở quan niệm về chức năng văn học như vừa nhắc, còn Nhất Linh thì chịu ảnh hưởng ở niềm tin vào tính vĩnh cửu của cái hay và cái đẹp.
Quả thật, theo gót các triết gia cổ đại Hy Lạp, đặc biệt Plato và Aristotle, các lý thuyết gia tân cổ điển tin, một là, văn học thực chất chỉ là một sự mô phỏng (mimesis), trước hết, là một sự mô phỏng tự nhiên; sau, là một sự mô phỏng những tác giả cổ điển, những người mô phỏng tự nhiên một cách thành công; hai là, tự nhiên, trong đó có bản tính con người, là những gì có tính phổ quát, ở đâu và lúc nào cũng giống nhau, do đó, các tác giả xuất sắc có thể tạc khắc được những điển hình bất biến; cuối cùng, phản ánh những sự thật vĩnh cửu như thế, văn học sẽ trường tồn mãi với thời gian.(6)
Điển phạm: một phạm trù lịch sử
Những niềm tin vào tính vĩnh cửu và tính phổ quát của điển phạm đã bị hầu như toàn bộ các lý thuyết và trào lưu văn học từ đầu thế kỷ 19 về sau nhất loạt bác bỏ. Chủ nghĩa hiện thực bác bỏ nó khi tập trung vào việc phản ánh những hiện thực xã hội không ngừng bị tác động bởi các yếu tố kinh tế và chính trị vốn luôn luôn thay đổi. Chủ nghĩa lãng mạn bác bỏ nó khi tập trung vào các cao trào của cảm xúc và những cuộc phiêu lưu bất tận của trí tưởng tượng. Chủ nghĩa siêu thực và chủ nghĩa hiện đại nói chung bác bỏ nó khi tập trung vào những điều hầu như bất khả tái hiện. Các trường phái phê bình trong nửa sau thế kỷ 20 cũng đồng loạt bác bỏ tính chất vĩnh cửu của các điển phạm. Từ chủ nghĩa hậu cấu trúc đến hậu thực dân, tân duy sử (new historicism), nữ quyền luận, thuyết hồi ứng của người đọc (reader-response theories), thuyết lệch pha (queer theory) và diễn ngôn của những nhóm người thiểu số (minority discourse), v.v... tất cả đều, khác với các quan điểm văn học trước đây, xem điển phạm chỉ là sản phẩm của một nền văn hoá nào đó, bởi vậy, có tính lịch sử: chúng hình thành trong một số điều kiện kinh tế, chính trị và xã hội nhất định, và khi những điều kiện ấy thay đổi, chúng cũng thay đổi theo.
Chủ nghĩa hậu hiện đại lại càng bác bỏ quan niệm về tính vĩnh cửu và tính phổ quát của điển phạm vì rất nhiều lý do, trong đó, lý do quan trọng nhất là, người ta tin những cái gọi là các giá trị vĩnh hằng của nhân loại chỉ là những siêu tự sự (metanarrative) do con người tạo ra nhằm hợp thức hoá quan điểm và sau đó, quyền lợi của chính mình mà thôi. Dưới cái nhìn của các lý thuyết gia hậu hiện đại chủ nghĩa, điển phạm chỉ là một hình thức siêu tự sự được dùng để hỗ trợ nền văn hoá trưởng giả, củng cố nền mỹ học trưởng giả và cuối cùng, duy trì quyền lực của giai cấp trưởng giả. Khi các nhà hậu hiện đại đề cao phi tâm hoá, họ cũng đồng thời tương đối hoá giá trị của các điển phạm ấy: chúng không còn nằm ở vị trí trung tâm nữa; chúng được xem như ngang hàng với nhiều loại điển phạm khác mới nổi lên hoặc mới được công nhận từ các vùng ngoại biên, trước đây vẫn thường bị quên lãng, như các cây bút phụ nữ hoặc đồng tính luyến ái hoặc thuộc các sắc tộc thiểu số và các cộng đồng di dân, v.v...(7)
Lý thuyết hậu thực dân lại càng bác bỏ tính vĩnh cửu và tính phổ quát của điển phạm mtộ cách mạnh mẽ hơn nữa: tất cả những cái gọi là tính vĩnh cửu và tính phổ quát ấy, thật ra, chỉ là sản phẩm của chủ nghĩa đế quốc, là sự phóng đại bảng giá trị riêng của phương Tây, biến phương Tây thành thế giới mà thôi.
Tuy nhiên, có lẽ sự giống nhau giữa các lý thuyết về tính điển phạm chỉ dừng lại ở đó. Ði sâu vào mức độ thay đổi cũng như những tác nhân gây nên những sự thay đổi ấy, không những các lý thuyết mà từng lý thuyết gia lớn đều có những cách lý giải khác hẳn nhau. Ðiều này, một mặt, biến điển phạm thành một trong những đề tài nóng bỏng nhất và phổ biến nhất trong các cuộc tranh luận văn học; mặt khác, làm cho điển phạm trở thành một trong những ám ảnh day dứt ẩn khuất đằng sau mọi công tác phê bình: phê bình chủ yếu được xem là một cách khẳng định hay tái khẳng định tính điển phạm của một tác phẩm nào đó.
Nhưng, trước hết, điển phạm là gì?
Xin được trả lời câu hỏi ấy ở kỳ tới.
Chú thích:
1. Nhất Linh (1960), Viết và đọc tiểu thuyết; in lại trong Vương Trí Nhàn (sưu tầm) (1996), Khảo về tiểu thuyết, Hà Nội: Nxb Hội nhà văn, tr. 368.
2. Như trên, tr. 357.
3. Xem Irène Simon (biên tập) (1971), Neo-classical criticism, 1660-1800, London: Edward Arnold, tr. 40-45.
4. Nhất Linh (1960), sđd, tr. 356.
5. Ðặng Thai Mai (149), Văn học khái luận, Sài Gòn: Liên hiệp xuất bản cục (xuất bản lần đầu năm 1944 trong Tủ sách Tân Văn Hoá của nhóm Hàn Thuyên), tr. 34.
6. Xem Irène Simon (biên tập) (1971), sđd.
7. Xem thêm Lars Ole Sauerberg (1997), Versions of the Past – Versions of the Future, London: Macmillan Press, tr. 179-182.
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.