Mỗi cổ phiếu của hãng xe hơi điện Việt Nam VinFast chỉ bằng 2,72 đô la, thấp nhất từ lúc lên sàn đến nay, khi thị trường Nasdaq ở Mỹ chốt phiên giao dịch hôm 17/4. Cùng ngày, một số trang tin Mỹ cho hay việc xây nhà máy của VinFast ở bang North Carolina bị đình trệ, hãng tính thu nhỏ quy mô.
So với ngày hôm trước, cổ phiếu mã VFS của VinFast mất đi hơn 11% giá trị và là phiên thứ tư liên tiếp bị giảm điểm, theo quan sát của VOA.
Hôm 11/4, VFS vẫn còn ngấp nghé ngưỡng 4 đô la/cổ phiếu, như vậy, chỉ sau vài ngày đã mất gần 33%. Tỷ lệ mất giá lên đến gần 67% nếu tính từ phiên giao dịch đầu tiên của năm nay, theo thông tin mà VOA có được.
Mức vốn hóa thị trường của hãng xe thuộc tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng ngày càng co lại, rớt xuống thấp kỷ lục vào ngày 17/4, chỉ còn là gần 7,2 tỷ đô la.
Con số đó thể hiện cú rơi tự do tới 92% kể từ ngày đầu tiên hãng lên sàn vào tháng 8/2023, với mức giá chốt phiên hôm đó là hơn 37 đô la/cổ phiếu và vốn hóa đạt khoảng 85 tỷ đô la. Khi đó, nhiều tờ báo, trang tin Việt Nam ca ngợi hãng xe của ông Vượng “vượt qua” cả những hãng xe lâu đời, danh tiếng của Mỹ và thế giới.
Như VOA đã đưa tin, đà đi xuống của VFS diễn ra trong bối cảnh có nhiều thông tin không thuận lợi gồm nhu cầu chung về xe điện toàn cầu chậm lại, các đối thủ cạnh tranh Trung Quốc tăng hoạt động ở Việt Nam, bản thân VinFast lỗ và nợ nhiều tỷ đô la và ít nhất 5 công ty luật Mỹ theo đuổi vụ kiện VinFast.
Giờ đây lại có thêm tin là việc xây nhà máy của hãng ở Mỹ bị đình trệ và hãng tính thu nhỏ quy mô.
Hai trang The News&Observer và WRAL, đều có trụ sở tại bang North Carolina, đưa tin hôm 17/4 rằng việc xây dựng nhà máy trị giá 4 tỷ đô la ở bang này theo kế hoạch của VinFast bị đình trệ sau 9 tháng kể từ ngày động thổ ở gần thị trấn Moncure và hãng đệ trình kế hoạch mới lên chính quyền Quận hạt Chatham trong bang, theo đó sẽ giảm 20% diện tích móng.
Phần móng mới sẽ rộng gần 7,3 hectare so với mức ban đầu lên đến hơn 9,2 ha được duyệt hồi tháng 7/2023, theo The News&Observer và WRAL.
Hai trang tin Mỹ mô tả rằng ở thời điểm hai ngày 16 và 17/4, dường như không có gì được hoàn tất thêm tại địa điểm xây nhà máy kể từ lễ động thổ. Quận hạt Chatham nói rằng không có hoạt động xây dựng nào được tiến hành cho đến khi có giấy phép mới cấp cho việc điều chỉnh móng.
Nói với các nhà đầu tư trong một cuộc họp qua điện thoại hôm 17/4, Chủ tịch VinFast Lê Thị Thu Thủy khẳng định dự án ở North Carolina “vẫn tiếp tục”, WRAL và The News&Observer tường thuật.
“Chúng tôi vẫn đúng tiến độ để bắt đầu hoạt động vào khoảng cuối năm sau, bắt đầu tuyển dụng nhiều nhân viên và đi vào hoạt động vào cuối năm sau. Nhưng có lẽ phải mất vài tháng mới hoạt động toàn bộ”, bà Thủy nói, theo phần trích dẫn bằng tiếng Anh trên hai trang tin Mỹ.
VinFast từng dự định đi vào sản xuất ở North Carolina thuộc Bờ Đông nước Mỹ vào mùa hè năm nay nhưng đã lùi kế hoạch sang cuối năm tới. Họ nói rằng nhà máy của hãng sẽ có công suất 150.000 ô tô điện/năm trong giai đoạn 1.
Cả bang North Carolina lẫn Quận hạt Chatham hiện dành các khoản ưu đãi tổng cộng 1,2 tỷ đô la cho dự án của VinFast, theo WRAL và The News&Observer.
Doanh số bán xe của VinFast ở Mỹ đạt gần 930 xe trong quý 1 năm 2024, chỉ chiếm thị phần 0,3% trong gần 269.000 ô tô điện bán ở Mỹ cùng thời điểm, theo một báo cáo vừa được công bố của Kelley Blue Book, một hãng nghiên cứu thị trường xe hơi Mỹ.
Với kết quả này, VinFast đứng gần cuối bảng xếp hạng, ở vị trí số 23 trong tổng số 26 hãng xe điện mà Kelley Blue Book tập hợp được dữ liệu.
Giới quan sát nêu câu hỏi với doanh số nhỏ giọt như vậy, không rõ liệu VinFast có tiêu thụ hết sản lượng 150.000 xe mỗi năm mà họ dự kiến sẽ sản xuất ở Mỹ hay không.
Như VOA đã đưa tin, mới nhảy vào ngành chế tạo xe hơi điện vài năm nay, VinFast lỗ tổng cộng 5,7 tỷ đô la chỉ trong 3 năm trở lại đây, trong khi số tiền đi vay tăng lên, với tổng cộng cả nợ ngắn hạn lẫn nợ dài hạn lên đến hơn 8,2 tỷ đô la trong toàn bộ năm ngoái, tăng hơn 30% so với năm kia.