Đường dẫn truy cập

Tính chất đa kích thước của điển phạm (4)


ຫີບຊາກກະດູກແລະສິ່ງເສດເຫລືອທະຫານອາເມຣິກັນ ທີ່ຄົ້ນພົບແລ້ວສົ່ງກັບສະຫະລັດ
ຫີບຊາກກະດູກແລະສິ່ງເສດເຫລືອທະຫານອາເມຣິກັນ ທີ່ຄົ້ນພົບແລ້ວສົ່ງກັບສະຫະລັດ

Lời tác giả: Tôi được mời tham dự cuộc hội nghị quốc tế về đề tài "Điển phạm và cái khác trong các nền văn hóa ngoài phương Tây" (Canonicity and Otherness of Non-Western Culture" do trường Korea University tổ chức tại Seoul trong hai ngày 29 và 30 tháng 9. Trong cuộc hội nghị, tôi trình bày một bài thuyết trình chính, "Tính chính trị của việc điển phạm hóa trong văn học Việt Nam" (The politics of canonization in Vietnamese literature", và một bài thuyết trình phụ nhưng nặng về lý thuyết hơn, như một đề dẫn cho một cuộc thảo luận mang chủ đề "Điển phạm hóa và chính trị" (Canonization and politics). Chưa có thì giờ để dịch hai bài thuyết trình này sang tiếng Việt, tôi xin giới thiệu một bài viết về điển phạm đã được in trong cuốn Mấy vấn đề phê bình và lý thuyết văn học (Văn Mới xuất bản năm 2007). Bài viết khá dài nên tôi xin được chia thành bốn phần. Đây là phần thứ thứ tư và cũng là phần cuối cùng.NHQ

***

Từ năm 1945 về sau, với chủ trương đề cao tính dân tộc và tính đại chúng, giới nghiên cứu và phê bình văn học Mác-xít đã đưa một số tác giả cổ vào hệ thống điển phạm cũng như đã loại bỏ không ít tên tuổi lớn khác.

Nhưng không phải cứ hễ chính quyền muốn là có thể tạo ra được những điển phạm mới. Ở đây quyền lực chính trị rõ ràng là có giới hạn.

Thứ nhất, sau gần cả nửa thế kỷ bị chính phủ xã hội chủ nghĩa loại trừ, tất cả các tên tuổi vừa kể đều sống hùng và sống mạnh trong trí nhớ của quần chúng và lịch sử văn học. Chỉ đợi đến khi chính phủ chủ trương đổi mới, từ bỏ cách nhìn hẹp hòi và chuyên chế trong lãnh vực văn học, những cây bút một thời từng bị loại trừ bỗng hồi sinh, thu hút sự chú ý của giới phê bình và nghiên cứu cũng như quần chúng nói chung hầu như ngay tức khắc.

Thứ hai, cũng trong suốt cả mấy chục năm, từ đầu thập niên 1950 trở đi, chính quyền, với sự hỗ trợ của cả hệ thống giáo dục, hệ thống báo chí, hệ thống phê bình thư lại, đã cố gắng tạo dựng lên một hệ thống điển phạm mới trên nền tảng của tính đại chúng và tính chính trị gắn liền với những tên tuổi như Sóng Hồng, Lê Ðức Thọ, Xuân Thuỷ, Chu Văn, Ðào Vũ, Hoàng Trung Thông, v.v... Tác phẩm của họ được giảng dạy trong nhà trường, từ trung học lên đại học, được tuyên dương trong hết công trình phê bình này đến công trình biên khảo khác. Kết quả ra sao? Chỉ một thời gian ngắn sau khi chính sách đổi mới được công bố, tất cả hào quang vây quanh các “điển phạm” ấy, cứ như là khói, tan nhanh không thể tưởng: đến giờ, chắc không mấy người còn nhớ những tên tuổi ấy đã từng viết những gì.

Tính đa kích thước của điển phạm

Như vậy, mặc dù có tính “nhân tạo”, bất cứ điển phạm nào cũng hàm chứa những giá trị tự thân. Tính chất thẩm quyền của chúng, một mặt, xuất phát từ, hoặc được ủng hộ bởi, sự tương liên về ý thức hệ và thị hiếu của cả cộng đồng chung quanh cũng như sự tương hợp trong các điều kiện kinh tế, chính trị và xã hội của thời đại; mặt khác, gắn liền với “tính toàn bích” về phương diện nghệ thuật. Một tác phẩm được xem là điển phạm nhất thiết phải là một thành tựu xuất sắc nhất của một hệ mỹ học nhất định, phải trở thành một điển hình cho chính cái hệ mỹ học ấy, phải hội tụ trong nó những phẩm chất cao quý nhất của cả một trào lưu hay một giai đoạn lịch sử. Nhờ những đặc điểm này, điển phạm sẽ lớn hơn chính bản thân nó: Nó vừa là nó lại vừa là thời đại của nó; nó vừa là tác phẩm của một cá nhân lại vừa là một sản phẩm của cộng đồng, thậm chí, một dân tộc.

Tính chất đa kích thước này làm cho các điển phạm không những có khả năng tồn tại qua thời gian mà còn có khả năng trương nở và hoá thân theo thời gian. Truyện Kiều, chẳng hạn, trong cách đọc của chúng ta hiện nay, chắc chắn khác rất xa Truyện Kiều trong cách đọc của Phạm Quỳnh và lại càng khác hơn nữa cái Truyện Kiều trong cách đọc của những người đồng thời với Nguyễn Du. Cùng một văn bản, nhưng Truyện Kiều, với tư cách là một tác phẩm văn học, hiện có thêm độ dày của cả hai thế kỷ, độ sâu của một nền văn hoá có nhiều tương tác với thế giới bên ngoài, độ đậm của tinh thần duy mỹ ít nhiều mang tính hình thức chủ nghĩa, và chiều rộng của tầm nhìn bao quát nhiều lý thuyết và nhiều phương pháp luận khác nhau khi phân tích cũng như khi diễn dịch. Khả năng trương nở và hoá thân này, đến lượt chúng, làm cho các điển phạm vượt ra ngoài tầm kỳ vọng (horizon of expectation) của người đọc, lúc nào cũng hứa hẹn những bất ngờ và tồn tại như một thách thức đối với mọi thế hệ. Trong ý nghĩa này, điển phạm mang tính lịch sử không phải chỉ vì chúng là sản phẩm của một giai đoạn lịch sử nhất định mà bởi vì bản thân sự tồn tại của chúng cũng là một lịch sử, một lịch sử nhận thức của cả một cộng đồng văn học. Cũng chính trong ý nghĩa này, điển phạm từ một cái gì thuộc về quá khứ trở thành một cái gì đó thuộc về hiện tại và tương lai, từ một di sản, chúng trở thành một dự phóng.

Trong quá trình được phát hiện và hoá thân liên lỉ của các điển phạm, các nhà phê bình sẽ đóng một vai trò cực lớn. Mối quan hệ giữa phê bình và điển phạm là mối quan hệ sinh tử cho cả hai bên: không thể có phê bình nếu không có điển phạm và ngược lại, cũng sẽ không thể có điển phạm nếu không có phê bình. Nói như vậy cũng tức là muốn nói: phê bình không phải chỉ là chuyện khen chê cuốn truyện này hay tập thơ nọ; bản chất của phê bình nằm ở việc phát hiện, tái phát hiện hay tân tạo các điển phạm.

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Nguyễn Hưng Quốc

    Nhà phê bình văn học, nguyên chủ bút tạp chí Việt (1998-2001) và đồng chủ bút tờ báo mạng Tiền Vệ (http://tienve.org). Hiện là chủ nhiệm Ban Việt Học tại trường Đại Học Victoria, Úc. Đã xuất bản trên mười cuốn sách về văn học Việt Nam.

Đường dẫn liên quan

VOA Express

XS
SM
MD
LG