Khi Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Trần Đại Quang tiến bước xuống thảm đỏ giữa tiếng quân nhạc hùng tráng tại Phủ Chủ tịch ở Hà Nội, một nỗ lực ngoại giao có thể là lớn nhất của Việt Nam trong năm nay đang thành tựu.
Việt Nam đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho khoảnh khắc trọng đại này – một chuyến thăm cấp nhà nước của một vị tổng thống Mỹ trong năm đầu nhiệm kỳ của ông.
Kể từ khi được bình thường hóa vào năm 1995, mối quan hệ Mỹ-Việt hơn hai mươi năm qua không chỉ phát triển về bề rộng mà còn chiều sâu, và Việt Nam đã tràn trề hy vọng cho một viễn cảnh còn tươi sáng hơn với thỏa thuận thương mại Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) - liên kết Mỹ với các nền kinh tế quanh vành đai Thái Bình Dương trong chiến lược xoay trục về Châu Á của chính quyền Obama.
Nhưng sự đắc cử của Donald Trump, tỉ phú bất động sản lôi cuốn quần chúng bằng khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết,” đã làm đảo lộn những kỳ vọng của Việt Nam và khiến Việt Nam báo động.
Trong chiến dịch tranh cử, Việt Nam vài lần bị ông Trump nêu đích danh là nước “đánh cắp” công ăn việc làm của người lao động Mỹ. Ngay khi vừa nhậm chức, sắc lệnh hành pháp đầu tiên mà ông Trump ký là rút Mỹ ra khỏi TPP.
Việt Nam, nước được cho là sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ thỏa thuận này, biết rõ mình không thể thụ động trong mối quan hệ mới đầy rủi ro với Mỹ.
Những nỗ lực ngoại giao ráo riết của Việt Nam bắt đầu một tháng trước khi ông Trump nhậm chức đã đưa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Mỹ trong chuyến thăm chính thức của ông vào cuối tháng 5, tạo điều kiện cho ông bắt đầu nỗ lực vun đắp một mối quan hệ hữu hảo với nhà lãnh đạo Mỹ tâm tính khó lường.
Ông Phúc đã không bỏ lỡ cơ hội.
Ông hết sức niềm nở khi gặp lại ông Trump tại một buổi hòa nhạc trong ngày đầu tiên của hội nghị thượng đỉnh G-20 ở thành phố Hamburg ở Đức hồi tháng 7. Ông chủ động tiếp cận và thu hút sự chú ý của ông Trump và sau những cử chỉ xã giao, ông hồ hởi vỗ liên tục lên cánh tay ông Trump.
Giống như những người bạn cũ.
Khi ông Trump tới Văn phòng Chính phủ để hội đàm song phương hôm Chủ nhật, ông Phúc ra tận xe đón và nắm tay dẫn ông Trump bước lên những bậc thang.
Mặt đối mặt trong cuộc hội đàm, ông Phúc không tiếc lời khen ngợi bài phát biểu của ông Trump tại hội nghị thượng đỉnh CEO APEC ở Đà Nẵng hôm thứ Sáu.
“Ngài đã có một bài phát biểu tại APEC rất tuyệt vời,” ông Phúc nói, nhắc tới việc ông Trump đề cập tới cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng để nêu bật ý thức độc lập và chủ quyền của người Việt Nam trong bài phát biểu.
“Cũng như Ngài không dùng từ ‘Châu Á-Thái Bình Dương’ mà Ngài sử dụng ‘Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương,’” ông Phúc nói tiếp, cho biết thêm rằng ông đã “nghiên cứu” bài diễn văn này của ông Trump.
Your browser doesn’t support HTML5
Nhưng ông Trump chưa bao giờ từ bỏ bản ngã của mình là một doanh nhân, ngay cả trên cương vị tổng thống. Các cuộc tiếp xúc với các nhà lãnh đạo thế giới đối với ông như những giao dịch với các đối tác làm ăn. Các mối quan hệ quốc tế được ông nhìn nhận qua lăng kính thắng-thua hoặc như những cuộc đổi chác, mua bán.
Dân chủ và nhân quyền, những vấn đề mà các vị tổng thống Mỹ tiền nhiệm thường hay nêu lên khi họ gặp gỡ các nhà lãnh đạo chuyên quyền, không được nhắc tới trong những phát biểu công khai của ông Trump tại Việt Nam, và chỉ được nhắc tới đúng một lần trong một câu ngắn ngủi trong Tuyên bố chung Mỹ-Việt.
"Nhà lãnh đạo hai nước công nhận tầm quan trọng của việc bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền," thông cáo viết.
Các tổ chức nhân quyền vẫn thường xuyên chỉ trích Việt Nam hạn chế các quyền tự do dân sự và tăng cường bắt giữ những người bất đồng chính kiến.
Một nhóm 20 nhà lập pháp lưỡng đảng của Mỹ trước đó trong tuần này đã viết thư hối thúc ông Trump thảo luận "thành tích nhân quyền tồi tệ của Việt Nam" khi gặp Chủ tịch Trần Đại Quang ở Hà Nội.
Nói chuyện với các nhà báo trên chuyên cơ Air Force One trên đường ra Hà Nội hôm thứ Bảy, ông Trump nói dù ông cảm thấy cần phải bàn về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam, ông cũng tập trung lên tiếng về "nhiều thứ khác."
Hay, thương mại.
Sau khi khen đáp lễ nước chủ nhà, ông Trump thẳng thừng nêu vấn đề với phái đoàn Việt Nam - đúng như phong cách quen thuộc của ông trên thương trường địa ốc New York thời tiền chính trị gia.
“Điều quan trọng đối với tôi là thương mại, bởi vì bây giờ chúng tôi bị mất cân bằng thương mại đáng kể với Việt Nam, gần 32 tỉ đôla,” ông nói.
Trước đó trong phát biểu mở đầu cuộc họp báo chung với ông Quang, ông Trump nhấn mạnh rằng Mỹ cần thương mại “công bằng và đối ứng” và lâu nay thương mại của Mỹ không được như vậy.
“Chúng tôi đang thay đổi điều đó, và chúng tôi đang thay đổi điều đó một cách nhanh chóng,” ông nói.
Thông điệp của ông Trump là không thể nhầm lẫn và Việt Nam đã dự liệu ông Trump sẽ nói gì.
Trong một nỗ lực dường như để giành sự thông cảm của phía Mỹ, ông Phúc chỉ ra rằng Việt Nam đã ký hợp đồng mua thiết bị của Mỹ đạt trên 20 tỉ đôla và nhấn mạnh đây là một cố gắng rất lớn của Việt Nam để mối quan hệ thương mại giữa hai nước “cân bằng và cùng có lợi.”
Nhưng đối với ông Trump, điều đó dường như vẫn chưa đủ. Ông tranh thủ quảng cáo cho hệ thống phòng thủ phi đạn của Mỹ mà Ả-rập Saudi dùng để bắn rơi phi đạn từ Yemen trong tuần này.
“Thế nên chúng tôi muốn Việt Nam mua của chúng tôi, và chúng tôi phải loại bỏ sự mất cân bằng thương mại,” ông Trump lái về điểm trình bày chính. “Chúng tôi không thể để bị mất cân bằng thương mại.”
“Ngoài chuyện đó ra, tôi nghĩ chúng ta sẽ có một mối quan hệ tuyệt vời,” ông Trump kết luận.