Ðài Loan theo trông đợi sẽ tôn trọng bất cứ thỏa thuận nào về Biển Đông mà chính phủ của các nước khác có tranh chấp chủ quyền lãnh hải với Ðài Loan ký kết để chứng tỏ thiện chí chiến lược, cho dù Đài Bắc không được tham gia thảo luận mà cũng không được ký kết thỏa thuận.
Trung Quốc và một tổ chức đại diện cho bốn nước Ðông Nam Á có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông đang thương thảo một bộ khung quy tắc ứng xử để giúp ngăn tránh những rủi ro cho tàu bè đánh cá, giàn khoan và tàu tuần duyên trong khu vực có tranh chấp. Ngoài ra Trung Quốc cũng đang đàm phán với Việt Nam và Philippines về những thỏa thuận riêng trong vùng lãnh hải mà Ðài Loan tuyên bố chủ quyền.
Ðài Loan thiếu quan hệ ngoại giao chính thức ở châu Á do Bắc Kinh xem đảo quốc này là một phần lãnh thổ của Trung Quốc chứ không phải là một nhà nước có chủ quyền. Bắc Kinh dùng thế mạnh kinh tế để ngăn chặn các nước ký kết các thỏa thuận về kinh tế và an ninh với Đài Bắc.
Ông Alexander Huang, giáo sư khoa nghiên cứu chiến lược tại Đại học Tamkang ở Ðài Loan, nhận định:
“Phương tiện chúng tôi có được rất hạn hẹp. Nếu Trung Quốc ký kết quy tắc ứng xử, chúng tôi sẽ không có chọn lựa nào khác hơn là sẽ tôn trọng bộ quy tắc đó. Cho dù chúng tôi có tranh cãi đi nữa, theo tôi, chúng tôi sẽ bị cô lập hơn và thậm chí bị trừng phạt.”
Trung Quốc và Ðài Loan là hai chính phủ đòi chủ quyền hơn 90% diện tích Biển Đông.
Các nhà phân tích nói rằng Ðài Loan sẽ tôn trọng các thỏa thuận hải dương theo chính sách ủng hộ chia sẻ nguồn lợi và tôn trọng hòa bình trên vùng biển trải dài từ bờ biển phía nam của đảo quốc này cho tời Singapore.
Ông Denny Roy, chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu Đông-Tây ở Honolulu, nhận định:
“Tôi luôn có cảm nghĩ rằng chiến lược khôn khéo nhất của Ðài Loan là luôn tỏ ra là một công dân quốc tế gương mẫu. Nếu đó là cách tiếp cận mà Đài Bắc áp dụng, thì có nghĩa là trước tiên họ sẽ kêu nài về vấn đề hiện tại là không được cư xử như một nước có tuyên bố chủ quyền trong vùng biển đó, nhưng rồi họ vẫn tôn trọng bất cứ bộ quy tắc nào do các nước khác đạt được."
Bộ Ngoại giao Ðài Loan hôm thứ Năm tuyên bố trong một thông báo rằng Đài Bắc tin tưởng vào chính sách đặt những tranh chấp sang một bên và hợp tác với nhau để phát triển trên biển. Thông báo không nói sẽ tuân thủ các thỏa thuận mà Ðài Loan không được tham gia ký kết hay không, nhưng có yêu cầu rằng Ðài Loan cần được cử xử “bình đẳng” trong đối thoại về ổn định khu vực hay tự do hàng hải.
Giáo sư Huang nhận định rằng Ðài Loan có thể sẽ chú trọng vào nghiên cứu môi trường biển với những chính sách cổ xúy cho hòa bình và cùng sử dụng chung vùng biển.
Không tôn trọng những thỏa thuận hải dương có thể ảnh hưởng xấu đến chính sách của Ðài Loan di chuyển đầu tư xuống Nam và Ðông Nam châu Á thay vì Trung Quốc, nước có quan hệ chính trị lạnh lùng với Ðài Loan.
Ông Alex Chiang, giáo sư môn quan hệ quốc tế tại Đại học Quốc gia Chengchi ở Đài Bắc, nhận định :
“Vì sự thịnh vượng và cả quan hệ hữu nghị, tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ tôn trọng bất cứ thỏa thuận nào có được. Nhất là chính phủ Ðài Loan hiện nay đang tìm cách gia tăng tiếp xúc với các nước Ðông Nam Á, do đó tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ không tìm cách gây hiềm khích với các nước Ðông Nam Á.