Đường dẫn truy cập

Tại sao, và bao lâu, cần tu thân?


Hình minh họa.
Hình minh họa.

Theo tôi, tu thân là một hành trình có ý thức để nhận ra được những thói hư tật xấu và dần dần khắc phục và loại bỏ nó, để tiến đến tính nhân bản, cái chân thiện mỹ, trong mỗi chúng ta.

Thói quen thì ai cũng có. Không những thế, phần lớn con người hoạt động nhờ thói quen. 40% hoạt động hàng ngày của chúng ta mang bản chất thói quen.

Có thói quen nhỏ và lớn, tốt và xấu, tích cực/hữu ích hay tiêu cực/vô dụng.

Dường như trong chúng ta, ai cũng muốn thay đổi một thói quen nào đó mà mình không thích. Chắc là không ai muốn thay đổi một thói quen tốt. Nhưng ai mà không mong muốn thay đổi để mình trở nên tốt hơn, hiệu quả hơn.

Có những thói quen ăn sâu vào tiềm thức (subconscious/unconscious), nên nếu đó là thói quen hữu ích thì giúp chúng ta mạnh mẽ; còn thói quen vô bổ thì sẽ cản trở chúng ta, làm cho chúng ta trở nên yếu đuối, không đem lại hữu ích gì cho bản thân và xã hội.

Những thói quen trở thành đức tính tốt như gan dạ, đúng giờ, giữ lời hứa/khả tín, tôn trọng người khác, chấp nhận khác biệt, v.v… đều phải do luyện tập mà ra. Nhân lễ nghĩa trí tín, cũng vậy, phải học và tập mới thành. Bởi không ai tự nhiên sinh ra mà có các đức tính này. Do giáo dục gia đình, nhà trường, xã hội chung quanh uốn nắn. Nhờ thêm việc có niềm tin, và nếu được luyện tập cùng với sự bền chí, thì những thói quen được củng cố sẽ được càng vững chắc hơn.

Khi tiến sĩ Stephen V Convey ra mắt tác phẩm “Bảy thói quen của những người vô cùng hiệu quả” (The 7 Habits of Highly Effective People), xuất bản đầu tiên năm 1989, nó được đón nhận nồng nhiệt, trở thành một trong những tác phẩm bán chạy nhất về loại sách tự phát triển. 25 triệu bản trên toàn cầu đã được mua. Bảy thói quen này là như sau.

Chủ động, tức tự chủ và có trách nhiệm cho mọi hành động, và để có phản ứng tích cực, là một. Bắt đầu với mục tiêu trong đầu, để hình dung ra viễn ảnh về kết quả tương lai, là hai. Biết ưu tiên hóa, việc gì ưu tiên phải làm trước, nhất là khi vấn đề đó cấp bách và quan trọng, là ba. Đó là ba thói quen căn bản mang tính độc lập (Independence).

Ba thói quen còn lại mang tính tương thuộc (Inter-dependence), bởi vì trong mọi việc mình làm đều cần làm việc với người khác. Suy nghĩ mọi bên đều thắng (Think win-win), đều có lợi khi hợp tác trong mối quan hệ, thay vì dành hết lợi ích về mình, là bốn. Nỗ lực tìm hiểu trước, trước khi được hiểu, dùng đồng sự cảm để thật sự hiểu người ta trước, là năm. Sức mạnh tổng hợp (synergies), qua làm việc đồng đội, thay vì một mình, là sáu.

Thói quen thứ bảy, sau cùng, mang tính phát triển không ngừng. Cân bằng và tái tạo các nguồn lực, năng lượng và sức khỏe của mình để tạo ra một lối sống bền vững, lâu dài và hiệu quả. Điều đó bao gồm từ việc tập thể dục, đọc sách, cầu nguyện đến phục vụ xã hội, cho đi…

Câu hỏi kế tiếp là làm sao thay đổi một thói quen, và mất bao lâu? Theo nghiên cứu thì cách tốt nhất là nhận diện được những yếu tố kích hoạt mình (trigger), cần thay đổi môi trường, tìm người đồng hành có trách nhiệm giải trình, hay dùng hệ thống tưởng thưởng. Cách khác nữa là tạo ra những thói quen mới để giúp đạt mục tiêu, thì dần dần các thói quen cũ đi vào quên lãng. Theo nghiên cứu thì trung bình người ta mất từ 18 đến 254 ngày, nhưng tùy người (mức độ cam kết, quyết tâm, bền chí…). Trung bình thì một người mất 66 ngày để cho hành vi này trở thành tự động, tức đã đi được vào tiềm thức.

Tiến sĩ Travis Bradberry mới viết một bài ngắn “Làm sao để bỏ thói quen xấu”. Bradberry trích từ nghiên cứu nói rằng nó mất chừng 66 ngày để hình thành một thói quen mới, và tương tự, mất 66 ngày để bỏ một thói quen cũ/xấu, nếu không có vấn đề nghiện chất gì đó, như thuốc lá, rượu hay ma túy, chẳng hạn.

Để bỏ thói quen thì cần phải hiểu nó được hình thành, và củng cố, qua một vòng lập thói quen (habit loop) ra sao.

Đầu tiên là phải có cái gì đó kích hoạt mình. Chẳng hạn như thói quen kiểm tra/lướt Facebook mỗi 5 phút, hay ăn vặt, khi bị căng thẳng. Sự kiện này đã kích hoạt vào đầu chúng ta ý tưởng bớt căng thẳng. Thứ hai, là hành vi của mình. Bộ óc mình nói ồ, vì mình làm việc nhiều và căng thẳng quá, nên mình xứng đáng được giải lao chút, hoặc ăn vặt. Thứ ba, là tưởng thưởng. Khi bộ óc mình thích, không nhất thiết rằng nó tốt cho mình, nhưng lúc đó mình thấy bớt căng thẳng hơn, chẳng hạn, thì sự tưởng thưởng có cơ hội lập lại cao trong tương lai. Khi lập lại đủ lần, nó sẽ trở thành tự động khi nào không hay. Lướt Facebook hay ăn vặt khi cảm thấy căng thẳng trở thành thói quen tự động, và do đó rất khó bỏ.

Bỏ thói quen, tức làm ngược lại tiến trình này. Nhưng nó không hề dễ. Cái khó nhất là tìm ra cái gì kích hoạt mình. Khi thói quen ăn sâu vào tiềm thức thì chúng ta cần suy nghĩ sâu xa, và nếu nghĩ đủ thì sẽ đi đến tận cùng nguyên nhân. Chẳng hạn, chúng ta nhận ra rằng mình tiếp tục bị phạt vì chạy quá tốc độ, bởi vì chúng ta lái xe quá nhanh khi tan sở với tâm trạng không tốt, hoặc có thể mình ăn nhẹ/vặt khi căng thẳng. Chúng ta sẽ mất 10 ngày để nhìn vào bản thân, để tìm ra nguyên nhân kích hoạt. Từ ngày 11 đến ngày 40, là giai đoạn mà trách nhiệm giải trình mang tính quyết định để xóa bỏ thói quen xấu. Nếu chúng ta công khai cho càng nhiều người biết quyết định của mình trong việc thay đổi thói quen, thì chúng ta càng cố gắng cam kết hơn, nếu không thì uy tín sẽ bị ảnh hưởng. Ngày 41 đến 66, có khi chúng ta làm lỗi, có khi kiềm chế không được nên thói quen trở lại. Điều này có thể xảy ra cho bất cứ ai. Nếu xảy ra trong tình huống nhất định nào đó thì cần để ý và tránh nó, cho đến khi thói quen xấu hoàn toàn bị chế ngự, được loại bỏ. Kiềm chế những nguyên do kích hoạt mình là yếu tố khác biệt giữa thành công và thất bại trong tiến trình này.

Ngày 67, chúng ta có thể ăn mừng. Nhưng đừng tưởng thưởng mình bằng sự kích thích đã đưa chúng ta vào thói quen trước, hay một thói quen khác.

Ăn tục, nói phét, chửi thề, kiêu ngạo, lười biếng, lãng phí, trễ giờ, thức khuya, không biết giữ gìn sức khỏe, nóng nảy, ôm đồm/đa đoan, không tập trung, cẩu thả, nói dối, gian lận, than vãn, độc đoán, cộc cằn, ích kỷ, thổi phòng, vô liêm chính, sợ thất bại, suy nghĩ tiêu cực, đổ thừa, bỏ cuộc dễ dàng, nói mà không làm v.v… Thiếu thấu/đồng cảm, thiếu trách nhiệm, tin nhưng không kiểm chứng (tin giả), thiếu cam kết v.v.. cũng là những thói quen không hay, cần thay đổi.

Nghĩ về đề tài này, tôi liên tưởng đến tiến trình dân chủ hóa Việt Nam. Muốn Việt Nam có dân chủ thì điều kiện dứt khoát là đại đa số người dân cần ý thức những thói quen tật xấu, mà vô tình hay cố ý, hay vì do sống quá lâu trong thể chế phong kiến rồi độc tài toàn trị, nên những thói quen đã trở thành mãn tính. Tự động, tiềm thức điều khiển.

Có nhiều cách khác nhau để thay đổi các thói hư tật xấu, mà đã góp phần dung dưỡng độc đoán độc tài. Chánh niệm và thiền cũng là cách để nhận thức và tỉnh thức. Không có ý thức/ chánh niệm thì không thể bắt đầu, khoan nói kết thúc. Chọn một thói quen xấu, nhỏ thôi, để tập và bỏ dần. Sau khi thành công thì tìm một thói quen xấu khác, lớn hơn chút, để quyết tâm thay đổi. Một năm có 365 ngày, chúng ta có thể thay đổi ít nhất 5 thói quen xấu, thay vào đó 5 thói quen tốt.

10 năm sau, biết đâu, chúng ta nhìn nhận ra rằng thói quen đối xử với người khác bằng tình thương, sự tôn trọng, lòng khoan dung, tính tha thứ v.v… thì không chỉ làm cho người chung quanh mình vui vẻ hạnh phúc, mà chính mình cũng được nhận gấp nhiều lần mình cho đi. Xã hội như thế sẽ văn minh, nhân bản hơn nhiều, dù chúng ta sống bất cứ nơi nào.

Tu thân là hành trình không có điểm cuối, ngay cả khi đã lên “niết bàn”. Nhưng với xã hội, chỉ cần tu thân để làm người tử tế thì quá đủ rồi. Đây là con đường tốt nhất, hiệu quả nhất, bền vững nhất, cho mỗi con người và đất nước, nhưng cũng là con đường ít người chọn nhất. Tại sao, thì chắc mỗi người trong chúng ta tự biết câu trả lời!

  • 16x9 Image

    Phạm Phú Khải

    Từ nhỏ, gia đình bảo giỏi toán. Lớn lên, quyết định học kỹ sư, tưởng sở trường của mình.

    Về sau, thích hoạt động xã hội, đam mê tìm hiểu các hành vi con người và chính trị được định hình bởi các yếu tố nào.

    Gần đây, càng làm việc liên quan đến con người, và càng nghiên cứu nhiều hơn, tôi tìm thấy khoa học hành vi và khoa học xã hội (Behavioural Science and Social Science), trong đó tâm lý, nhất là địa hạt khoa học thần kinh (neuroscience), giải thích được rất nhiều về cách suy nghĩ và hành xử của con người.

    Tôi hy vọng có dịp chia sẻ với bạn đọc về những vấn đề cùng quan tâm, và mong được học hỏi từ mọi người qua trang blog này.

    Các bài viết của Phạm Phú Khải là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG