Đường dẫn truy cập

Điển phạm ở Việt Nam (3)


Điển phạm ở Việt Nam (3)
Điển phạm ở Việt Nam (3)

Lời tác giả: Tôi được mời tham dự cuộc hội nghị quốc tế về đề tài "Điển phạm và cái khác trong các nền văn hóa ngoài phương Tây" (Canonicity and Otherness of Non-Western Culture" do trường Korea University tổ chức tại Seoul trong hai ngày 29 và 30 tháng 9. Trong cuộc hội nghị, tôi trình bày một bài thuyết trình chính, "Tính chính trị của việc điển phạm hóa trong văn học Việt Nam" (The politics of canonization in Vietnamese literature", và một bài thuyết trình phụ nhưng nặng về lý thuyết hơn, như một đề dẫn cho một cuộc thảo luận mang chủ đề "Điển phạm hóa và chính trị" (Canonization and politics). Chưa có thì giờ để dịch hai bài thuyết trình này sang tiếng Việt, tôi xin giới thiệu một bài viết về điển phạm đã được in trong cuốn Mấy vấn đề phê bình và lý thuyết văn học (Văn Mới xuất bản năm 2007). Bài viết khá dài nên tôi xin được chia thành bốn phần. Đây là phần thứ ba. NHQ

***

Tính phân biệt, thậm chí, kỳ thị trong quá trình hình thành và vận động của các điển phạm cũng có thể được tìm thấy ở Việt Nam.

Rất dễ thấy, trong suốt thời Trung đại, từ thế kỷ 10 đến giữa thế kỷ 19, hầu hết các điển phạm đều đến từ Trung Quốc; chỉ có một số ít, không được xem là điển phạm chính thống, có nguồn gốc Việt Nam, trong đó ưu thế, thứ nhất, thuộc hẳn về những tác phẩm được viết bằng chữ Hán, thứ chữ vay mượn từ Trung Quốc, và thứ hai, thuộc hẳn về nam giới. Ưu thế thứ nhất đã rõ: trong hầu hết các tuyển tập văn học thời cổ, dòng văn học bằng chữ Nôm đều bị loại trừ. Ưu thế thứ hai cũng khá hiển nhiên.

Thì cứ nhìn lại văn học Việt Nam ngày xưa thì thấy. Trong số các tên tuổi lớn thời Trung đại, có ba người là phụ nữ: Ðoàn Thị Ðiểm, Hồ Xuân Hương và bà huyện Thanh Quan. Ðiểm chung của ba người là, về phương diện văn học, ai cũng có tài năng thật cao, thật lẫy lừng, nhưng về phương diện lịch sử, ai cũng có vấn đề, gắn liền với những “nghi án” kéo dài hầu như bất tận: với Ðoàn Thị Ðiểm, đó là nghi án về bản dịch Chinh phụ ngâm khúc; với Hồ Xuân Hương và bà huyện Thanh Quan, toàn bộ con người, cuộc đời và tác phẩm đều bị đặt thành nghi vấn: cho đến gần đây, người ta không biết tên thật của bà huyện Thanh Quan và không ít người phân vân về chính sự hiện hữu của một người có tên gọi là Hồ Xuân Hương.

Tại sao có những hiện tượng lạ lùng như thế? Câu trả lời tương đối dễ: những người sống cùng thời với họ không công nhận tư cách nhà thơ của họ, và vì không công nhận nên cũng không hề quan tâm đến sự hiện hữu của họ trong thế giới văn học. Tài năng của họ dẫu có cao ngất đi nữa thì họ cũng bị xem như những kẻ ngoại đạo, tác phẩm của họ không được phép trở thành các điển phạm. Quan niệm bất công này chỉ thực sự bị lung lay từ đầu thế kỷ 20, khi, dưới ảnh hưởng của Tây phương, vai trò của phụ nữ dần dần được tôn trọng.

Những thập niên đầu tiên của thế kỷ 20 cũng là thời gian các điển phạm văn học được định hình. Lâu nay, khi nghiên cứu về văn học Việt Nam thế kỷ 20, giới nghiên cứu ít khi chú ý đến hai thập niên đầu tiên; nếu chú ý, hầu như chỉ đặc biệt chú ý đến sự nảy nở của chủ nghĩa quốc gia qua hiện tượng Ðông Kinh nghĩa thục, thơ văn của các nho sĩ cách mạng như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, v.v..., sự thịnh phát của báo chí quốc ngữ mà hai thành tựu lớn nhất là tờ Ðông Dương (1913-19) và tờ Nam Phong (1917-34) cũng như sự thịnh phát của nền văn học quốc ngữ, đặc biệt sự ra đời của tiểu thuyết và kịch nói. Rất hiếm, nếu không muốn nói là chưa có ai để ý đến sự kiện này: chính trong hai thập niên đầu tiên của thế kỷ 20, những điển phạm của nền văn học Việt Nam hiện đại đã được khai sinh và có ảnh hưởng cực kỳ sâu rộng cho đến tận ngày nay.

Lý do dẫn đến việc khai sinh hệ thống điển phạm hiện đại là những thay đổi ít nhiều mang tính đột biến trong các lãnh vực kinh tế, chính trị, xã hội và văn hoá tại Việt Nam. Thuộc lãnh vực văn hoá, có hai yếu tố cực kỳ quan trọng: thứ nhất, sự phát triển của hệ thống xuất bản và phát hành giúp sách báo trở thành những món hàng có giá trị thương mại cao và sức phổ cập sâu rộng, từ đó, hình thành một lớp tác giả, bao gồm cả giới sáng tác lẫn giới phê bình, chuyên nghiệp; và thứ hai, sự phát triển của hệ thống giáo dục thế tục dựa trên ngôn ngữ quốc gia, được mọi người sử dụng rộng rãi. Cả hai yếu tố trên góp phần đẩy mạnh nền văn học bằng thoại ngữ (vernacular), nhờ đó, văn học Việt Nam thoát khỏi áp lực của chữ Hán, và cùng với chữ Hán, hệ thống điển phạm từ Trung Quốc. Ngay trong phạm vi văn học bằng chữ Hán, hệ thống điển phạm cũng ít nhiều thay đổi: trước, điển phạm thuộc triết học thời Chiến Quốc, phú thời nhà Hán, thơ thời nhà Ðường, và từ thời nhà Tống; sau, chủ yếu là tiểu thuyết thời Minh Thanh, trong đó, nổi bật nhất là các bộ Tam quốc chí diễn nghĩa, Tây Sương ký, Ðông Chu liệt quốcThuỷ hử. Sự hoán ngôi này rõ ràng có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của thể tự sự, đặc biệt từ các cây bút gốc miền Nam, từ Nguyễn Chánh Sắt đến Hồ Biểu Chánh.

Trong văn học hai thập niên đầu thế kỷ 20, nhân vật trung tâm chắc chắn là Phạm Quỳnh. Trong sự nghiệp Phạm Quỳnh, sự kiện gây nhiều tranh cãi nhất chắc chắn là việc ông công khai và nồng nhiệt xiển dương Truyện Kiều. Trước, đã có nhiều người yêu Truyện Kiều, tuy nhiên, có lẽ chỉ từ Phạm Quỳnh mới bùng nổ phong trào sùng bái Truyện Kiều có tầm vóc quy mô toàn quốc như vậy. Nhiều người cho động cơ thúc đẩy Phạm Quỳnh làm như vậy là những động cơ chính trị: chuyển sự quan tâm của giới trí thức từ lãnh vực chính trị sang lãnh vực văn hoá, và biến nhiệm vụ cứu nước thành nhiệm vụ bảo tồn ngôn ngữ. Riêng tôi, tôi không quan tâm đến cái gọi là “động cơ”: đó là lãnh vực của các công an văn hoá. Giới nghiên cứu và phê bình văn học, nhất là giới phê bình văn học, chỉ tập trung vào những điều các tác giả thực hiện chứ không phải những ước muốn hay dụng ý âm thầm phía sau.

Ðiều Phạm Quỳnh đã thực hiện được là gì? Là, ông nỗ lực xây dựng một hệ thống điển phạm mới cho nền văn học Việt Nam. Trong hệ thống các điển phạm ấy, Phạm Quỳnh chọn Truyện Kiều làm một trung tâm. Phạm Quỳnh phát biểu rõ quan niệm của ông:

“Một nước không thể không có quốc hoa, Truyện Kiều là quốc hoa của ta; một nước không thể không có quốc tuý, Truyện Kiều là quốc tuý của ta; một nước không thể không có quốc hồn, Truyện Kiều là quốc hồn của ta. Truyện Kiều là cái “văn tự” của giống Việt Nam ta đã “trước bạ” với non sống đất nước này.” (1)

Dưới ảnh hưởng của Phạm Quỳnh, nhiều học giả đã tập trung công sức viết về Truyện Kiều; nhờ đó, một mặt, Truyện Kiều vốn đã phổ biến lại càng phổ biến hơn nữa, mặt khác, chiếm một vị trí trung tâm trong chương trình giáo dục văn học các cấp. Hơn nữa, dần dần Truyện Kiều còn trở thành trung tâm trong hệ thống đầy đẳng cấp của các điển phạm văn học Việt Nam. Nếu trung tâm của các điển phạm Tây phương, theo Harold Bloom, là Shakespeare; (2) trung tâm của các điển phạm Trung Hoa, theo các quy ước chung lâu nay, thuộc về các tác phẩm của Lý Bạch và Ðỗ Phủ, trung tâm của các điển phạm Việt Nam, không còn hoài nghi gì nữa, chính là Truyện Kiều. Nhưng khi ghi nhận vị trí trung tâm của Trung Kiều trong các điển phạm Việt Nam, chúng ta không thể không ghi công của Phạm Quỳnh với tư cách là một nhà phê bình, thậm chí có thể xem là nhà phê bình có ý thức nhất về mục tiêu cũng như về quyền lực phê bình của mình.

Cần lưu ý là quá trình điển phạm hoá Truyện Kiều được tiến hành nhanh chóng và đạt được kết quả lớn lao đến độ, từ đầu thập niên 1940 trở về sau, ngay cả những nhà chính trị sùng kính Ngô Ðức Kế và Huỳnh Thúc Kháng nhất cũng không thể theo gót hai ông phỉ báng Truyện Kiều.

Từ năm 1945 về sau, với chủ trương đề cao tính dân tộc và tính đại chúng, giới nghiên cứu và phê bình văn học Mác-xít đã có công đưa một số tác giả cổ vào hệ thống điển phạm Việt Nam, trong đó, đáng kể nhất là Nguyễn Trãi và Cao Bá Quát, hai tài năng lớn đồng thời cũng là hai nạn nhân thảm khốc của chế độ phong kiến: cả hai đều bị tru di tam tộc. Nhưng cũng vì quá đề cao tính dân tộc và tính đại chúng, họ lại loại trừ ra khỏi hệ thống điển phạm không ít tên tuổi lớn, từ các cây bút cung đình như Minh Mạng, Tự Ðức, Tuy Lý Vương và Tùng Thiện Vương đến Nguyễn Công Trứ, Dương Khuê và những nhà văn ít nhiều hợp tác với Pháp như Trương Vĩnh Ký, Tôn Thọ Tường, Hồ Biểu Chánh, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, hay những người nằm ngoài cái gọi là ý thức hệ vô sản như nhóm Tự Lực văn đoàn cũng như cả phong trào Thơ Mới thời 1932-45 nói chung, v.v...

***

Chú thích:

1. Phạm Quỳnh, “Bài diễn thuyết bằng quốc văn”, Tạp chí Nam Phong số 86, tháng 8.1924; in lại trong Nguyễn Du, về tác giả và tác phẩm, Trịnh Bá Dĩnh, Nguyễn Hữu Sơn và Vũ Thanh tuyển chọn và giới thiệu, Hà Nội: nxb Giáo Dục, 1998, tr. 178.
2. Harold Bloom (1994), sđd.

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Nguyễn Hưng Quốc

    Nhà phê bình văn học, nguyên chủ bút tạp chí Việt (1998-2001) và đồng chủ bút tờ báo mạng Tiền Vệ (http://tienve.org). Hiện là chủ nhiệm Ban Việt Học tại trường Đại Học Victoria, Úc. Đã xuất bản trên mười cuốn sách về văn học Việt Nam.

Đường dẫn liên quan

VOA Express

XS
SM
MD
LG