Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump phát đi một thông điệp cứng rắn về thương mại tại hội nghị các nước châu Á – Thái Bình Dương diễn ra tại Việt Nam hôm thứ Sáu 10/11. Ông nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ không khoan nhượng tình trạng Mỹ bị lạm dụng kinh niên trong trao đổi thương mại nữa.
Ông nói: “Từ hôm nay trở đi, chúng ta sẽ cạnh tranh trên cơ sở bình đẳng và công bằng. Chúng tôi sẽ không để cho Hoa Kỳ bị lợi dụng nữa.”
Tổng thống Trump nói rằng Hoa Kỳ sẵn sàng thỏa thuận song phương với bất cứ nước nào trong khu vực Ấn Ðộ-Thái Bình Dương, nhưng chỉ trên cơ sở “tôn trọng lẫn nhau và hai bên cùng có lợi.”
Phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh CEO Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) tại Trung tâm Hội nghị Aryana ở Đà Nẵng, Tổng thống Trump nói:
“Khi Hoa Kỳ mở quan hệ thương mại với các nước và các dân tộc, từ nay trở đi chúng tôi trông đợi các đối tác của chúng tôi sẽ thành thực tôn trọng các luật lệ quy định.”
Ông Trump đã đáp máy bay từ Trung Quốc sang Việt Nam, chặng dừng thứ tư trong chuyến công du châu Á 12 ngày của nhà lãnh đạo Mỹ. Điều chỉnh lại cán cân thương mại giữa châu Á và Hoa Kỳ là trọng tâm của chính sách “Mỹ trên hết” của ông Trump mà ông nói là để bảo vệ người lao động Mỹ.
Sự khác biệt giữa cách tiếp cận của ông Trump và cách tiếp cận của Trung Quốc càng được tô đậm bằng phát biểu sau đó của Chủ tịch Nước Trung Quốc Tập Cận Bình. Ông Tập nói rằng toàn cầu hóa là một xu hướng không thể đảo ngược và bày tỏ ủng hộ hợp tác thương mại đa phương.
Trong lúc Trung Quốc hiện là nước có thặng dư lớn nhất trong trao đổi thương mại với Mỹ, Việt Nam cũng nằm trong danh sách các nước có thặng dư mà chính quyền Trump tìm cách hạ giảm.
APEC, diễn đàn lâu nay luôn mạnh mẽ hô hào cho thương mại tự do, đang rối loạn với những thay đổi của ông Trump.
Kể từ khi ông Trump rút Mỹ ra khỏi hiệp ước thương mại xuyên Thái Bình Dương TPP khi mới lên cầm quyền, 11 nước còn lại trong hiệp ước đã chật vật “cứu sống” TPP.
Lãnh đạo của các nước trong TPP dự trù sẽ họp sau đó trong ngày thứ Sáu 10/11 sau cuộc họp của các bộ trưởng hôm thứ Năm với kết cục gây khó hiểu, khi bộ trưởng kinh tế Nhật Bản tuyên bố là các bên đã “đồng ý trên nguyên tắc,” trong khi người đồng cấp Canada nói điều đó không đúng.
Ông Trump đả phả khá sớm chiến lược “xoay trục sang châu Á” của chính quyền Obama, khiến các đồng minh truyền thống của Mỹ lo ngại ông sẽ để cho Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng trong khu vực.
Biển Đông
Đà Nẵng, chủ nhà hội nghị APEC, là một thành phố trên bờ của Biển Đông – vùng biển gây đau đầu nhất về an ninh trong khu vực và là nơi mà các nước láng giềng của Trung Quốc thách thức tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với gần như toàn bộ vùng biển mà không có căn cứ pháp lý.
Tổng thống Trump nói rằng tương lai của khu vực này phụ thuộc vào việc giữ vững “quyền tự do hàng hải và tự do bay ngang, bao gồm những tuyến đường vận chuyển rộng mở. Ông cũng đề cập đến những mối nguy hiểm đang “mở rộng lãnh thổ,” trong đó có ma túy, buôn người và khủng bố.
Việt Nam trở thành một trong những tiếng nói lớn nhất phản đối tuyên bố chủ quyền của của Trung Quốc trên Biển Đông và các hoạt động xây đảo nhân tạo của Bắc Kinh trong vùng biển.
Trong một phát biểu dường như là ám chỉ đến việc cạnh tranh với kế hoạch Một vành đai, Một con đường đầy tham vọng của Trung Quốc, Tổng thống Trump nói ông sẽ thúc đẩy Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển Á châu tài trợ cho các dự án phát triển hạ tầng và sẽ cải tổ các định chế tài chánh Mỹ.
Ông Trump nói: “Trên hết, chúng tôi mưu tìm tình hữu nghị và chúng tôi không mơ đến việc thống trị.”
Mặc dù phát biểu tại hội nghị trong khuôn khổ của thượng đỉnh các nhà lãnh đạo châu Á-Thái Bình Dương, ông Trump nhiều lần lập lại ám chỉ khu vực Ấn Ðộ-Thái Bình Dương và đề cập đến tầm quan trọng của Ấn Ðộ trong bài diễn văn của ông.
Đà Nẵng là một địa điểm đặc biệt trong lịch sử Mỹ-Việt: đó là nơi các đơn vị bộ binh Mỹ đầu tiên được phái đến năm 1965 khi cuộc chiến tại Việt Nam leo thang để rồi kéo dài tiếp mấy chục năm sau đó cho đến khi cộng sản giành chiến thắng.
Đà Nẵng rất gần với những chiến trường khốc liệt nhất trong Cuộc chiến tranh Việt Nam, còn phi trường quân sự của thành phố này là nơi mà rất nhiều lính Mỹ cùng thế hệ với ông Trump đã được máy bay chở đến để tham chiến.
Bản thân ông Trump được hoãn thi hành nghĩa vụ quân sự 5 lần, một trong những lần đó là bị đau xương gót chân.
(Theo AP, AFP)