Chuyên gia: Chiến dịch xuyên tạc thông tin của Nga gây nhiễu loạn

Một trang Facebook thuộc chiến dịch thông tin xuyên tạc của Nga (ảnh của các nhà nghiên cứu Đài Quan sát Internet Stanford)

Đối với thính giả quen thuộc của đài phát thanh công cộng Ba Lan Polskie Radio, các tiêu đề trên trang web của đài trông hơi lạ: “Sự thật không thể chấp nhận: EU sẽ xoay sở không cần Ba Lan” và “Ukraine sẽ vẫn ở ngoài EU”.

Các luận điệu thân Nga, hoài nghi về châu Âu không tương thích với cách đưa tin thường lệ của đài phát thanh này. Nhưng thoạt nhìn, trang web này trông có vẻ chính danh.

Những xem kỹ hơn thì thấy sự thật: Tên miền của trang web là polskieradio.icu. Tên miền thực sự của Polskie Radio là polskieradio.pl. Các luận điệu ủng hộ Nga đó đăng trên một trang web sao chép của Nga — một trang web được thiết kế riêng để gây nhầm lẫn.

Sự kiện này, được ghi lại vào tháng 4, là một phần của xu hướng rộng hơn về các trang web giả mạo được sử dụng trong một chiến dịch thông tin xuyên tạc “liên tục” kéo dài hai năm, theo một bài báo đăng trên trang web của Viện Báo chí Quốc tế có trụ sở tại Áo và được Viện này cùng ba nhóm tự do báo chí châu Âu ký tên. Những cơ quan giám sát này cho biết các điệp viên Nga đang tạo ra các trang web đưa tin giả mạo bắt chước các nguồn đáng tin cậy và đăng các câu chuyện giả mạo lên các trang web giả mạo đó.

“Thật khó để nhận ra đó là một trang web giả mạo, vì vậy nó thực sự hiệu quả”, bà Camille Magnissalis, người giám sát các hành vi vi phạm quyền tự do báo chí của Liên đoàn Nhà báo Châu Âu (EFJ), nói. “Nếu bạn không biết, bạn có thể dễ dàng bị lừa.”

Bộ Tư pháp Hoa Kỳ cho biết trong một thông cáo báo chí vào tháng 9 rằng các trang web như vậy là một phần của “các chiến dịch gây ảnh hưởng xấu từ nước ngoài do chính phủ Nga chỉ đạo” được gọi một cách không chính thức là “Doppelganger”, theo từ tiếng Đức dùng để chỉ một người gần như giống hệt người khác.

Vào thời điểm đó, Bộ Tư pháp đã công bố “việc tiếp tục tịch thu” 32 tên miền internet được sử dụng trong các chiến dịch Doppelganger.

Các trang web này có vẻ giống như các phương tiện truyền thông đáng tin cậy của Châu Âu nhưng trên thực tế lại đánh lừa người đọc bằng những câu chuyện và tuyên truyền độc hại. Nội dung đó thường được chia sẻ trên truyền thông xã hội thông qua quảng cáo hoặc các tài khoản bot.

Bà Magnissalis nói với VOA rằng “Nó thường liên quan đến các vấn đề chính trị vì họ muốn gây ảnh hưởng đến mọi người”. “Cuối cùng, những câu chuyện này được đưa vào bối cảnh truyền thông và có tác động”.

Liên minh Phản ứng nhanh Tự do Truyền thông (MFRR) đã mô tả chiến dịch thông tin xuyên tạc của Nga trong báo cáo giám sát truyền thông hai năm một lần bao gồm nửa đầu năm 2024. Các tổ chức giám sát tự do báo chí châu Âu, bao gồm EFJ và IPI, tạo nên liên minh này.

Theo báo cáo của MFRR, vào năm 2023, các bài viết giả mạo chiếm phần lớn nội dung trên các trang web giả mạo. Năm nay, hầu hết các cuộc tấn công đều liên quan đến trí tuệ nhân tạo hoặc AI, dưới dạng hình ảnh deepfake hoặc clip âm thanh giả mạo của các nhà báo nổi tiếng.

Theo báo cáo, nội dung như vậy làm mất lòng tin vào tin tức và tạo ra “bầu không khí nhiễu loạn” cho độc giả theo dõi tin tức châu Âu.

Các tên miền cho các trang web giả mạo này được mua thông qua các giao dịch tiền điện tử, che giấu danh tính của người mua. Theo bài báo của IPI, các ví tiền điện tử được sử dụng có liên quan đến Nga.

“Họ sử dụng các kỹ thuật thực sự tinh vi để che giấu sự thật rằng họ đang cố gắng thông tin xuyên tạc cho bất kỳ ai”, ông Karol Luczka, viên chức giám sát và vận động của IPI tại Đông Âu, nói. “Họ cố gắng đảm bảo rằng không ai nhận ra rằng Nga đang làm điều này”.

Chiến dịch của Nga đã nhắm mục tiêu vào Ukraine, Ba Lan và Đức. Họ nhắm mục tiêu vào Pháp trước cuộc bầu cử tổng thống vào mùa hè năm ngoái, giả mạo trang web của tờ báo Pháp Le Monde.

Tòa đại sứ Nga tại Washington không trả lời ngay yêu cầu bình luận của VOA.

Mặc dù chiến dịch này lan rộng khắp châu Âu, nhưng các trang web giả mạo đầu tiên bắt đầu xuất hiện ở Ukraine, cố gắng thao túng quan điểm của công chúng về cuộc chiến tranh Nga-Ukraine, ông Luczka cho biết.

Theo ông Luczka, những câu chuyện sai sự thật trên các trang web đó chủ yếu đưa ra một trong ba luận điệu sau: Ukraine đang thua trong cuộc chiến, Ukraine đang cạn kiệt tài nguyên hoặc chính phủ Ukraine tham nhũng.

Trước năm 2022, Nga chủ yếu công bố thông tin xuyên tạc bằng tiếng Nga. Tuy nhiên, chiến dịch doppelganger hiện đại đã điều chỉnh ngôn ngữ của mình theo quốc gia mục tiêu. Sự khác biệt này khiến khán giả có nhiều khả năng tin vào những gì họ đang đọc hơn, ông Luczka nói với VOA.

“Các chiến thuật thông tin xuyên tạc của Nga đang trở nên khó phát hiện và tinh vi hơn”, ông nói. “Điều đó có nghĩa là chúng cũng đang trở nên hiệu quả hơn, thật đáng buồn và đáng lo ngại”.

Facebook đóng vai trò quan trọng trong việc phổ biến các trang web này và thông tin xuyên tạc của chúng, ông Luczka nói, đồng thời cho biết thêm rằng đây là nền tảng truyền thông xã hội chính mà người Ukraine tiếp nhận tin tức.

Theo dữ liệu do World Population Review thu thập, khoảng 54% dân số Ukraine sử dụng Facebook.

Điều này tạo ra một thách thức cho các công ty công nghệ lớn như Meta, chủ sở hữu Facebook, bà Magnissalis của EFJ, nói. Bà cho biết các nền tảng này có trách nhiệm giám sát thông tin xuyên tạc được đăng trên trang mạng của họ, bao gồm cả thông tin đến từ các tác nhân người Nga.

“Họ tạo tài khoản giả và phát tán các đường dẫn đến các trang web đó ở khắp mọi nơi”, bà Magnissalis nói. “Đây không phải là chuyện mới, nhưng hết sức có vấn đề”.