Hơn hai tuần qua, một số người Việt khắp nơi, đặc biệt tại Úc, trông có vẻ bị cuốn vào sự kiện một sinh viên du học tại tiểu bang NSW đã kéo cờ vàng xuống, giẫm lên lá cờ và nói những lời đầy thách thức đối người Việt tị nạn cộng sản. Người du sinh Dương Đức Thịnh này lại được sự hưởng ứng của các bạn mình.
Nhiều cơ quan truyền thông Việt, Cộng Đồng người Việt tại NSW và khắp Úc, các tổ chức người Việt khắp nơi, và bao nhiêu cá nhân, trong lẫn ngoài nước, đã bày tỏ quan điểm trên Facebook hay các diễn đàn khác, về đề tài này. Tôi dự định không viết về đề tài này, một phần vì nghĩ quá nhiều người đã nói rồi. Vả lại chắc mình cũng không có gì hay ho hoặc mới lạ để chia sẻ. Trong khi đó chuyện cờ bấy lâu nay vẫn là đề tài gây tranh cãi và chia rẽ sâu sắc.
Nhưng vấn đề cờ Vàng nói riêng, hoặc lá cờ nói chung, chắc sẽ không dừng lại ở đây. Điển hình là trong khi Ban Chấp Hành Cộng Đồng Người Việt tại NSW, và các tiểu bang khác đang tìm cách giải quyết sự việc này với các cơ quan công quyền tại NSW và liên bang Úc, thì lại có bao sự chụp mũ, vu khống với một số những người khác, chỉ vì khác quan điểm. Tinh thần trao đổi, thảo luận hay tranh luận bằng sự tương kính và tôn trọng khác biệt thì hoàn toàn không có, mà chỉ thấy toàn sự phỉ báng và chụp mũ. Chẳng hạn trường hợp của luật sư Trần Kiều Ngọc. Cô Kiều Ngọc đã trình bày vấn đề pháp lý về trường hợp này, và phương pháp tiếp cận vấn đề, trong phỏng vấn với BBC, và trên Facebook của cô. Về mặt pháp lý thì cái nhìn của cô cũng không khác bao nhiêu so với các ý kiến của luật sư Philip Chan và Andie Lam được phỏng vấn trên SBS. Thay vì lắng nghe các ý kiến này, hay phản biện lại bằng chính kiến của mình, người ta lại đội nón cối lên cô, chửi mắng cô không còn gì, hay đặt nghi vấn rằng cô… thuyết khách cho cộng sản v.v…
Cờ, lẽ ra một biểu tượng đoàn kết dân tộc, nhưng lại trở thành sự chia rẽ nhức nhối nhất, trong suốt bao thập niên qua.
Không phủ nhận có người yêu chuộng cờ và sống chết vì cờ, vì những giá trị lá cờ đó đại diện. Nhưng cũng có bao người núp dưới lá cờ cho mục tiêu không chính đáng, nếu không phải là trí trá, tồi tệ. Họ mong được sự phù hộ của nó, để đạt cho được mục tiêu chính trị của mình.
Dường như đối với một số người, yêu cờ là yêu nước. Thật vậy không?
Hiện tượng này không chỉ riêng Việt Nam, mà diễn ra khắp nơi.
Nhưng có lá cờ nào có thể đủ lớn để che giấu được bộ mặt thật của những kẻ đội lốt chính trị, tôn giáo, hay văn hóa, trong khi hành động của họ, rõ ràng đi ngược lại những gì lá cờ đó đại diện? Có lá cờ nào đủ lớn để bao phủ những mối nhục của một dân tộc mà quá khứ đã từng hãm hại nhau, giết chóc nhau, nhân danh ý thức hệ này kia, để chiếm đoạt và duy trì quyền lực bằng mọi giá? Có lá cờ nào đủ lớn để người ta nhân danh nó, để rồi tiếp tục bóp méo lịch sử, bóp nghẹt ngôn luận, bóp nát trái tim của những người mẹ Việt Nam, bỏ tù những người con hiếu thảo của mình?
Nhìn thấy tình hình chính trị tại Thái Lan trong những tháng ngày qua, những tội ác đang diễn ra trước mặt mình, khoan nói quá khứ, một bình luận viên của cơ quan truyền thông Thai Enquirer Cod Satrusayang viết một bài tựa đề: “Không có lá cờ nào đủ lớn để che giấu sự xấu hổ của chúng ta”.
Việt Nam Cộng Hòa không phải là một nền dân chủ hoàn thiện, nhưng là một nền dân chủ non trẻ và có nền tảng căn bản duy nhất trong suốt chiều dài lịch sử Việt Nam. Cho nên người miền Nam sống dưới thời VNCH đó có quyền hãnh diện, tự hào. Biểu tượng còn lại của thời VNCH là lá cờ Vàng. Đằng sau lá cờ Vàng là các giá trị “Tổ quốc – Danh dự - Trách nhiệm”, với một triết lý giáo dục là “nhân bản, dân tộc và khai phóng”. Tuy VNCH đã đi vào lịch sử, các giá trị này không phải vì thế mà mất đi ý nghĩa. Thật ra, vì chế độ cầm quyền cộng sản Việt Nam đã bị lột trần bản chất của họ, và họ không còn bất cứ chính nghĩa nào, cho nên những gì VNCH đã làm được trong 20 năm vì thế lại có giá trị hơn. Nhiều người trẻ Việt Nam sinh sau 30 tháng 4 năm 1975, giờ đây nhìn ra được rõ vấn đề vì được tiếp cận với thông tin và kiến thức khác với những gì họ được dạy dưới mái trường xã hội chủ nghĩa. Họ đã thay đổi cách nhìn đối với cờ Vàng và VNCH. Nhưng đây cũng chỉ là một thiểu số.
Phần lớn giới trẻ Việt Nam không quan tâm, hay quá chán ngán với kiểu dạy nhồi sọ, về lịch sử và các môn nhân văn tại Việt Nam, nên đại đa số vẫn chưa nắm rõ vấn đề. Du sinh Dương Đức Thịnh là một nạn nhân, như hàng triệu nạn nhân khác bị nhồi nhét bởi một nền giáo dục phi nhân văn/bản, nên có những hành xử quá khích và hỗn xược. Hành xử này vừa đến từ cá nhân của Thịnh vừa đến từ nền giáo dục đào tạo ra nó. Bởi rằng không phải bạn trẻ nào lớn lên trong chế độ này cũng đều hành xử như thế, mặc dầu rất có thể trong tư duy, nhiều bạn không thích cờ Vàng hay VNCH. Nhưng cách kéo cờ xuống, giẫm đạp lên rồi thóa mạ cả cộng đồng tị nạn cộng sản, cho thấy tính cách vô giáo dục và cực đoan hóa của đương sự. Nhưng không phải du sinh nào, hay người trẻ Việt Nam nào, cũng hành xử như thế.
Sự tức giận của cộng đồng người Việt tự do tại Úc và khắp nơi là điều dễ hiểu. Nhưng điều quan trọng là cách đối phó giải quyết sự việc ra sao.
Úc là một nền dân chủ pháp quyền. Các hành vi phi pháp của Dương Đức Thịnh sẽ được các cơ quan công quyền xét xử một cách công minh. Những hành vi, bằng chứng, hay động cơ mà cảnh sát và các cơ quan công quyền liên hệ, tiểu bang và liên bang, cũng như Bộ Di Trú, sau khi điều tra đương sự, sẽ là yếu tố quyết định của trường hợp này. Các cơ quan công quyền Úc dù có hiểu được hoàn toàn nguyện vọng của cộng đồng nhưng họ vẫn chiếu theo luật pháp Úc để xét xử công minh. Sẽ không có sự tùy tiện hay chính trị hóa trong quá trình xét xử Dương Đức Thịnh hay bất cứ ai. Bởi nếu có, thì nguyên đơn có thể kháng án lên tòa cao hơn, dù đó là tòa hình sự hay tòa duyệt xét các vấn đề di trú.
Tất cả chúng ta nên tìm hiểu, nên lắng nghe các luật sư chuyên ngành, và tham khảo các chuyên gia về luật liên hệ, để có quyết định đúng đắn và thích hợp, cho mọi vấn đề. Với tính cách cá nhân, tập thể hay cộng đồng đều vậy. Không hiểu luật pháp, quy trình xét xử và những vấn đề của nguyên đơn, mà lại muốn áp đặt tư duy hay ước muốn của mình lên cơ quan công quyền đang thi hành pháp luật, thì không phải là một phương pháp thích hợp để tranh thủ sự ủng hộ. Khoan nói đến thay đổi hay đạt được kết quả.
Trao đổi với một vài bạn trẻ từ Việt Nam mấy hôm nay, tôi học hỏi được rất nhiều.
Bạn Nam (đã đổi tên), khoảng 30 tuổi, cho biết trước đây bạn cũng có cái nhìn cực đoan và sai quấy giống như Dương Đức Thịnh. Không chỉ riêng Nam mà hầu như đa số các bạn của Nam đều vậy. Vì nền giáo dục của chế độ XHCN là thế. Nam xác định tuy mình không cực đoan và sẽ không làm như Thịnh, nhưng sự thù ghét “Mỹ nguỵ” và những gì chế độ này đại diện đã có trong đầu từ nhỏ. Cho đến khi Nam tiếp thu những thông tin khác và sau một thời gian dài, Nam đã nhận thức được vấn đề. Nam mong rằng các bạn trẻ Việt Nam có cơ hội được hướng dẫn chia sẻ nhiều hơn để nhận thức tốt hơn.
An (đã đổi tên), một bạn trẻ khác, cũng chừng 30 tuổi, chia sẻ rằng bạn trước đây cũng tin vào đảng, “bác Hồ”, XHCN, v.v… Nhưng bây giờ đã thức tỉnh, nhờ được tiếp cận thông tin, được hướng dẫn và được đi ra nước ngoài. An nghĩ rằng muốn thay đổi người trẻ bị tiêm nhiễm bởi nền giáo dục không nhân văn trong nước, nó sẽ mất một thời gian dài, và nó cần tinh thần khoan dung, nhân bản, tử tế. Chửi họ thì càng làm họ xa mình. Cần giúp họ hiểu bằng cách giải thích từ tốn, ôn hòa.
Phan (đã đổi tên), chừng 45 tuổi, chia sẻ rằng anh không hiểu vì sao người ta lại muốn làm lớn chuyện với Dương Đức Thịnh. Phan thắc mắc tại sao lại muốn bỏ tù hay trục xuất cậu trẻ này? Phan cho rằng hơn hai triệu, trên bốn năm triệu, người Việt tị nạn đang sống ở ngoài Việt Nam, là nạn nhân của chế độ cộng sản. Nhưng những người sống ở trong nước, ngoại trừ 4 triệu đảng viên cộng sản, cũng đều là nạn nhân cộng sản. Hơn 90 triệu người này cũng bị đầy đọa bằng đủ mọi hình thức. Nhân quyền không hề có. Người Việt trong nước còn chịu đựng nhiều hơn cả người Việt tị nạn cộng sản, phải sống với sự áp bức ngày đêm. Dương Đức Thịnh có thể cũng chỉ là một nạn nhân trong bao triệu nạn nhân như thế. Phan thắc mắc vì sao nạn nhân cộng sản lại đối xử với nạn nhân cộng sản như thế! Phan cho rằng, nếu không cùng nhau giúp nhau nhìn ra được đâu là nguồn gốc, là mầm móng hiểm họa thật sự của đất nước, để tìm ra giải pháp, thì tương lai đất nước đi về đâu?
Đối với con người, những giá trị nhân văn cốt lõi từ hàng ngàn năm trước vẫn còn với chúng ta hôm nay, và mãi mãi về sau. Quá khứ - Hiện tại – Tương lai có sự gắn liền chặt chẽ, qua niềm tin vào giá trị sống của con người. Tất nhiên mỗi thời đại nhận thức và diễn giải mỗi khác, nhưng tập hợp các giá trị này sẽ cấu thành những nguyên tắc định hình cung cách hành xử của con người. Các giá trị như nhân hậu, tôn trọng, tình nghĩa, hiểu biết, tín nhiệm, khoan dung, lịch thiệp, độ lượng, trí tuệ, cam kết, can trường, v.v… có giá trị lâu dài và mọi nơi. VNCH đã từng cổ súy các giá trị này, và tuy không còn nữa, nhưng các giá trị này không phải vì thế mà mất ý nghĩa. Nó sẽ tiếp tục có giá trị hôm nay, và sau này, nếu chúng ta biết thể hiện qua cách sống của mình. Chắc chắn nó sẽ không nằm ở những người phất cờ, hay núp đằng sau cờ, hay lợi dụng lá cờ ở mọi lúc mọi nơi, để đánh phá chụp mũ những người có lòng với đất nước. Biểu tượng có giá trị chỉ nhắc nhở chúng ta, như là một tấm gương để chúng ta soi.
Nếu cố gắng thể hiện các giá trị văn minh và nhân nghĩa trong cách đối xử và giải quyết vấn đề với người khác, thì cho dầu chế độ cộng sản có thắng miền Nam bằng bạo lực và dối trá, họ cũng không thắng được cuộc chiến văn hóa qua lối hành xử thiếu văn minh từ bản chất trí trá của họ, dù đã sau 46 năm cầm quyền.
Chính nghĩa nằm sâu xa, không phải bề ngoài. Biểu tượng chỉ có ý nghĩa, và chính nghĩa, nếu hành động phản ảnh niềm tin của con người vào các giá trị đích thực.