Chưa có biện pháp chế tài nào sau vụ phóng hỏa tiễn của Triều Tiên

Lãnh đạo tôn giáo Hàn Quốc hô khẩu hiệu lên án vụ phóng tên lửa của Bắc Triều Tiên.

Vẫn chưa rõ liệu vệ tinh mà Bắc Triều Tiên đưa vào quỹ đạo hôm thứ tư có hoạt động đúng cách hay không. Trong khi đó, cộng đồng quốc tế vẫn đang cứu xét biện pháp cần thực hiện đối với quốc gia nghèo khó và cô lập này, sau khi vụ phóng được tiến hành bất chấp các nghị quyết đã có của Liên Hiệp Quốc. Từ Seoul, thông tín viên VOA Steve Herman ghi nhận các diễn biến mới nhất trong bài tường thuật.

Nam Triều Tiên chưa loan báo các biện pháp bổ sung tức thời nhắm vào miền Bắc sau khi xảy ra sự việc mà Seoul coi là một cuộc thử nghiệm kỹ thuật phi đạn đạn đạo.

Hôm nay, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nam Triều Tiên Cho Tai-young nói với các phóng viên rằng vụ phóng là một thách thức nghiêm trọng đối với nền hòa bình thế giới.

Ông Cho nói Bắc Triều Tiên đã coi thường các nghị quyết trước đây của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và Nam Triều Tiên nghĩ phải có các biện pháp nghiêm khắc hơn so với những biện pháp đã áp dụng sau khi miền Bắc thực hiện vụ phóng thất bại hồi tháng 4.

Hội đồng Bảo an đã công bố một thông cáo gọi đó là một sự vi phạm rõ ràng các nghị quyết trước ngăn cấm Bắc Triều Tiên có các hoạt động có thể giúp họ phát triển phi đạn đạn đạo.

Chưa rõ liệu sẽ có một nghị quyết nào mới của Liên Hiệp Quốc được đưa ra bao gồm thêm các biện pháp trừng phạt đối với Bình Nhưỡng hay không.

Bắc Triều Tiên tuyên bố vụ phóng một hỏa tiễn 3 tầng bằng nhiên liệu lỏng là một hành động sử dụng không gian một cách hòa bình

Bắc Triều Tiên tuyên bố vụ phóng một hỏa tiễn 3 tầng bằng nhiên liệu lỏng là một hành động sử dụng không gian một cách hòa bình để bố trí một “vệ tinh thăm dò trái đất.”

Hoa Kỳ cũng chưa tỏ dấu hiệu đang cứu xét biện pháp trừng phạt nào khác. Tin tức truyền thông trước vụ phóng cho thấy một nỗ lực do Hoa Kỳ đứng đầu muốn hạn chế thêm việc Bắc Triều Tiên tiếp cận hệ thống ngân hàng quốc tế.

Vụ phóng hôm thứ tư diễn ra chỉ 1 tuần lễ trước khi Nam Triều Tiên tiến hành cuộc bỏ phiếu chọn một tổng thống mới.

Dẫn đầu trong cuộc tranh cử, bà Park Geun-hye, thuộc đảng Saenuri bảo thủ, lên án Bình Nhưỡng là tìm cách gây ảnh hưởng lên cuộc bầu cử qua việc tiến hành vụ phóng có tính cách khiêu khích.

Phát biểu tại một cuộc vận động tranh cử, bà Park nói Bắc Triều Tiên đang tìm cách trắc nghiệm người dân Nam Triều Tiên. Bà kêu gọi cử tri chọn một ứng cử viên có lập trường mạnh về an ninh quốc gia.

Ðối thủ chính của bà Park, ông Moon Jae-in của đảng Dân chủ Thống nhất, nói rằng vụ phóng của Bắc Triều Tiên chứng tỏ các thất bại của phe bảo thủ.

Ông Moon nói sự kiện chính phủ không dự đoán được liệu phi đạn của Bắc Triều Tiên thậm chí có nằm trên bệ phóng hay không chứng tỏ sự thiếu khả năng của chính phủ về vấn đề an ninh quốc gia.

Tổng thống Lee Myung-bak là một thành viên của đảng Saenuri. Ông bị hạn chế chỉ được phục vụ một nhiệm kỳ 5 năm mà thôi.

Ứng cử viên tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye kêu gọi cử tri chọn một ứng cử viên có lập trường mạnh về an ninh quốc gia.

Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích tiên đoán vụ phóng của Bắc Triều Tiên chỉ có ảnh hưởng không đáng kể trong cuộc bầu cử vào thứ tư tới. Bà Park vẫn giữ thế dẫn dầu sít sao trước ông Moon trong các cuộc thăm dò công luận cuối cùng công bố vào tuần này.

Hai nước Triều Tiên không có quan hệ ngoại giao hay thương mại đáng kể. Trên nguyên tắc hai bên vẫn còn ở trong tình trạng chiến tranh, bởi vì chưa ký một hiệp định hòa bình nào sau khi cuộc nội chiến kéo dài 3 năm đi đến chỗ không phân thắng bại hồi đầu thập niên 1950.