Còn nhiều vấn đề gai góc trong đàm phán hạt nhân Iran

  • Andre Nesnera

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif, thứ hai bên phải, đến đàm phán về chương trình hạt nhân của nước này tại Geneva, 22/11/2013

Các diễn biến về chương trình hạt nhân của Iran

Các diễn biến về chương trình hạt nhân của Iran

2012

Tháng 1: Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế IAEA xác nhận iran đang tinh chế uranium ở độ 20% hạt nhân tinh khiết.
Tháng 2: Các thanh sát viên Liên Hiệp Quốc chấm dứt đàm phán ở Tehran mà không thanh tra địa điểm quân sự gây tranh cãi ở Parchin.
Tháng 4: Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad cam kết Iran sẽ không từ bỏ quyền hạt nhân của mình.
Tháng 5: Các thanh sát viên Liên Hiệp Quốc báo cáo tìm thấy các dấu vết uranium được tinh chế đáng kể tại một địa điểm của Iran.
Tháng 7: EU bắt đầu cấm chỉ toàn bộ nhập khẩu dầu của Iran; Hoa Kỳ mở rộng chế tài.
Tháng 9: IAEA đòi tiếp cận Parchin; Iran gọi các biện pháp chế tài của EU là “vô trách nhiệm”.
Tháng 12: IAEA nói đã đạt được tiến bộ trong các cuộc đàm phán với Iran. Hoa Kỳ áp đặt thêm các biện pháp chế tài.

2013

Tháng 1: Iran cho biết sẽ tăng tốc công tác nhiên liệu hạt nhân
Tháng 2: Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollha Ali Khameini bác bỏ các cuộc đàm phán hạt nhân trực tiếp với Hoa Kỳ. Iran và các cường quốc thế giới họp, và đồng ý đàm phán thêm.
Tháng 5: IAEA nói Iran đã mở rộng hoạt động hạt nhân.
Tháng 9: Tổng thống Iran Hassan Rouhani nói Iran sẽ không mưu tìm vũ khí có sức tàn sát hàng loạt. Iran và các cường quốc thế giới đồng ý nối lại các cuộc đàm phán hạt nhân.
Tháng 10: Iran mở các cuộc đàm phán với 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và Ðức.
Tháng 11: Iran tổ chức 2 vòng đàm phán với các cường quốc thế giới. Ayatollah Ali Khameini cảnh báo Iran sẽ không từ bỏ quyền về hạt nhân của mình.
Thỏa thuận tạm thời giữa các cường quốc thế giới và Iran nhằm kiềm chế tham vọng hạt nhân của nước này đã được chính quyền Tổng thống Obama ca ngợi là "bước quan trọng đầu tiên."
Phải mất hai vòng đám phán gai góc mới đạt được thỏa thuận này. Thế nhưng các nhà phân tích nói rằng những bước tiếp theo để đảm bảo chương trình hạt nhân của Tehran sẽ được sử dụng chỉ duy nhất cho mục đích hòa bình có thể còn khó khăn hơn.
Thỏa thuận tạm thời đóng băng chương trình hạt nhân của Iran trong 6 tháng.
"Thỏa thuận buộc Iran phải ngừng tinh chế uranium đến 20% và bắt đầu chuyển đổi nguồn vật liệu hiện thời đã qua tinh chế 20%," ông Daryl Kimball, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí cho biết.
"Nó đòi hỏi Iran không được thực hiện thêm bất kỳ bước tiến nào nữa đối với số lượng máy ly tâm hoặc các loại máy ly tâm được lắp đặt tại cơ sở của mình," ông nói. "Nó cũng ngưng lại một phần đáng kể hoạt động ở khu phức hợp Arak sản xuất nước nặng."
Cơ sở Arak hiện đang được xây dựng và khi hoàn thành có thể sản xuất plutonium, cũng như uranium tinh chế ở mức cao, là một thành phần quan trọng của bom hạt nhân.
Nhưng từ lâu Iran vẫn khăng khăng chương trình hạt nhân của mình chỉ vì mục đích hòa bình, chẳng hạn như sản sinh ra điện năng.
Phương Tây giám sát
Ông Kimball nói thỏa thuận tạm thời cũng cho phép phương Tây giám sát các hoạt động hạt nhân của Iran.
"Ðiều rất quan trọng là thỏa thuận cho Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế quyền tiếp cận chưa từng có tới những địa điểm hạt nhân của Iran trên cơ sở hàng ngày mà theo dự đoán của chúng tôi, thực tế là ngăn chặn bất kỳ khả năng nào Iran tìm cách làm trái mà không phát hiện," ông nói.
Nói cách khác, với hoạt động thanh sát mới phương Tây gần như không thể nào không hay biết nếu Iran tìm cách phát triển vũ khí hạt nhân.
Ðổi lại những nhượng bộ này, Tehran được nới lỏng những biện pháp trừng phạt kinh tế và tài chính khiến nước này tê liệt.
Ông Joel Rubin, một chuyên gia về Iran thuộc tổ chức Ploughshares Fund, một quỹ nghiên cứu an ninh toàn cầu, cho biết Iran sẽ cần được nới lỏng trừng phạt nhiều hơn nữa.
"Iran được nới lỏng trừng phạt khá khiêm tốn, ước tính trị giá khoảng 6-7 tỉ đô la ngân quỹ chủ yếu từ những tài khoản doanh thu bán dầu bị đóng băng của Iran, cũng như một khoản khiêm tốn doanh thu hóa dầu và vàng được cho phép," ông nói. "Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng của cơ chế trừng phạt hiện áp đặt lên Iran sẽ vẫn giữ nguyên."
Đàm phán mới nhiều thách thức
Trong những tháng tới, các nhà đàm phán sẽ cố gắng thảo ra một thỏa thuận toàn diện áp đặt những giới hạn vĩnh viễn lên chương trình hạt nhân của Iran.
Nhiều nhà phân tích nói các cuộc đàm phán này còn khó khăn và nhiều thách thức hơn.
"Vấn đề quan trọng là Iran sẵn sàng cắt giảm hoạt động tinh chế uranium của mình đến mức độ nào?”, chuyên gia kiểm soát vũ khí Kimball nói. "Iran sẽ đồng ý làm gì để gác một số dự án gây lo ngại khác như lò phản ứng nước nặng Arak mà về mặt lý thuyết có thể sản xuất plutonium làm vũ khí - và để đổi lấy thêm những nới lỏng trừng phạt nào từ cơ chế trừng phạt hiện thời?"
Ông nói thêm: "Đó là cuộc đàm phán rất khó khăn."
Nhà phân tích Rubin nói nhiều mối quan tâm phức tạp vẫn còn đó.
"Những vấn đề cơ bản để cộng đồng quốc tế xem xét là số lượng máy ly tâm, chất lượng máy ly tâm, những địa điểm mà Iran đang tinh chế nhiên liệu và cơ sở hạ tầng hạt nhân của họ ở đâu - để biết được và để thảo luận về số lượng máy ly tâm và cơ sở hạ tầng mà họ có thể có," ông nói.
Ông nói thêm: "Sẽ có các cuộc thảo luận về cơ chế thanh sát, tôn trọng các quy chuẩn quốc tế và đảm bảo Iran phải hoàn toàn làm sáng tỏ rằng chương trình hạt nhân của họ chỉ có thể được sử dụng cho mục đích hòa bình."
Iran sẽ trông đợi phương Tây giảm bớt thêm những biện pháp trừng phạt nữa và cuối cùng loại bỏ hoàn toàn.
Các nhà phân tích nói sẽ phải cần tới rất nhiều nỗ lực ngoại giao và sự sẵn lòng thỏa hiệp để vòng đàm phán tiếp theo thành công.