Hãng ô tô VinFast của tỷ phú Việt Nam Phạm Nhật Vượng công bố báo cáo tài chính chưa kiểm toán hôm 22/2 cho thấy họ giao hơn 34.800 xe trong năm 2023 và bị lỗ ròng tới 2,39 tỷ đô la trong cùng năm.
Bản báo cáo được đăng trên trang web của Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC) mà VOA xem được mở đầu với tiêu đề “VinFast báo cáo kết quả tài chính chưa kiểm toán của quý 4 và năm tài chính 2023”.
Phần tóm tắt được nêu bật sau tiêu đề liệt kê ra rằng hãng thuộc tập đoàn Vingroup của tỷ phú Vượng đạt doanh thu quý 4/2023 và cả năm lần lượt là 436,5 triệu đô la (hơn 10,4 nghìn tỷ đồng) và xấp xỉ 1,2 tỷ đô la (gần 28,6 nghìn tỷ đồng).
Ở trang 2 và 3 của bản báo cáo, VinFast viết rằng tổng doanh thu năm 2023 chủ yếu là từ bán ô tô điện và đã tăng hơn 91% so với năm 2022.
Hãng xe ra đời năm 2017, được bản báo cáo mô tả là nhà sản xuất xe hơi điện hàng đầu Việt Nam, công bố đã giao hơn 13.500 xe trong quý 4 năm ngoái và tổng cộng 34.855 xe trong cả năm.
Mặc dù vậy, VinFast cũng nêu ra trong trang 2 của bản báo cáo rằng hãng lỗ ròng gần 2 tỷ 396 triệu đô la trong năm 2023, tăng gần 15% so với năm 2022; và đến ngày cuối cùng của năm ngoái, hãng chỉ có trong tay lượng tiền mặt là gần 168 triệu đô la.
Như tin VOA đã đưa, năm 2022, hãng lỗ 2,1 tỷ đô la. Trước đó, hãng lỗ hơn 1,3 tỷ đô la vào năm 2021 và gần 800 triệu đô la vào năm 2020. Tính từ khi hãng được thành lập hồi tháng 6/2017 đến hết năm 2023, lỗ lũy kế lên đến hơn 7,7 tỷ đô la.
Về nợ nần, báo cáo cho biết hãng nợ ngắn hạn đến ngày 31/12/2023 là hơn 5,8 tỷ đô la, tăng gần 110% so với năm 2022; nợ dài hạn là hơn 2,4 tỷ đô la, giảm khoảng 30% so với năm trước.
Cộng gộp lại, cả nợ ngắn hạn lẫn nợ dài hạn của hãng lên đến hơn 8,2 tỷ đô la trong toàn bộ năm ngoái, tăng hơn 30% so với năm kia.
Một nhà phân tích tài chính không muốn nêu danh tính đưa ra quan sát với VOA rằng số nợ ngắn hạn đã tăng hơn 100% nhưng hãng vẫn phải dựa vào các khoản vay để duy trì hoạt động, bên cạnh đó, đã có sự dịch chuyển các khoản vay của VinFast từ dài hạn sang ngắn hạn nhiều hơn và như vậy áp lực trả nợ cũng tăng cao.
Bà Lê Thị Thu Thủy, Chủ tịch VinFast, đưa ra bình luận trong trang 3 của bản báo cáo rằng năm 2023 ghi nhận nhiều dấu mốc “đầu tiên” của hãng mà đỉnh cao là việc cổ phiếu của hãng lên sàn ở Mỹ, bên cạnh đó là việc VinFast đã tung ra “những sản phẩm mới thú vị”, mở rộng mạng lưới phân phối và củng cố sự hiện diện của hãng tại các thị trường hiện có, đồng thời mở ra cánh cửa đến với “những thị trường mới đầy hứa hẹn”.
Nữ chủ tịch đánh giá rằng những động thái đó đã “đặt nền móng vững chắc” cho hãng trong năm 2024 và giờ đây VinFast “đang đặt mục tiêu đầy tham vọng là cung cấp 100.000 xe trong năm 2024”.
Như VOA đã đưa tin, lượng xe VinFast giao trong năm 2023 thấp hơn nhiều so với mục tiêu hãng đã đặt ra là 50.000 chiếc.
Trên thị trường chứng khoán Nasdaq ở Mỹ, cổ phiếu mã VFS của VinFast có giá 5,08 đô la ở thời điểm chốt phiên giao dịch hôm 22/2, giảm 3,4% so với lúc thị trường mở cửa và tiếp tục xu hướng mất giá từ đầu năm đến nay, đi ngược lại trào lưu tăng điểm của Nasdaq nói chung trong cùng kỳ. Giá của VFS là hơn 7 đô la hôm 2/1/2024.
Diễn đàn