Đường dẫn truy cập

LHQ dự kiến siết chặt các biện pháp chế tài Bắc Triều Tiên


Hình do Thông tín xã Bắc Triều Tiên công bố cho thấy hỏa tiễn tầm xa Unha-3 được phóng đi hôm nay từ Trung tâm Không gian Sohae.
Hình do Thông tín xã Bắc Triều Tiên công bố cho thấy hỏa tiễn tầm xa Unha-3 được phóng đi hôm nay từ Trung tâm Không gian Sohae.

Chương trình hỏa tiễn, phi đạn của Bắc Triều Tiên

Chương trình hỏa tiễn, phi đạn của Bắc Triều Tiên

Tháng 8, 1998: Phóng thử nghiệm Taepodong-1, hỏa tiễn tầm xa đầu tiên, trên không phận Nhật Bản trong khuôn khổ vụ “phóng vệ tinh” thất bại.
Tháng 9, 1999: Cam kết ngưng các cuộc thử nghiệm phi đạn tầm xa trong khi cải thiện bang giao với Hoa Kỳ.
Tháng 3, 2005: Chấm dứt lệnh cấm thử nghiệm phi đạn, đổ lỗi cho chính sách “thù địch” của Hoa Kỳ.
5 tháng 7, 2006: Phóng thử nghiệm 7 phi đạn đạn đạo, trong đó có phi đạn tầm xa Taepodong-2, thất bại chưa đầy 1 phút sau khi phóng.
15 tháng 7, 2006: Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc chấp thuận. Nghị quyết 1965, yêu cầu Bình Nhưỡng đình chỉ chương trình phi đạn.
6 tháng 10, 2006: Thực hiện vụ thử nghiệm hạt nhân dưới lòng đất lần đầu tiên.
15 tháng 10, 2006: Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết 1718 y êu cầu đình chỉ các cuộc thử nghiệm hạt nhân và phi đạn, cấm bán vũ khí.
5 tháng 4, 2009: Phóng hỏa tiễn tầm xa, rơi xuống Thái Bình Dương. Tuyên bố là thành công, nhưng Hoa Kỳ nói không có vệ tinh nào được đưa vào quỹ đạo.
13 tháng 4, 2009: Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc lên án vụ phóng, siết chặt các biện pháp chế tài.
Tháng 5, 2009: Thực hiện vụ thử nghiệm hạt nhân thứ nhì dưới mặt đất.
Tháng 6, 2009: Loan báo lệnh cấm các chương trình hạt nhân và phi đạn tầm xa để đổi lấy viện trợ lương thực của Hoa Kỳ.
Tháng 4, 2012: Phóng hỏa tiễn tầm xa, bị nổ tung ngay sau khi cất cánh. Thừa nhận thất bại.
Tháng 12, 2012: Phóng hỏa tiễn Unha-3, và tuyên bố đưa vệ tinh vào quỹ đạo thành công.
Các nhà phân tích cảnh báo rằng cộng đồng quốc tế không thể làm gì nhiều để kiềm chế Bắc Triều Tiên, sau khi quốc gia Cộng Sản bị cô lập này phóng đi một hỏa tiễn tầm xa trong ngày hôm nay.

Các nhà ngoại giao cho biết Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc sẽ xem xét tới việc siết chặt thêm nữa các biện pháp chế tài nhằm thuyết phục Bình Nhưỡng từ bỏ các chương trình hạt nhân và phi đạn.

Tuy nhiên, các nhà phân tích nói rằng những biện pháp chế tài ngày càng nghiêm nhặt không có ảnh hưởng gì nhiều tới các nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên, là những người rõ ràng là sẵn lòng chi tiêu một cách phung phí cho việc phát triển vũ khí trong lúc người dân tiếp tục phải sống trong cảnh nghèo đói.

Giáo sư Mike Chinoy của Đại học Nam California cho đài VOA biết rằng Hoa Kỳ và các nước Tây phương chỉ có một lựa chọn duy nhất là thông qua thương thuyết để thuyết phục lãnh tụ trẻ tuổi Kim Jong Un của Bắc Triều Tiên từ bỏ tham vọng hạt nhân.

Ông Chinoy cũng cho biết chính phủ của Tổng thống Barack Obama “cảm thấy rất tức giận” về việc Bình Nhưỡng không thực hiện lời hưa hồi tháng 2 là từ bỏ các chương trình hạt nhân và phi đạn để đổi lấy viện trợ lương thực.

Tuy nhiên, việc điều đình không hẳn sẽ mang lại kết quả.

Ông John Blaxland, một nhà phân tích an ninh của Đại học Quốc gia Australia, nói rằng vụ phóng thành công hỏa tiễn tầm xa giúp cho ông Kim Jong Un có một vị thế mạnh hơn tại bàn thương thuyết.

Các nhà phân tích cũng cho rằng cách tốt nhất để có được những sự nhượng bộ có ý nghĩa từ Bắc Triều Tiên là thuyết phục Trung Quốc, đồng minh chính và đối tác thương mại lớn nhất của Bình Nhưỡng, gây thêm áp lực với nước láng giềng theo chủ nghĩa Cộng Sản này.

Ông Scott Snyder, một chuyên gia về Bắc Triều Tiên của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại ở Washington, cho đài VOA biết rằng các cuộc thảo luận sắp tới của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc nên tập trung vào việc làm cho giới lãnh đạo mới của Trung Quốc tán đồng những biện pháp cứng rắn hơn đối với Bắc Triều Tiên.

Sau vụ phóng hỏa tiễn ngày hôm nay, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết đây là một sự việc “đáng tiếc” và Bình Nhưỡng nên tuân thủ các nghị quyết của Liên hiệp quốc.

Một bài bình luận ngày hôm nay của Tân Hoa Xã nói rằng một cách để giải quyết vấn đề là thực hiện lại cuộc đàm phán 6 bên.

Nhưng bài viết này cũng chỉ trích điều mà họ gọi là thái độ nghi ngờ của Tây phương về ý định của Bắc Triều Tiên.

Bài bình luận nói rằng “cách tốt nhất để làm cho một nước trở thành kẻ thù của mình là đối xử với nước đó như kẻ thù.”

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG